Học sinh một trường ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM đang học nhóm. Ảnh: Anh Khôi
|
“Trong đợt kiểm tra này, chắc chắn có không ít trường vì không đủ điều kiện sẽ bị ngưng hoạt động”, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương đã khẳng định như vậy tại Hội nghị triển khai kế hoạch kiểm tra cấp phép cho các trường ngoài công lập (NCL) hoạt động giáo dục do sở tổ chức mới đây…
Sẽ “mạnh tay” với trường không đảm bảo
Tính tới thời điểm này, TP.HCM có 119 trường NCL. Trong đó có 84 trường phổ thông (bao gồm cả các trường có nhiều cấp học) dân lập, tư thục và 35 trường có yếu tố nước ngoài.
“Hệ thống trường NCL đã hỗ trợ ngành GD-ĐT TP.HCM “gánh” bớt một phần học sinh (HS). TP hiện có khoảng 197 ngàn HS không có hộ khẩu, các trường NCL đã đóng góp rất lớn để những em này có chỗ học”, ông Nguyễn Đình Thái Châu, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở GD-ĐT TP cho biết.
Theo số liệu tổng hợp của Sở GD-ĐT TP thì, tỷ lệ HS theo học tại hệ thống trường NCL chiếm khoảng 2% ở cấp tiểu học, trên 3% ở cấp THCS và gần 20% ở cấp THPT.
Trong hệ thống trường NCL, có nhiều trường đã tạo được uy tín đối với đông đảo phụ huynh và HS. Không chỉ có vậy, những trường này đã ít nhiều đóng góp vào thành tích của ngành GD-ĐT TP với tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT và đậu ĐH-CĐ khá cao. Còn các trường có yếu tố nước ngoài, phần nào đáp ứng được nhu cầu học tập trong môi trường giáo dục quốc tế của một bộ phận không nhỏ phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả.
Song, bên cạnh những nhà đầu tư thật sự tâm huyết với giáo dục thì cũng có không ít nhà đầu tư đã coi giáo dục là siêu lợi nhuận. Mặc dù những người này chưa hiểu nhiều về giáo dục, thậm chí không hiểu gì nhưng cũng cứ mở trường. Thế là các trường NCL cứ kéo nhau mọc lên, hầu như không năm nào là không có vài ba trường mới.
Theo đánh giá của ông Chương thì: “Thời gian qua, hệ thống trường NCL phát triển hơi lộn xộn”.
Hệ lụy của cái sự lộn xộn này chính là điều kiện dạy và học không đảm bảo. Ông Chương cho biết là có những trường thành lập từ lâu, thậm chí có trường ra đời đã 15-16 năm rồi nhưng vẫn rất khó khăn về cơ sở vật chất. “Hiện nay vẫn còn những trường không có phòng học riêng, tất cả đều là thuê mướn. Trong khi đó, khi xin cấp phép hoạt động, nhà đầu tư đã cam kết trong thời gian 3-4 năm sẽ hoàn chỉnh cơ sở vật chất để đảm bảo nhu cầu học tập của HS”, ông Chương khẳng định.
Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp không nhỏ của hệ thống trường NCL nhưng cũng không thể chấp nhận một số trường không ra trường, lớp không ra lớp. Đó là sự “lừa dối” HS và phụ huynh, ảnh hưởng xấu đến uy tín và sự phát triển của GD-ĐT TP.HCM. Chính vì vậy, Sở GD-ĐT quyết định “mạnh tay” với những trường không đảm bảo điều kiện dạy và học.
Theo đó, sau Tết Nguyên đán (từ giữa tháng 2-2013), Sở GD-ĐT TP sẽ bắt đầu đi kiểm tra nắm tình hình thực tế tại tất cả các trường dân lập, tư thục và trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn.
Nhiều trường sẽ phải đóng cửa
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lâu nay nhiều trường chỉ có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập trường của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP, quận – huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP là bắt đầu chiêu sinh và giảng dạy. Nhưng nay thì khác, các quyết định nói trên chỉ là điều kiện cần để các nhà đầu tư mở trường. Việc tổ chức hoạt động dạy và học sẽ do Sở GD-ĐT TP đi kiểm tra và cấp phép. Trong quá trình này, nếu trường nào không đảm bảo điều kiện dạy và học theo quy định của Bộ GD-ĐT thì Sở GD-ĐT TP sẽ không cấp phép. Điều đó đồng nghĩa với việc những trường này phải đóng cửa…
Một trong những nội dung quan trọng của đợt kiểm tra này là vấn đề an toàn cho HS. “Đây là một vấn đề đáng lo. Đi kiểm tra thực tế tại các trường NCL cho thấy, nhiều trường chỉ có duy nhất một cái cầu thang (thuê nhà phố làm trường học, phòng sinh hoạt cho HS nội trú – PV). Mỗi phòng có tới 40-50 HS ở, giường thì 2-3 tầng, không gian sống của các em rất chật hẹp. Nếu có một sự cố về điện thì sao? Vì vậy, chúng ta không thể coi thường vấn đề an toàn cho HS”, ông Chương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó là việc kiểm tra đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phải đạt tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục. Và đương nhiên, các trường NCL phải có đủ đội ngũ GV cơ hữu. Hiện nay, trên thực tế có nhiều trường thiếu GV cơ hữu. Chẳng hạn như Trường B (Q.Tân Bình), mặc dù cơ sở vật chất khá khang trang nhưng GV thì toàn thỉnh giảng, cứ học được vài ba tháng với cô giáo A là HS phải chuyển sang học với thầy giáo B, cô giáo C… Vì GV không có sự gắn bó chuyên môn nên HS cứ thế rơi rụng dần.
Nhiều trường do thiếu GV nên không dạy đủ môn, đủ tiết. “Theo quy định thì HS nào không học đủ môn, đủ tiết sẽ không hoàn thành chương trình”, ông Chương cho biết.
Bên cạnh đó cũng có không ít trường dạy trước chương trình, mới tháng 9 đã thi hết học kỳ I, tháng 1 đã học xong chương trình cả năm. Điều này là trái quy định của Bộ GD-ĐT…
Có thể nói, đợt kiểm tra cấp phép lần này của Sở GD-ĐT TP.HCM là một cuộc “phẫu thuật” nhằm cắt bỏ những cái yếu kém, cái xấu trong hệ trường NCL. Đó cũng là một cách để các trường NCL cạnh tranh lành mạnh với nhau nhằm đem lại kết quả tốt cho HS…
Hòa Triều
Thời gian qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thanh tra nhiều trường NCL. Theo đó đã đình chỉ hoạt động của 3 trường là Trường THPT Phương Nam (khu phố 6, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức); Trường THCS & THPT Khai Trí (133 – số cũ 141 Nguyễn Trãi, P.2, Q.5); Trường THCS & THPT Hiền Vương (75A Nguyễn Sĩ Sách – số cũ 65/79/2A Tân Sơn, P.15, Q.Tân Bình). |
Bình luận (0)