Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chặn sốt xuất huyết vào mùa mưa

Tạp Chí Giáo Dục

Sốt xuất huyết dễ gây tử vong vì chưa có thuốc đặc trị và vaccine ngừa nên người dân cần có ý thức phòng chống, nhất là thời điểm mùa mưa hiện nay.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có hơn 4.600 ca sốt xuất huyết, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng tuần, có gần cả trăm ca nhập viện vì sốt xuất huyết, trong đó có những ca nặng dẫn đến tử vong.

Sốt xuất huyết mà không biết

Khi đánh giá nguyên nhân dẫn đến tử vong của các bệnh nhân sốt xuất huyết, BS Nguyễn Minh Tiến – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) khẳng định thường do bệnh nhi nhập viện trễ, người nhà chủ quan đồng thời có cả yếu tố các BS tuyến trước nhận định và can thiệp chưa thích hợp. Vì thế, khi thấy người nhà, nhất là trẻ em bị sốt đa số phụ huynh thường cho đây là chuyện bình thường nên chưa vội vào bệnh viện. Thế nhưng, điều nguy hiểm là khi sốt kéo dài thì xảy ra hiện tượng xuất huyết rất khó chữa trị, nguy hiểm đến tính mạng. Mặc dù sốt cao từ 39 đến 41 độ nhưng nhiều người cho đó là cảm sốt bình thường, ngay cả đến khi sốt kéo dài từ 2 đến 7 ngày nhiều người cũng nghĩ rằng do thuốc giảm sốt chưa ngấm. Theo kinh nghiệm, những trường hợp nóng sốt kéo dài như vậy có kèm theo nhức đầu và xuất hiện chấm đỏ trên da là nên khẳng định sốt xuất huyết cần đưa đến BS gấp. Có những trường hợp để cho bệnh nhân chảu máu chân răng, chảy máu cam hay nôn ói ra máu là bệnh đã trở nặng rất nguy kịch. BS Bùi Thanh Thảo – Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh khuyên, khi chăm sóc ở nhà thì nên cho bệnh nhân nghỉ ngơi nơi thoáng mát, cho uống nhiều nước, nhất là sinh tố trái cây, có cả dung dịch oresol để bù mất nước. Nếu sốt cao thì lau mát và uống thuốc hạ sốt Paracetamol.

Trẻ đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BÍCH VÂN

Sốt xuất huyết do một loại muỗi vằn truyền bệnh từ người này sang người khác. Đây là loại muỗi hầu như có mặt khắp nơi trong đời sống con người. Muỗi vằn có đặc điểm đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước như lu, khạp, thau, chậu, ao hồ nước đọng. Theo thói quen của người dân, nhiều nơi trữ nước trong bể, hồ lâu ngày không vệ sinh là môi trường sinh đẻ bọ gậy lý tưởng cho các loại muỗi. Tại TP.HCM có nhiều dòng kênh, dòng sông bị ô nhiễm nặng do ý thức con người như sông Sài Gòn, sông Vàm Thuật, rạch Lăng, rạch Thủ Tắc… đã trở thành nơi bùng phát “giặc” muỗi.

Chống muỗi bằng cửa lưới

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo cần loại bỏ các nơi sinh sản của muỗi bằng cách dùng nắp đậy các vật dụng chứa nước để không cho muỗi vào đẻ trứng, đồng thời khuyến khích nuôi cá bảy màu trong các bình chứa nước để diệt lăng quăng. Các hộ gia đình thường xuyên dọn vệ sinh sạch sẽ, phát quang bụi rậm, lấp ao hồ ô nhiễm.

Trong Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2015 diễn ra mới đây, Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế cảnh báo, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp do nhịp sống đô thị hóa tăng nhanh, khí hậu nhiệt đới tạo điều kiện cho muỗi miễn dịch với các loại thuốc kháng. Vì thế, cần phải dùng các loại bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem chống muỗi. Nếu trước đây người dân thường mắc mùng đi ngủ bằng các loại màn tẩm hóa chất diệt muỗi thì hiện nay nhiều gia đình đã sử dụng màn che bằng nhựa hoặc inox tại phòng ngủ, phòng khách để chống muỗi. Do ở gần khu ô nhiễm nên toàn bộ phòng ngủ của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng – ngụ ở đường Bông Sao, Q.8, TP.HCM  gần đây đều đã được gắn thêm màn che cửa sổ chống muỗi và côn trùng. Anh Thắng cho biết: “Hiện nay, có rất nhiều loại màn cửa chống muỗi nhưng phổ biến nhất là loại cửa cuốn và cửa kéo. Tùy theo chất liệu nhựa hay inox mà giá thành từ 700.000 đến 1 triệu đồng”. Theo anh Thắng, trước đây người dân ở Cần Giờ, Nhà Bè dùng nhiều cửa lưới chống muỗi nhưng gần đây nhiều gia đình ở nội thành bắt đầu quen sử dụng hơn. Chị Hoa – vợ anh Thắng cho biết, khi gắn cửa lưới thì ngủ không cần phải mắc màn mà vẫn thoáng đãng và mát mẻ vì lúc nào cũng có gió và quan trọng nhất là không sợ dịch sốt xuất huyết do muỗi gây ra.

Quang Phan

Bình luận (0)