Trắng non, ngon mắt, khi chế biến cũng ngon miệng, nhưng nấm tán trắng lại là nguyên nhân gây ngộ độc nặng, tử vong với nhiều trường hợp.
Nấm tán trắng gây độc có hình dáng bên ngoài rất ngon mắt. ẢNH TƯ LIỆU CỦA CỤC AN TOÀN THỰC PHẨM
Chỉ cần ăn một cây nấm cũng có thể bị tử vong
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân là ông Sùng Diêu H. (52 tuổi, ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, Hà Giang). Ông H., là người duy nhất trong gia đình thoát khỏi tử thần cho đến thời điểm này, trong khi 3 thành viên khác là vợ, con trai và con dâu đã tử vong do độc chất từ nấm mấy ngày trước, sau khi ăn món nấm do ông H., hái về nấu.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, công tác tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay một trong những loại nấm độc gây nguy cơ tử vong cao là nấm tán trắng, thường mọc hoang tại các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Cạn, Phú Thọ, Cao Bằng…
Nấm độc tán trắng khi nhỏ rất dễ nhầm với nấm ăn được. Ảnh tư liệu của TT Chống độc
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã từng có 7 trong tổng số 14 nạn nhân bị ngộ độc nấm độc tán trắng tử vong. Nấm độc tán trắng (tên khoa học là Amanita verna) là loại nấm mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng.
Độc tố chính có trong nấm tán trắng là các amanitin (amatoxin) có độc tính cao, chỉ cần ăn một cây nấm cũng có thể bị tử vong. Độc tính tự nhiên amanitin có trong nấm tán trắng không mất khi đun sôi hoặc sấy khô. Độc tố này khi vào cơ thể tác dụng lên tế bào gan, gây tổn thương, hoại tử gan; chất này cũng thải từ sữa ở phụ nữ cho con bú nên có thể gây ngộ độc cho trẻ còn bú sữa.
Bác sĩ Dũng cho hay, nấm tán trắng thường gây ngộ độc muộn (từ 6 – 24 giờ, trung bình khoảng từ 10 – 12 giờ sau ăn) với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy nhiều. Vì gây ngộ độc muộn nên khi người bị nhiễm độc có biểu hiện thấy rõ thì độc chất đã vào sâu trong đường tiêu hóa, ngấm vào gan, khiến bệnh nhân suy gan, suy thận (vàng da, tiểu nhiều, tiểu ít, hôn mê) và tử vong.
"Theo các bệnh nhân kể lại, nấm này khi chế biến không có mùi vị lạ, dễ ăn, thậm chí thơm ngon, nên người ăn không hề nghi ngờ nấm độc", bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Nhận diện nấm độc
Nấm tán trắng có mũ nấm trắng, bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành, mũ nấm phẳng với đường kính khoảng từ 5 – 10 cm. Khi già, mép mũ nấm có thể cụp xuống.
Hình dáng phân biệt: cuống nấm màu trắng có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ và chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm mềm, màu trắng, mùi thơm dịu.
Các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn nấm mọc hoang dại
Do bề ngoài nấm tán trắng mập, trắng nên người dân dễ nhầm lẫn với các loại nấm ăn được. Thực tế, để phân biệt nấm độc tán trắng với các loại nấm trắng ăn được không đơn giản, ngay cả với các nhân viên y tế, cũng như người giàu kinh nghiệm.
Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không hái nấm mọc hoang dại để ăn.
L.Châu/TNO
Bình luận (0)