Là 9X đời đầu, Lê Đức Anh để lại cho người tiếp xúc một cảm giác thân thiện, hóm hỉnh khi chuyện trò. Cậu học trò trường Phổ thông Năng khiếu Trần Phú, Hải Phòng này chính là chủ nhân của tấm HCB Hóa quốc tế 2009.
Con đường đến với… môn hóa
Đức Anh đến với môn hóa như một sự tự nhiên, thích học hóa ngay từ khi tiếp xúc với môn học này vì sự biến đổi thú vị của các chất hoá học đã khơi dậy sự tò mò và khả năng khám phá của cậu bé mới 14 tuổi.
Đức Anh khoe: “Những kiến thức hoá học của mình vẫn thỉnh thoảng được dùng để giúp mẹ nấu ăn, ví dụ như dùng chanh khử mùi tanh cho cá, cho đu đủ xanh vào nồi xương hầm để nhanh nhừ”. Những việc làm đó tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng biết.
Lê Đức Anh chụp cùng đội tuyển và cô giáo dạy Hóa (Đức Anh ngoài cùng, trái)
Mỗi lần giúp mẹ nấu nướng, Đức Anh lại tự hào vì những gì mình học thật hữu ích trong cuộc sống. Việc làm của cậu được mẹ tán thưởng bằng cách vừa làm vừa nghe cậu giải thích tại sao thế này… tại sao thế kia, đơn giản vì Đức Anh đang ôn lại một công thức hóa học hay hồi tưởng một công dụng của hợp chất nào đó.
Cậu cho hay: “Đó là cách học hiệu quả, vừa áp dụng được hóa học vào đời sống, vừa thấy nó gần gũi lại giúp gợi nhớ những bài học trên lớp”.
Những khi thấy buồn hay chán việc gì đó, cậu lại lôi hóa ra “giải khuây”. Lúc thì viết đi viết lại một công thức hóa học cho “không thể quên được”, lúc thì ngâm nga một vài bài hóa cho hết buồn mới thôi.
Là đứa con của thành phố Hoa phượng đỏ, Đức Anh chẳng những tự hào về điều đó mà còn cho rằng chính đất và nước Hải Phòng đã cho cậu bản tính “hài hước và thân thiện với bất cứ ai cười với mình”.
Cũng chẳng phải tự nhiên mà Đức Anh chọn THPT Năng khiếu Trần Phú làm môi trường cho những ý tưởng về hóa học của mình được rèn rũa. Hâm mộ các anh chị cùng trường toả sáng với những thành tích học tập, cậu bé Anh cũng ao ước một ngày nào đó, cái tên Lê Đức Anh cũng được mọi người biết tới. Cậu mạnh dạn thi và đỗ cao vào Năng khiếu Trần Phú.
“Lần đầu tiên trong đời thấy phở Việt Nam ngon thế”
Ẩm thực bên Anh là một trở ngại lớn không chỉ với Đức Anh mà với hầu hết các bạn trong đội tuyển. Cậu không thể ăn được bất cứ thứ gì được dùng để tiếp đãi đội tuyển. Sau khi thi, 4 thành viên trong đội tuyển đã đến đại sứ quán Việt Nam tại Anh, sự “nhớ nhung” các món ăn dân tộc trong cậu trỗi dậy, cậu “đánh” liền tù tì 2 bát phở. “Lần đầu tiên trong đời, mình thấy phở Việt Nam ngon đến thế”, Đức Anh bộc bạch.
Đức Anh dành hẳn một tuần trước khi thi để thư giãn và tạo sự thoải mái cho chính mình. Cậu coi đó là khoảng thời gian để sắp xếp lại những kiến thức hóa học cho rành mạch, rõ ràng, cũng là để lấy lại tâm lý cho vững chắc. Thỉnh thoảng lại thấy cậu ngất ngư với những bản nhạc “tủ” mà cậu thích.
Đức Anh không giấu được tâm trạng lo lắng và căng thẳng trước và sau khi thi. “Đó là hai cung bậc khác nhau của sự lo lắng”, Đức Anh tếu.
Sự lo lắng của cậu trước khi thi là vì biết học sinh Việt Nam rất yếu về thực hành và quả thật có những thiết bị thí nghiệm ở nước bạn mà mới nhìn qua không thể biết nó là cái gì. Còn sau khi thi, cậu lo lắng vì không biết mình có làm đủ tốt để duy trì được thành tích của học sinh Hải Phòng nói riêng và học sinh Việt Nam nói chung hay không. “Nhưng dù sao vẫn cảm thấy hài lòng với kết quả cho sự nỗ lực hết mình. 70/100 điểm cũng không phải là một kết quả tồi”, cậu nói.
Lê Đức Anh (ngoài cùng, trái) luôn tự hào về cái tên của mình
Lãnh đạo lớp hài hước, dễ gần
Ít ai nghĩ rằng một Đức Anh hơi mập và có vẻ cẩn trọng kia đã có thâm niên làm lãnh đạo nhiều năm liền. Cậu sếp có tài lãnh đạo cho rằng, mình có thể làm cả một tập thể lớp cười nắc nẻ với khiếu hài hước và “chọc ngoáy”, cũng có khả năng gây dựng sự đoàn kết và hòa đồng nơi các bạn.
Nhìn nhận về thế hệ mình, Đức Anh khẳng định: “Thế hệ nào cũng vậy, không riêng gì 9x, ở đâu và trong thời đại nào cũng vẫn có người thế này, người thế kia. Dù có nhiều người rất tuyệt vời đang cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất cho xã hội, nhưng cũng không ít người dường như đang mất lòng tin vào cuộc sống và trở nên buông thả”.
Đức Anh nói thêm: “Xã hội dù còn nhiều mặt trái nhưng sẽ tốt đẹp hơn nhờ có thêm người tốt, con người dù có thể còn khuyết điểm nhưng sẽ trở nên tốt hơn nếu làm thêm việc tốt”. Dù cơ hội sẽ qua nhưng may mắn khác lại đến, việc cần làm là nên nỗ lực với bản thân và học cách hy vọng”.
9X đầu đời này có vẻ khá già dặn khi nhận xét và động viên thế hệ mình như vậy. Nhưng khi tiếp xúc với cậu, bạn bè thường khen Đức Anh biết quan tâm và chia sẻ với người khác.
Mơ ước sang Mỹ du học vì nghĩ nó có nền công nghệ hóa học phát triển nhưng lại muốn mang những kiến thức học được về xây dựng đất nước, đó là dự định và cũng là kế hoạch tương lai của Đức Anh.
Lê Đức Anh (SN 09/08/1991) lớp 12 chuyên Hóa, trường PTNK Trần Phú, Hải Phòng.
– 12 năm liền học sinh giỏi.
– Lớp 8: Giải 3 Hóa quận Kiến An, Hải Phòng.
– Lớp 9: Giải nhất quận và giải 3 Hóa thành phố Hải Phòng.
-Lớp 11: Giải 3 thành phố Hải Phòng, giải 3 Quốc gia môn hóa.
-Lớp 12: Giải nhì thành phố Hải Phòng, giải nhì Quốc gia và HCB Hóa quốc tế 2009.
|
Nguyễn Thị Đóa (Dan tri)
Bình luận (0)