Sau nửa ngày làm việc, hội thảo góp ý kiến xây dựng Nghị định Quản lý hoạt động mỹ thuật (diễn ra sáng 7.11 tại Hà Nội) vẫn chưa đi đến sự đồng thuận. Kết quả đạt được, như lời Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ, mới chỉ xới lên một phần của vấn đề.
Quản lý hoạt động mỹ thuật bằng luật
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác quản lý, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương cho rằng xây dựng luật càng kỹ càng tốt. Luật không rõ, không cụ thể, chẳng khác nào bật đèn xanh cho người ta lách luật. Ví dụ của việc lách luật thì nhìn đâu trong đời sống mỹ thuật cũng thấy. Chẳng hạn các gallery, một trong những đối tượng có khá nhiều “mưu mẹo”. Không ít gallery tổ chức triển lãm – treo tranh, mời quan khách, thậm chí mở tiệc cocktail khai mạc…, nhưng nếu họ không treo biển “triển lãm” thì cơ quan chức năng cũng không vào xét duyệt tác phẩm được.
Ông Chương cũng lưu ý: xây dựng luật, cần tránh tình trạng đầu này thì chặn, nhưng đầu kia lại mở. Kết quả là người ta vẫn có kẽ hở để lách luật. Trường hợp của họa sĩ Lê Quảng Hà là một ca đáng nhớ. Thẩm định triển lãm cá nhân của Lê Quảng Hà, Hội đồng nghệ thuật yêu cầu họa sĩ gỡ những bức tranh “có vấn đề” xuống. Họa sĩ gỡ thật. Nhưng ngay hôm sau, những tác phẩm “có vấn đề” ấy lại được ngợi ca rầm rộ trên một tờ báo có uy tín. Tương tự là trường hợp của nhiếp ảnh gia Thái Phiên. Cơ quan cấp phép kiên quyết không cho nghệ sĩ Thái Phiên triển lãm ảnh nude. Nhưng ngay thời điểm đó, những bức ảnh không được phép triển lãm ấy lại đàng hoàng xuất hiện trong một ấn phẩm ảnh nude mang tên Xuân thì.
“Thiết quân luật” với sao chép tranh
Gallery – tụ điểm sao chép tranh, gallery – bà đỡ của tranh giả, gallery – đối tượng lách luật… Với chừng ấy “tội danh”, không khó hiểu vì sao Ban xây dựng nghị định đã dành hẳn một chương cho hoạt động gallery và sao chép tranh.
Thế nhưng, theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội thì: “Ra luật với gallery và sao chép tranh chỉ là chuyện viễn tưởng!”. Ông phân tích, hiện nay, chúng ta có hai cơ quan cùng quản lý hoạt động của gallery: Sở Kế hoạch – Đầu tư có thẩm quyền cấp phép hoạt động, và Sở VH-TT-DL có trách nhiệm quản lý nội dung, chất lượng nghệ thuật. Chính vì không thuộc hẳn phạm vi quản lý của bên nào nên thời gian qua, các gallery mới vin vào cái vỏ kinh doanh do Sở Kế hoạch – Đầu tư cấp phép để dễ dàng lách luật, khiến cho Sở VH-TT-DL phải chật vật “đuổi” theo chấn chỉnh. Ông Bảo kết luận: “Chừng nào công tác quản lý còn chưa thu về một mối thì hoạt động của gallery còn loạn”. Cũng theo đánh giá của ông Bảo, các gallery hiện nay hầu hết không đủ tiêu chuẩn trưng biển gallery, mà chỉ là các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Ông Vi Kiến Thành, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm thắc mắc: “Trước đây chúng ta đã có quy chế gallery, trong đó đề rõ các tiêu chí về diện tích, ánh sáng… Nhưng không hiểu sao sau đó, quy chế này đã bị bãi bỏ. Và kết quả là hoạt động của gallery càng lúc càng nhốn nháo”.
Riêng về vấn nạn sao chép tranh, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng khó có thể quản lý. Bởi tương tự như nạn sách lậu, không dễ gì kiểm soát được việc các bức tranh có thể bị “nối bản” thêm bao nhiêu lần.
Cũng như ông Bảo, không ít người rời hội thảo với suy nghĩ: từ nghị định đến thực tế có lẽ còn cả một quãng đường rất dài…
Hương Lan (Theo TNO)
Bình luận (0)