Y tế - Văn hóaThư giãn

Chấn chỉnh linh vật ngoại lai: Nhiều đơn vị cùng vào cuộc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thông tin từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, lần đầu tiên, khoảng 60 hiện vật liên quan đến hai linh vật (sư tử, nghê) sẽ được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”. Theo kế hoạch, chương trình sẽ chính thức khai mạc vào 7-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Số hiện vật được trưng bày lần này có niên đại từ thời Lý, Trần, hậu Lê đến thời Nguyễn, được tạo tác bằng nhiều loại chất liệu khác nhau như: đá, gốm, sành, gỗ, đồng… Bên cạnh đó, một số tài liệu khoa học khác liên quan đến hai hình tượng linh vật này (như các bản vẽ đặc họa, tường giải trên cơ sở hiện vật…) cũng sẽ được giới thiệu tới công chúng. Trong thời gian diễn ra triển lãm, ban tổ chức sẽ triển khai chương trình giáo dục tương tác với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật dành cho học sinh trên cơ sở khai thác các bộ sưu tập hiện vật tại bảo tàng.

Ban tổ chức mong muốn thông qua triển lãm sẽ góp phần nâng cao nhận thức thẩm mỹ của công chúng, hướng đến mục đích không sử dụng các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập văn hóa hiện nay.
Cũng liên quan tới quy định của Bộ VH-TT-DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam, họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, để phân biệt được mẫu sư tử của Trung Quốc với mẫu truyền thống của Việt Nam, có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm ngoại hình rất riêng của sư tử Việt.

Theo phân tích của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế thì: Sư tử thời Lý – Trần có hàm răng với số lượng lớn, đa phần không nhọn sắc và thường thiếu hai chiếc răng nhọn từ hàm dưới đâm lên. Trong khi hầu hết các tượng sư tử của Trung Quốc đều có một hàm răng với những chiếc răng nanh lởm chởm và nhọn sắc. Sư tử thời Lý – Trần không phô diễn sức mạnh hình thể, trong khi sư tử Trung Quốc luôn phô trương bằng cách rướn người ra phía trước, lộ rõ một khối ức vạm vỡ cùng bắp chân.
Điểm nữa là, tất cả các sư tử thời Lý đều có nhiều yếu tố hoa mỹ và kiểu sức gần với cách tạo hình Đông Nam Á. Sư tử thời Lý bờm rất mỏng, ép sát vào cơ thể, được tạo hình hoa mỹ. Đuôi sư tử thời Lý cũng đều mềm mại, uyển chuyển, trái ngược với sự mạnh mẽ của phần đầu.
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đã gửi tư liệu, hình ảnh một số mẫu tượng linh vật hiện đang được sử dụng tại các di tích và được lưu giữ tại một số bảo tàng giới thiệu các mẫu linh vật của Việt Nam tới các địa phương, nhằm giúp cho công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý cũng như hướng dẫn những nơi sản xuất, tiêu thụ nhận biết.

Theo SGGP

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)