Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chăn nuôi điêu đứng vì thiếu điện

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ngư dân Thừa Thiên – Huế gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước đá để bảo quản hải sản.
Tình trạng cắt điện nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội do thiếu điện khiến không ít trang trại chăn nuôi khốn đốn.

Vừa bị liên tục cắt điện đột ngột, vừa không đủ mấy chục triệu đồng để mua máy phát điện, lại chịu đợt nắng gắt nhất từ đầu mùa hè đến nay, nhiều hộ chăn nuôi đã tính đến đường… phá sản.
Gia cầm “ngắc ngoải”
Bà con chăn nuôi xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) – nơi tập trung phần lớn trang trại nuôi gà công nghiệp, gà, vịt giống cung cấp cho khu vực nội thành mấy ngày nay điêu đứng vì thiếu điện. Trung bình mỗi tuần điện bị cắt ba lần, có khi cao điểm lên đến bốn lần, lần nào cũng mất điện từ sáng sớm đến đêm.
Sinh hoạt vốn dĩ đã khốn đốn trước cái nóng hầm hập 37 – 38 độ của thời tiết, nay bà con nông dân tại đây lại như ngồi trên đống lửa vì lo cho trại gà, trại vịt của mình. Do tình trạng điện mất liên tục, kéo dài, mấy chục con gà công nghiệp tại trại gà anh Nguyễn Văn Quân (thôn Diền) trong tổng số hơn 200 con gà công nghiệp mới đây vừa lăn đùng ra chết do hệ thống quạt mát, quạt thông gió của chuồng hoàn toàn tê liệt.
Mất điện kèm nắng nóng, nhiều bà con cứu vãn tình thế bằng cách tưới nước mát để… tắm cho gà song vẫn không ăn thua. Không riêng gì trại gà của anh Quân, hầu hết các hộ chăn nuôi gà nhỏ lẻ trong thôn đều chịu thiệt hại do thiếu điện. “Mua máy phát điện phải trên 20 triệu đồng/chiếc, làm sao đủ tiền đầu tư?” – anh Quân thở dài. Trong khi đó tại thôn Nam Quất (xã Nam Triều),  điện mất liên tục khiến nhiều hộ ấp nở vịt giống, ngan giống vào lúc giá thức ăn chăn nuôi tăng cũng đang đứng trước tình thế phá sản.
Đối với những trang trại ấp nở vịt giống, ngan giống hoặc trứng vịt lộn quy mô lớn, việc sắm máy phát điện là không thể không làm. Mấy chục triệu đồng bỏ ra mua máy phát, chưa kể việc “ngốn” dầu nên chi phí càng trở nên tốn kém.
Ông Lâm Văn Phu – chủ trang trại vịt thôn Nam Quất (xã Nam Triều) tính toán, vào những ngày mất điện, trung bình mỗi ngày tốn 600.000 – 700.000 đồng tiền dầu thay vì chỉ mất khoảng 100.000 đồng tiền điện. Trang trại lớn hơn 2ha gia đình anh ngoài chi phí tiền dầu mỗi ngày phải gánh thêm gần 3 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi cho đàn vịt. Gánh nặng chi phí đầu vào càng cao khiến gia đình anh phải tính đến việc thu hẹp quy mô sản xuất, tạm thời chịu lỗ trong vòng mấy tháng cao điểm, ngừng nhập vịt giống để giảm áp lực đầu vào.
Tại xã Cao Viên (huyện Thanh Oai), cũng là nơi tập trung lượng lớn nông hộ nuôi chim cút thịt và ấp nở trứng cút lộn. Với lượng lớn hàng nghìn con chim cút/hộ, việc sử dụng điện để chạy hệ thống quạt làm mát chuồng phải liên tục 24/24h mới đảm bảo sức khỏe đàn chim cút. Theo nhiều bà con, trong điều kiện nắng nóng liên tục với nhiệt độ cao như những ngày vừa qua, chỉ cần 4 – 5 tiếng thiếu điện chạy quạt, đàn chim cút khó lòng sống sót.
Ngư dân ở Thừa Thiên – Huế cũng “méo mặt”
Tại Thừa Thiên-Huế, gần một tháng nay, hàng trăm tàu của ngư dân các xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang rơi vào cảnh lao đao vì cúp điện, dẫn đến không có đá để bảo quản hải sản.
Ở thị trấn Thuận An, của huyện Phú Vang có 13 cơ sở sản xuất nước đá, với khoảng 13 tấn nước đá thành phẩm ngày đêm để đáp ứng cho nhu cầu ướp hải sản đánh bắt trên biển của ngư dân địa phương, nhưng do việc cúp điện luân phiên và triền miên dẫn đến việc sản xuất đá ở đây thiếu hụt nghiêm trọng.
Ông Trương Vĩnh Thành, một chủ cơ sở sản xuất nước đá ở thị trấn Thuận An kêu khổ: Từ khi chi nhánh điện Tân Mỹ – Điện lực Thừa Thiên – Huế áp dụng lịch cúp điện luân phiên đối với cảng cá Thuận An, cơ sở sản xuất nước đá của ông mỗi ngày chỉ hoạt động được 1/3 công suất. Nhưng nước đá làm ra rỗng ruột, kém chất lượng. “Mỗi mẻ đá phải chạy liên tục 16 tiếng, nhưng hiện tại mỗi ngày chỉ có điện 11 tiếng. Có khi đang chạy giữa chừng cúp điện phải chờ cho có điện lại mới tiếp tục được dẫn đến chi phí tăng cao.
Ông Hà Văn Trai ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang than thở: “Tàu cá của tui mỗi chuyến đánh bắt phải mua hơn 100 cây nước đá để bảo quản hải sản. Thế nhưng gần cả tháng nay, trung bình mỗi ngày chỉ lùng mua được 4 – 5 chục cây đá non do cúp điện liên miên.
Thiếu đá để ướp nên phần lớn lượng hải sản đánh bắt được khi vào tới bờ đã bị ươn, bốc mùi, giá bán chỉ bằng một nửa so với bình thường nhưng vẫn bị chê lên chê xuống”. Theo ngư dân, việc thiếu đá dẫn đến việc sản phẩm của họ bị ôi, đã gây thất thoát khoảng 30 – 50% thu nhập so với bình thường.
Để khắc phục, ông Trai cùng nhiều ngư dân khác đành phải quanh quẩn đánh bắt gần bờ, lúc nào cá bắt vừa đủ lượng nước đá bảo quản có trên tàu phải tức tốc trở vào. Những chuyến đánh bắt gần bờ cũng phải rút ngắn ngày lại, tăng chuyến khiến chi phí dầu mỡ “ngốn” gần hết số tiền bán cá.
Theo ông Cao Quốc Cường, Phó Giám đốc cảng cá Thuận An thì cảng đã lường trước được tình hình này, nên trước đó Ban giám đốc của Cty đã  làm việc với chi nhánh điện Tân Mỹ. Đơn vị này đã hứa sẽ ưu tiên điện cho cảng cá Thuận An, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà gần một tháng trở lại đây, việc cúp điện luân phiên vẫn được chi nhánh điện áp dụng đối với cảng cá.

Dương Hà – Đăng Khoa / Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)