Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chấn chỉnh để đầu tư công “chạy”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Đầu tư công được hiểu là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế – xã hội, trong đó chủ yếu là các dự án về phát triển hạ tầng. Đầu tư công chính là dòng vốn “mồi”, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng phúc lợi và công bằng xã hội.
Một đồng vốn đầu tư công bỏ ra có thể mở đường cho nhiều đồng vốn đầu tư xã hội đầu tư cho nền kinh tế. Với ý nghĩa đó, đầu tư công chậm trễ cũng đồng nghĩa với việc kéo sự phát triển chung chậm lại, người dân khổ sở vì thiếu đường sá, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp mất đi nhiều cơ hội làm ăn kinh doanh.
Thời gian qua, vấn đề đầu tư công chưa khi nào bớt “nóng” trên các diễn đàn. Chính phủ có nhiều chỉ đạo nghiêm khắc. TPHCM cũng đề ra rất nhiều giải pháp và đốc thúc thường xuyên, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm này chưa đạt mục tiêu.
Đầu năm 2023, TPHCM lên kế hoạch đến hết tháng 6 phải đạt 35%, cuối năm phải đạt 95% trở lên. Nhưng hết tháng 9 mới đạt 31%, và con số 95% gần như chắc chắn không thể với tới. Nhìn về những năm trước, không tính thời gian hai năm dịch bệnh (2020-2021), năm 2022 tỷ lệ giải ngân của TPHCM cũng thuộc hàng thấp nhất cả nước.
Công việc quan trọng, sự quan tâm đốc thúc từ lãnh đạo cấp cao rất thường xuyên, nhưng vẫn chậm trễ rõ ràng là có sự chệch choạc cần chấn chỉnh. Trên bình diện chung, hệ thống pháp luật về đầu tư công vẫn chưa rõ ràng, ổn định. Luật Đầu tư công 2019 vừa có hiệu lực hơn 2 năm thì các bộ, ngành, địa phương đồng loạt kiến nghị khoảng 100 vướng mắc.
Hiện Thủ tướng đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công. Từ thực tiễn sôi động của mình, TPHCM cần góp tiếng nói mạnh mẽ, cụ thể cho việc sửa đổi này.
Điều cần chấn chỉnh mạnh mẽ nhất, là sự phối hợp còn chệch choạc, bệnh “sợ trách nhiệm” của các cơ quan thực thi; nhiều dự án chậm vì vướng điều chỉnh quy hoạch; chậm bàn giao quỹ nhà tái định cư cho các dự án. Hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông có liên quan đến nhiều sở, ngành như xây dựng, công thương, thông tin truyền thông, hồ sơ đến mỗi sở, ngành lại chậm một chút, dự án thì cứ chờ.
Cũng trong công tác giải phóng mặt bằng, nhiều dự án được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong năm 2022, nhưng đến gần cuối năm 2023 vẫn chưa xong. Cá biệt có những dự án ở TP Thủ Đức như cầu Ông Nhiêu, đường Lò Lu, đường Long Phước thậm chí còn chưa hoàn tất chuẩn bị để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân… Những việc này đều cần chấn chỉnh để đầu tư công có thể “chạy”.
Về phía người dân, việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản quá thấp so với giá thực tế, không chỉ với người bán là hành vi trốn thuế, với người mua là hành vi tiếp tay cho sai phạm, mà còn để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Rõ nhất là làm nhiễu thông tin thị trường đất đai khi cơ quan nhà nước xác định giá thị trường để bồi thường ở khu vực có dự án. Đây cũng là một việc cần chấn chỉnh!
KHÁNH CHÂU (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)