Bộ Tài chính đang xây dựng bộ quy định mới nhằm ngăn chặn hiệu quả việc “đất vàng” của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bị chuyển đổi với giá rẻ vào tay tư nhân sau khi cổ phần hóa (CPH).
Chiều 16/3, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Duy Long, Tổ trưởng Biên tập Dự thảo Nghị định chuyển DNNN thành công ty cổ phần cho biết, việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DNNN được quan tâm nhất trong CPH thời gian qua. Thực tế có nhà đầu tư mua DN không phải nhằm mục tiêu sản xuất kinh doanh, mà nhắm vào những vị trí đất DN đó đang sở hữu. Vì vậy, theo ông Long, dự thảo lần này sẽ quy định rõ về xác định giá trị đất theo Luật Đất đai năm 2013.
Theo đó, DN căn cứ bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố công bố để tính vào giá trị DN và nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước. Với DN sở hữu đất ở những vị trí có lợi thế thương mại cao (đất vàng), trước khi CPH phải xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phương án sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp quy định, quy hoạch, kế hoạch đất của địa phương và phải được gửi tới chính quyền cấp tỉnh cho ý kiến. “Quy định này sẽ ngăn ngừa DN lợi dụng tiếp tục nắm giữ, ôm lại toàn bộ đất đang quản lý dù không phù hợp với ngành nghề kinh doanh, sai quy hoạch”, ông Long nói.
Sau rà soát, Nhà nước sẽ thu hồi những phần đất DN sử dụng chưa phù hợp với lĩnh vực kinh doanh, sai quy hoạch. Phần DN giữ lại sẽ được hướng dẫn xử lý, nếu là đất được giao phải tính giá trị đất vào giá trị DN trước khi CPH.
Riêng với những khu đất “vàng”, ông Long cho biết, giá đất và giá thuê đất sẽ được tính cao hơn (tối đa 30% và 3%) so với đất cùng chủng loại theo khung giá đất do Chính phủ quy định. “DN sau khi CPH phải sử dụng đất theo đúng mục đích đã được phê duyệt. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công ty cổ phần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo giá thị trường và thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước”, ông Long nói.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, chỉ có một số trường hợp ngay khi CPH được nhà nước giao đất làm nhà, hạ tầng cho thuê. Tuy nhiên, diện tích đất này phải được xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị DN trước khi CPH và sát theo giá thị trường. “Đa số đất của DNNN trước khi CPH sẽ chuyển sang nhà nước cho thuê và thu tiền theo năm, mỗi kỳ 5 năm nhà nước thay đổi giá 1 lần. Quy định này sẽ ngăn việc chuyển đổi đất vàng với giá rẻ”, ông Tiến nói.
Gia đình Thứ trưởng Thoa sở hữu 11 triệu cổ phiếu của Điện Quang
Chiều 16/3, tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính, các phóng viên đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ Tài chính về biện pháp ngăn chặn lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và người thân trở thành chủ sở hữu DN sau cổ phần hóa (như trường hợp của Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa). Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trước đây có việc ưu tiên bán cổ phần DNNN theo thỏa thuận trước.
Theo đó, chính sách khuyến khích đảng viên, cán bộ nhà nước phải đi đầu trong việc mua cổ phần. Tuy nhiên, từ năm 2015 đã không còn việc ưu tiên bán cổ phần DNNN thông qua thỏa thuận như vậy nữa, mà ưu tiên bán đấu giá công khai, cạnh tranh, khi không thành công mới tới bán thỏa thuận. “Đã đấu giá công khai thì người mua công khai và cạnh tranh sòng phẳng với nhau. Điều này tránh việc thỏa thuận giữa 2 bên, hoặc có chính sách, điều kiện thiên vị cho bên nào đó. Bán đấu giá công khai sẽ hạn chế được những tiêu cực đó”, ông Tiến nói.
Theo thống kê đến hết tháng 6/2016, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình bà nắm giữ hơn 11 triệu cổ phiếu, tương ứng 34% vốn của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, tổng trị giá tài sản ước tính hơn 700 tỷ đồng.
Lê Hữu Việt (TPO)
Bình luận (0)