Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Chặn đầu xe mưu sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Chặn đầu dòng xe đang lao vun vút về phía trước để bán từng bịch mía, chai nước.  Anh: Mục ĐồngMột việc làm vừa nghe qua cứ tưởng đùa nhưng đó là cách kiếm cơm hằng ngày của không ít người trên xa lộ Xuyên Á (đoạn từ cầu vượt Bình Phước đến cầu vượt Gò Dưa, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập.

Đùa với tử thần

Giữa cái nắng chang chang, hàng chục người vẫn cần mẫn đứng giữa đường giơ những bịch mía khúc, mấy chai nước chặn đầu những chiếc xe đang lao về phía trước. Chiếc xe tải lao vút qua bụi tung mịt mù. Người bán hàng rong kéo chiếc mũ sụp xuống che lấy khuôn mặt, chờ cho bụi tan đi rồi tiếp tục huơ huơ cánh tay đen nhẻm vì sạm nắng về phía trước. Một chiếc hai chiếc lao qua, rốt cuộc cũng có chiếc xe du lịch nhỏ chịu dừng lại.

– Bao nhiêu tiền một bịch mía? – Hai ngàn. Chiếc xe du lịch nhỏ rú ga chạy thẳng bỏ lại làn khói đen sì. Người bán hàng rong lại kéo mũ che mặt rồi tiếp tục giơ tay lên…

Lúc đường vắng thì xe chạy rất nhanh. Người bán hàng rong phải đứng trên con lươn trườn người ra ngoài bắt xe. Có khi gặp xe chạy nhanh quá, gió quét qua hất tung cả mớ hàng xuống mặt đường. Còn chuyện cánh tay bị va chạm với đầu xe thì như cơm bữa. Ai làm nghề này cũng có một vài vết bầm tím lưu lại trên tay. Người làm công việc này thích nhất những khi kẹt xe, từng đoàn xe chen chúc nối đuôi nhau thì tha hồ mà bán. Họ len lỏi giữa những khe chật hẹp, tránh đầu xe này rồi lách qua đuôi xe kia mang theo những tiếng rao: “Báo không? Mía không? Nước không? Kẹo không?”. Người bán hàng rong ngán nhất lúc bị xe kẹp. Tài xế nào “thương” thì còn chú ý tránh họ, chứ gặp mấy tay ẩu thì dính đòn như chơi. Nhẹ thì bị tông rơi vãi hàng xuống đường, nặng thì bị thương đến… chết.

Nỗi lòng kẻ mưu sinh

Phan Văn Tuấn (23 tuổi) quê huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã theo nghề này được hơn hai năm nay. Nhà ở quê chỉ có 3 sào ruộng, lại đông anh em, không đi thì biết lấy gì mà sống. Ban đầu vào Sài Gòn, Tuấn làm phụ hồ. Công việc bữa có bữa không nên không đủ sống và Tuấn theo bạn đi bán hàng rong. Suốt ngày phơi nắng ngoài đường với đủ thứ bụi bẩn nên người Tuấn đen như cột nhà cháy. Tay chân thì đầy những vết sẹo bầm do “tai nạn nghề nghiệp” để lại. Trong một lần đi bán, do không chú ý nên bàn chân trái của Tuấn bị bánh xe giẫm lên. Gãy xương bàn chân nghỉ hết mấy ngày, tưởng Tuấn bỏ luôn nghề nhưng rồi nửa tháng sau “đồng nghiệp” lại thấy Tuấn đi cà nhắc luồn lách giữa các đầu xe. “Không đi bán thì lấy gì mà sống. Mình là dân quê, vào đây có việc gì làm kiếm ít tiền là may rồi. Cũng tính bán thêm thời gian nữa, khi nào dành dụm được một ít thì về quê mở cái tiệm tạp hóa nhỏ”. Tuấn vừa nói vừa lấy tay xoa xoa cái chân bị đau. “Nhiều lúc trời trở mưa thì nó lại đau nhói lên, chỉ biết cắn răng mà chịu”.

Còn Vũ Thanh Tâm (20 tuổi, quê Bình Định) sau khi rớt đại học mới lặn lội vào Sài Gòn, theo anh trai đi bán hàng rong kiếm sống. Tâm cho biết: “Em làm vài tháng kiếm ít tiền rồi tính ôn thi tiếp chứ theo nghề này vừa cực vừa nguy hiểm. Đứng dang nắng cả ngày nhưng lời cũng chẳng được bao nhiêu. Nhiều khi còn bị đuổi nữa, vì gây mất an toàn giao thông”. Ông Nguyễn Tư đã gần 60 tuổi, quê Phú Yên tâm sự: “Không phải ai cũng dám ra đứng đón đầu xe mà bán cả đâu. Làm không quen thì hoa mắt rồi bị xe cán chứ chẳng chơi. Thằng cháu tui đợt trước bị đụng giờ nằm nhà không làm gì được. Ngán lắm!”. Biết là nguy hiểm nhưng vì cuộc mưu sinh, nhiều người vẫn hằng ngày đứng đón đầu những chuyến xe. Tiếng rao có lúc cất lên trầm bổng, có lúc bị chìm đi trong tiếng xe chạy…

MỤC ĐỒNG

Bình luận (0)