Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Chấn chỉnh hoạt động xe buýt: Chưa “chạm” tới được vấn đề cốt tử

Tạp Chí Giáo Dục

Bất chấp nỗ lực thay xe buýt mới, gắn camera giám sát chất lượng phục vụ hành khách…, số lượng hành khách vận chuyển được của hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của TPHCM vẫn tiếp tục sụt giảm. Khoảng 3,5% là mức sụt giảm của những tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015.

Xe mới nhưng… chưa tiện

Tính cho đến thời điểm hiện nay, đã có 15 tuyến trong tổng số 141 tuyến xe buýt của TPHCM đổi mới xe. Hầu hết xe mới là loại xe sử dụng khí CNG thân thiện với môi trường và được sản xuất đúng theo tiêu chí xe buýt: sàn thấp, thuận lợi cho hành khách lên xuống. “Xe buýt 5 sao” là mỹ từ mà nhiều hành khách dùng để gọi những chiếc xe buýt mới này. 
Thế nhưng, không như mong đợi: những chiếc xe buýt “đẳng cấp” ấy chưa tạo được sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với hành khách. Bước chân lên xe buýt của Hợp tác xã 19-5 chạy tuyến 33, có lộ trình Bến xe An Sương – Suối Tiên – Đại học Quốc gia vào một ngày đầu tháng 9-2016. Mát lạnh, sạch sẽ, không có mùi xăng, dầu gây nhức đầu là điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được. Tuy nhiên, nhìn quanh, hành khách chỉ hơn nửa xe.

Xe buýt lưu thông trong vòng vây xe 2 bánh (Ảnh: THÀNH TRÍ)

Tài xế xe không cho chúng tôi biết tên nhưng chân thành chia sẻ: “Từ ngày đổi xe, hành khách rất vui, nhưng số lượng vẫn tăng không nhiều so với trước. Nhiều hành khách nói với tôi rằng xe buýt chẳng mấy khi đi đúng giờ nên khi có việc gấp chẳng dám đi; phải chuyển tới 2 – 3 lần xe mới tới nơi; vỉa hè bị lấn chiếm nên rất ngại đi bộ tới trạm dừng, nhà chờ…”. 
Chuyển qua đi tuyến xe buýt số 109 từ trung tâm TP ra sân bay Tân Sơn Nhất – tuyến xe vừa được đầu tư bởi một doanh nghiệp mới toanh trong “làng” xe buýt. Không thể phủ nhận, những chiếc xe buýt trên tuyến này quả là hiện đại, đẹp và sang trọng. Trong xe còn có nhiều chỉ dẫn cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt, rất thuận tiện cho du khách nước ngoài khi đi xe. Thế nhưng, số lượng hành khách trên xe cũng không khả quan. Xe có sức chứa tối đa 70 người nhưng nhiều chuyến chỉ có khoảng 10 – 15 hành khách, trong đó có nhiều người nước ngoài. “Xe đẹp, tài xế thân thiện nhưng chỉ chạy 1 tuyến nên không thuận tiện cho khách sử dụng” là ý kiến của nhiều hành khách khi được đề nghị cho biết nhận xét của mình về tuyến xe buýt này. Những người ở các quận, huyện xa, nếu muốn ra sân bay trên những chiếc xe buýt hiện đại, sang trọng này sẽ phải trung chuyển qua nhiều chuyến xe buýt khác. Điều này khiến hành khách không mặn mà, nhất là khi họ mang nhiều hành lý. 
Thực ra, không phải bây giờ, mà hơn 3 năm trước, sản lượng hành khách vận chuyển được của hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của TPHCM đã bắt đầu sụt giảm. Đổi mới xe buýt, nâng chất lượng phục vụ hành khách của đội ngũ tài xế, tiếp viên, gắn camera giám sát hoạt động trên xe buýt… là những việc mà ngành giao thông vận tải đã và đang nỗ lực thực hiện nhằm kéo hành khách trở lại với xe buýt. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực ấy, sản lượng hành khách vẫn sụt giảm liên tục. Đành rằng, việc đầu tư đổi mới xe buýt phải có thời gian để hành khách nhận biết và ủng hộ nhưng gần 1 năm đã trôi qua, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn chưa khởi sắc là điều đáng lo ngại.

An toàn, đúng giờ: tiêu chí hàng đầu

Theo Thạc sĩ Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, nếu phải xếp thứ tự ưu tiên các tiêu chí để hệ thống vận tải hành khách công cộng hấp dẫn hành khách thì ưu tiên một là “thời gian vận hành đúng lộ trình”. Ưu tiên thứ hai: giá cước, sự an toàn trên xe (không bị móc túi hay sàm sỡ). Ưu tiên thứ ba: hệ thống trạm dừng, nhà chờ thuận tiện, mạng lưới tuyến phù hợp, xe sạch sẽ…

Hành khách đi xe buýt tuyến Bến xe An Sương – Đại học Nông Lâm. Ảnh: Cao Thăng

Bằng kinh nghiệm của một người có hơn 30 năm gắn bó với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã xe buýt TPHCM, cũng có những nhận định tương tự. Theo ông Phùng Đăng Hải, câu hỏi mà rất nhiều hành khách hỏi khi lên xe buýt là “bao giờ tới được trạm A, B, C…?”.

“Đối với nhiều hành khách, biết được chính xác thời gian đi là điều rất quan trọng. Trong khi đó, phần lớn xe buýt TPHCM hoạt động không đảm bảo lộ trình do kẹt xe. Không phải ngẫu nhiên, nhiều sinh viên của Đại học Quốc gia vào những ngày thi không dám đi xe buýt, dù hàng ngày họ vẫn sử dụng phương tiện này tới trường”, ông Phùng Đăng Hải nói. 
Trong hội thảo về phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TPHCM do Sở GTVT và Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp tổ chức cách đây chưa lâu, nhiều chuyên gia và đại diện các đơn vị vận tải cũng khẳng định, đảm bảo lộ trình là yếu tố quan trọng hàng đầu của hệ thống xe buýt nhằm thu hút hành khách.

Ông Lê Hoàng Minh, khi ấy là Phó giám đốc Sở GTVT, đã chia sẻ sở đang nghiên cứu làm một số đường ưu tiên cho xe buýt trên các tuyến đường huyết mạch để đảm bảo lộ trình. Như vậy, với những chấn chỉnh đang được thực hiện trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố, rõ ràng ngành chức năng vẫn chưa chạm được vào vấn đề cốt tử: tạo điều kiện cho xe buýt đảm bảo lộ trình. Các làn đường dành riêng cho xe buýt vẫn chưa có. Hàng loạt vấn đề quan trọng khác như vỉa hè còn bị lấn chiếm, làm cho việc tiếp cận xe buýt của người dân gặp rất nhiều khó khăn… vẫn chưa được giải quyết.
Đổi mới xe buýt là việc phải làm trong bối cảnh xe buýt của TPHCM đã cũ kỹ, xuống cấp. Thế nhưng, nếu chỉ đổi mới xe buýt mà không tạo điều kiện cho xe buýt hoạt động, sản lượng hành khách vẫn sụt giảm, sẽ tạo ra nhiều hệ lụy không hay. Trước hết là vấn đề trợ giá. Xe mới, khấu hao cao, nếu được tính đúng, đủ sẽ làm tăng tiền trợ giá. Tiền trợ giá tăng mà sản lượng hành khách vận chuyển được vẫn giảm, sẽ tạo ra nhiều dư luận không hay. Trước sức ép ấy, các đơn vị vận tải lo ngại sẽ không còn hào hứng để đổi mới xe, nâng chất lượng phục vụ… Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TPHCM vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.

NGUYỄN KHOA – QUỐC HÙNG/ SGGP

 

Bình luận (0)