Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chăn nuôi bò sữa: Cuộc đua tăng lượng, nâng chất

Tạp Chí Giáo Dục

Liên tục trong thời gian gần đây, hàng loạt công ty đầu tư vốn nhập những đàn bò với số lượng rất lớn nhằm chủ động nguồn sữa phục vụ sản xuất, chế biến. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh sản lượng sữa trong nước mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu tiêu dùng.
Trang trại bò sữa khổng lồ
Ông Trần Bảo Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH (TH Milk) cho biết, ngày 27-2-2010, công ty đã nhập đợt đầu tiên 1.600 con bò sữa thuần chủng HF (Holstein Friesian) từ New Zealand, qua cảng Cửa Lò (Nghệ An) cho dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp.
Để đảm bảo đúng tiến độ, ngày 18-4, công ty tiếp tục nhập đợt 2 với tổng số 1.490 con. Mới đây nhất, trong tháng 6, TH Milk đã nhập đợt 3 với 1.600 con. Với 3 lần nhập khẩu, TH Milk đã nâng tổng đàn bò sữa lên 4.600 con (tổng đàn bò sữa cả nước hiện có 115.000 con), trở thành trang trại bò sữa lớn nhất Việt Nam.
Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2010, công ty sẽ nhập thêm hơn 4.000 con HF nữa từ New Zealand để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2012 sẽ có 12 trang trại, với quy mô 2.400 con/trại đi vào hoạt động. Để thực hiện được chiến lược này, công ty cho biết đã ký hợp đồng trọn gói trong 2 năm với đối tác New Zealand để cung cấp con giống nhằm tạo ra đàn bò có chất lượng tốt, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia đến từ Israel nhằm kiểm soát thức ăn, sức khỏe đàn bò.
Không kém cạnh, mới đây ngày 9-6, Vinamilk đã nhập khẩu qua đường hàng không thêm 350 con bò sữa cao sản từ Australia về trang trại tại Nghệ An, nâng tổng đàn ở đây lên hơn 1.200 con.
Cùng với TH Milk và Vinamilk, bằng nhiều hình thức, các DN sản xuất và chế biến sữa trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài như Công ty Sữa quốc tế – IDP Hà Nội, Công ty Sữa Tương lai Tuyên Quang, Công ty CP Sữa Lâm Đồng… đã và đang triển khai nhiều chương trình phát triển vùng nguyên liệu và mở rộng cơ sở chế biến sữa, góp phần đưa ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Nhu cầu về sữa tươi sản xuất trong nước tăng cao trở thành cơ hội tốt để phát triển nhanh hơn đàn bò sữa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội.
TPHCM có nhiều giống bò sữa cho năng suất cao. (Ảnh chụp tại Xí nghiệp bò sữa Delta). Ảnh: Đức Trí
Vào cuộc cạnh tranh
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tổng sản lượng sữa tươi trong nước hàng năm tăng nhanh từ 18.900 tấn năm 1999 lên 278.000 tấn năm 2009, đạt mức 30%/năm. Bình quân sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước trên đầu người hiện nay đạt 3,2kg, chiếm khoảng 20% tổng lượng sữa tiêu dùng hàng năm.
Trong 10 năm gần đây, mức tiêu dùng sữa và các sản phẩm sữa của người Việt Nam tăng nhanh chóng do thu nhập và đời sống ngày càng được nâng cao. Nếu mức tiêu dùng sữa bình quân đầu người năm 2000 là 8kg sữa nước/năm thì năm 2008 là 14,8kg/người (thấp hơn rất nhiều so với mức 35kg/người của khu vực châu Á).
Mặc dù sản lượng tăng nhanh, song lượng sữa tươi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Khi GDP bình quân đầu người Việt Nam tăng trên 1.000 USD/năm, nhu cầu về tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao và sữa ngày càng tăng.
Việc đầu tư hàng triệu USD để nhập khẩu bò sữa, hình thành các trang trại chăn nuôi khổng lồ, cho thấy thị trường sữa nói chung và sữa tươi nói riêng tại Việt Nam đầy tiềm năng. Với cách làm bài bản mang tính chiến lược, trong thời gian không xa, thị trường sữa tươi sẽ thực sự bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các DN để giành thị phần.
Theo ông Trần Bảo Minh, hiện đã có 55% số bò nhập khẩu đợt đầu của TH Milk đã có chửa, khoảng tháng 9-2010 tới sẽ bắt đầu cho sữa. Theo kế hoạch, giai đoạn đầu khi bò cho sữa, TH Milk sẽ dành lượng sữa này để làm từ thiện. Đến cuối tháng 9-2010, công ty sẽ chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm đầu tiên của TH Milk.
Theo tính toán của ông Minh, ban đầu giá sữa của TH Milk có thể chênh lệch đôi chút so với sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thành vào năm 2011, sản lượng sữa TH Milk sẽ bằng 50% tổng lượng sữa cả nước và đạt tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu gấp 3 – 4 lần tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu cả nước vào năm 2015, nhiều người tiêu dùng trong nước sẽ có đủ sữa tươi uống hàng ngày với mức giá thấp nhất. Đây chính là ý nghĩa chiến lược của dự án lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà TH Milk đang nhắm đến.
Tương tự, với Vinamilk, việc đầu tư vào giống bò sữa cao sản nhằm mục đích nâng cao khả năng sản xuất, góp phần cải thiện chất lượng và sản lượng sữa tươi nguyên liệu. Bằng chiến lược đầu tư mang tính chất lâu dài, trong tương lai không xa, Vinamilk sẽ tự túc được khoảng 50% nguyên liệu sữa tươi từ thu mua tại các trang trại của mình, phấn đấu nội địa hóa 50% nguyên liệu sản xuất sữa tại Vinamilk. Khi DN đã chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ góp phần cùng cả nước thực hiện chiến lược bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Về lâu dài, từng bước Vinamilk kéo giảm khoảng cách bất hợp lý về giá sữa tại Việt Nam do các thương hiệu sữa ngoại nhập đang thao túng.
Phát triển bền vững về số lượng và chất lượng đàn bò sữa là một trong những mục tiêu quan trọng trong chỉ đạo thực hiện đối với chiến lược phát triển bò sữa của nước ta giai đoạn 2001 – 2010 và chiến lược chăn nuôi của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. 
THÚY HẢI / SGGP

Bình luận (0)