Bên lề hội thảo Thực trạng và giải pháp phát huy giá trị nghề sản xuất đồ chơi truyền thống của Hà Nội hướng tới 1.000 năm Thăng Long, làng Xuân La vui như mở hội. Ngày mùa được gác lại, các nghệ nhân thi nhau trình diễn nghệ thuật nặn tò he để giới thiệu với du khách, thêm một lần khẳng định với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý hương vị quê nhà.
Ông Nguyễn Vi Khải – phó chủ tịch CLB Nghiên cứu phát triển, nguyên viện trưởng Viện CNXH khoa học – rất tâm đắc với tò he và gọi đây là một đặc phẩm có giá trị nhân văn được nhấn mạnh cao hơn rất nhiều so với giá trị kinh tế.
So với các làng nghề khác, số làng nghề tò he chỉ đếm trên đầu ngón tay với số lượng không quá hai con số. Trên mạng Internet có 268.000 thông tin liên quan tới cụm từ làng nghề tò he nhưng hầu hết chỉ nói đến làng nghề tò he Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên.
Tên tò he hiện giờ vẫn chưa xác định rõ ràng xuất xứ cũng như tên gọi, tuy nhiên trước đây người ta thường gọi Xuân La là “làng chim cò” – những sản phẩm sáng tạo chủ yếu thời điểm đó. Lịch sử làng nghề khoảng 300 năm tuổi. Nhiều tài liệu khẳng định tính văn hóa dân gian, bản sắc dân tộc, nghệ thuật độc đáo của làng nghề tò he: “ngôn ngữ khối trong tò he giàu tính biểu cảm. Tính nhịp điệu mang nét gợi nhớ, nó giản dị như ca dao, là tích tụ của nhân dân qua nhiều đời”.
Trẻ con rất thích thú với tò he |
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đã có lúc tưởng chừng làng nghề đứng trước nguy cơ biến mất như những năm 1980. Thời hoàng kim, nặn tò he là nghề mang lại thu nhập chính cho cả làng. Tuy nhiên, tới nay nghề này chỉ còn được coi là nghề tay trái vào những lúc nông nhàn tháng ba ngày tám. Số lượng nghệ nhân giảm còn 1/4. Để giữ nghề, các nghệ nhân hiện thời đã có nhiều cải biên về mẫu mã nhưng những mẫu mã truyền thống vẫn được giữ nguyên.
GS – TS Tô Ngọc Thanh, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nhấn mạnh tại hội thảo Thực trạng và giải pháp phát huy giá trị nghề sản xuất đồ chơi truyền thống của Hà Nội hướng tới 1.000 năm Thăng Long vừa được tổ chức tại Xuân La ngày 27-5: “Chúng ta đi vào cuộc sống hiện đại, cần thiết và rất nên tôn trọng những ý tưởng sáng tạo, cách tân của nghệ nhân. Nhưng điều cần thiết hơn là phải giữ được cái gốc. Không còn những cái gốc, như không còn thấy Quan Công, Lưu Bị, ông tướng, con rồng, con gà trống… thì đâu còn là tò he nữa”.
Nhiều nghệ nhân già đã xa nghề hàng chục năm nay vì lý do kinh tế cũng ra ngồi với bà con làm lại nghề, bàn tay vẫn còn rất khéo léo. Thôn xóm sống dậy một thời trong ký ức.
Cụ Nguyễn Thị Hốt, 85 tuổi, cười móm mém nói: “Lâu lắm rồi làng nghề mới được đông vui như thế. Nghĩ lại mới thấy phải bỏ nghệ tổ, thật là xót xa”. Còn với bà Đặng Thị Với, 63 tuổi, niềm tự hào về một đặc phẩm độc nhất vô nhị của làng quê mình cứ tự nhiên bộc phát theo từng vần thơ do bà tự làm:
“Ai qua Phượng Vũ
Về tới Xuân La
Đồng Quan cùng xã
Văn hóa đổi thay
Chim cò đã có bao đời
Làm cho già trẻ mọi người thú vui…
Tò he là nghề du chơi
Ngày xuân lễ hội cho đời mãi xuân…”.
Những đặc phẩm truyền thống dung dị mà đậm đà bản sắc văn hóa Việt |
Phối cảnh được sáng tạo từ nhiều sản phẩm đồ chơi truyền thống, trong đó có sự góp mặt nhiều của tò he, được trưng bày tại hội thảo |
Cả làng thi tài |
Anh Nguyễn Văn Hiệp, một người con của làng, nói: “Cả hai vợ chồng tôi vào Sài Gòn chỉ mưu sinh bằng nghề nặn tò he. Khách sạn New World thuê làm bán cho khách quốc tế, mỗi tháng thu nhập của 2 vợ chồng có thể lên tới 5, 6 triệu đồng”. |
Hai bà Nguyễn Thị Đón (85 tuổi) và Nguyễn Thị Mỹ (66 tuổi) đều đã xa nghề từ cách đây chục năm, giờ làm lại vẫn còn rất khéo léo |
Trẻ con làng nghề rất thích thú với đặc phẩm quê hương. Tuy nhiên, đâu là thế hệ được truyền nghề để giữ gìn và phát triển nghề cha ông? Câu hỏi không dễ tìm lời giải |
GIANG HẢI (TTO)
Bình luận (0)