Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chấn thương mắt vì dây ràng thun

Tạp Chí Giáo Dục

BS đang khám cho bệnh nhân bị chấn thương mắt (ảnh chụp tại Bệnh viện Mắt TP.HCM ngày 12-12)
BS.CK2 Nguyễn Văn Thịnh (Trưởng khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt TP.HCM) cho biết: “Trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 10 ca bị chấn thương mắt vì dây ràng thun. Trong đó nhẹ cũng bị giảm thị lực, một số trường hợp thì bảo tồn được con mắt nhưng không nhìn được nữa, một số khác thì phải múc bỏ mắt”.
Từ các chấn thương…
Được trực tiếp ngồi xem BS khám cho các bệnh nhân bị chấn thương mắt mới thấy rằng, chúng ta khó có thể kiểm soát được nhiều thứ xảy ra xung quanh. Nguyên nhân chấn thương mắt có thể xuất phát từ việc chơi cầu lông nhưng vô ý bị trái cầu đập trúng mắt, trẻ em có thể bị chấn thương khi mảnh giấy hay ngòi bút không may găm vào mắt gây rách giác mạc, công nhân trong khi đang hăng say lao động thì bất ngờ sợi dây kẽm bật vào mắt gây chấn thương nặng… Đó chỉ là số ít các tai nạn mà trong thời gian vừa qua Khoa Chấn thương Bệnh viện Mắt đã tiếp nhận.
Theo BS. Thịnh thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chấn thương mắt, trong đó chấn thương vì dây ràng thun là một trong những chấn thương dễ xảy ra và khó kiểm soát. Hậu quả của nó vô cùng nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời thì có thể phải múc bỏ mắt.
Anh Trương Văn Việt (32 tuổi, Việt kiều Lào) bị chấn thương mắt trái đang điều trị tại bệnh viện cho biết: “Trong khi tôi đang cột dây ràng thun chặt lại để mang hàng ra chợ bán thì bất ngờ chiếc dây bật vào mắt gây chấn thương. Sau đó tôi được đưa đến Bệnh viện Mắt TP.HCM, tại đây các BS đã tiến hành làm phẫu thuật, bây giờ mắt trái chỉ nhìn thấy mờ mờ với vật ở gần”. Ngồi kế bên là bệnh nhân Danh Thị Phiên (SN 1990, quê Sóc Trăng) đang trong tình trạng phải điều trị tích cực do chấn thương mắt quá nặng. Chị Phiên kể: “Tôi là công nhân làm nấm rơm, khi xếp nấm lên kệ theo tầng và có luồn một sợi dây kẽm nhỏ qua các tầng nấm thì chiếc dây kẽm quật trúng mắt”. BS. Thịnh cho biết: “Trường hợp dây kẽm quật trúng mắt rất nguy hiểm, làm rách giác mạc, khi dây kẽm đâm vào mắt kéo theo vi trùng gây mủ trong mắt, tổn thương tinh thể. Bệnh nhân chuyển đến viện trong tình trạng bên trong mắt đã có mủ rất nguy hiểm, trước tiên chỉ có thể điều trị để bảo tồn con mắt còn thị lực của bệnh nhân bị ảnh hưởng trầm trọng. Bình thường không phân biệt được sáng tối, chỉ khi soi đèn vào mắt thì mới nhìn thấy mờ mờ”. Trường hợp của bệnh nhân Phạm Thị Mai Lân (SN 1963, ngụ TP.HCM) là chấn thương hy hữu nhưng thỉnh thoảng bệnh viện vẫn tiếp nhận. Bệnh nhân kể lại tai nạn trong sự lo lắng: “Trong khi chơi cầu lông thì bị người đối phương đập trái cầu trúng mắt. Lúc đó tôi sợ đui nên phải nhờ người đưa ngay đến bệnh viện chuyên về mắt. Khi các BS khám thì điện áp tăng cao, có máu tụ trong mắt và phải theo dõi vài ngày nếu máu không tan cần tiến hành phẫu thuật để bảo tồn mắt và duy trì thị lực”. BS. Thịnh chia sẻ: “Các chấn thương về mắt rất đa dạng có khi chỉ là sự sơ suất không đề phòng của người bệnh. Nhưng hậu quả mà chấn thương gây ra thì không ai có thể lường trước được”.
Đến biện pháp phòng ngừa
Các chấn thương về mắt chúng ta hoàn toàn có khả năng tự phòng ngừa nhưng do sự chủ quan, bất cẩn mà nhiều người vẫn gặp phải những chấn thương đáng tiếc xảy ra, gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo BS. Thịnh để phòng ngừa các chấn thương về mắt, đặc biệt với trường hợp dây ràng thun thì người dân không nên sử dụng dây này để cột đồ mà nên thay bằng một số loại dây khác. Vì dây ràng thun thường có móc sắt nếu không cẩn thận móc sắt bật ra sẽ gây nên chấn thương nặng cho mắt. Bên cạnh đó trong khi lao động nên tuân thủ các quy định về an toàn lao động. Chẳng hạn đeo kính bảo hộ có thể tránh khỏi tổn thương nặng về mắt. Đối với các chấn thương gặp phải từ tập luyện thể thao thì nên có kỹ năng chơi và biện pháp xử lí linh hoạt để phòng tránh chấn thương cho bản thân và người đối phương… Đây chỉ là những lời khuyên mang tính định hướng, chung với tất cả mọi người. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho bản thân chúng ta cần biết chủ động tự trang bị những kiến thức cần thiết để chủ động phòng ngừa”. BS. Thịnh cũng nhấn mạnh rằng: “Khi đã bị chấn thương ở mắt thì nên đến bệnh viện chuyên khoa để được các BS có chuyên môn thăm khám và xử lí kịp thời. Bởi đã có nhiều bệnh nhân được đưa đến bệnh viện muộn nên các chấn thương đã đến mức vô cùng nguy hiểm thì biện pháp cuối cùng có thể can thiệp là phải múc bỏ mắt”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Trong mọi trường hợp, không nên chủ quan trước những chấn thương về mắt. Bởi các chấn thương đó nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của chúng ta.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)