Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chấn thương trong tập luyện

Tạp Chí Giáo Dục

Vận động thể dục thể thao luôn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, vì bất cẩn hay vận động quá sức, đối với nhiều người, lợi ích đó lại phải trả giá đắt do bị những chấn thương nặng rất khó phục hồi.

Điều trị chấn thương chân tại BV Q.Gò Vấp 

TS.BS Nguyễn Đình Phú – Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 cho biết, chấn thương thể thao có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là bong gân, trật khớp, đau căng cơ, đứt dây chằng, đứt gân và cả gãy xương.

Đủ kiểu chấn thương

Chấn thương thể thao thường gặp ở vận động viên các bộ môn như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, nhảy cao, nhảy xa và cả người đi bộ, chạy bộ. Vì quyết tâm giành bóng từ đội bạn mà anh Nguyễn Quang Minh 28 tuổi – GV Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM đã phải nhập viện. Tại BV Nhân dân 115, anh Minh được các BS chẩn đoán đứt dây chằng cần phải điều trị kịp thời.

Đó cũng là câu chuyện của ông Lê Hòa – cán bộ nghỉ hưu tại P.21, Q.Bình Thạnh bị bong gân do chơi thể thao môn cầu lông. Theo lời kể của người đàn ông 62 tuổi, chỉ vì ráng cứu lấy trái cầu không rơi xuống đất mà chân phải của ông bị bong gân nặng. Tại BV các BS kết luận tôi bị bong gân đầu gối cấp độ 2 do dây chằng bị rách một phần cần phải điều trị dài ngày”.

TS.BS Tăng Hà Nam Anh – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình (BV Nguyễn Tri Phương) cho biết, bong gân là sự tổn thương của bao khớp phổ biến là các dây chằng thường xảy ra sau một chuyển động đột ngột khiến dây chằng kéo căng quá mức. Bong gân thường xảy ra sau một cú trượt chân hoặc té ngã khi chơi thể thao như trường hợp của ông Lê Hòa. Những khớp xương bị chấn thương là cổ chân, cổ tay, đầu gối, cùi chỏ. Tuy không gây trật khớp hoặc gãy xương nhưng bong gân có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không biết xử lý đúng cách.

Coi chừng “già néo đứt dây”

Theo BS Nam Anh, dây chằng có thể tổn thương ở nhiều mức độ như dây chằng bị giãn dài một ít, dây chằng bị rách một đoạn dài, dây chằng bị đứt hoàn toàn. Dù ở mức độ nặng hay nhẹ khi bị bong gân, bệnh nhân đi lại khó khăn do bị đau nhất là khi di chuyển. Nhìn bên ngoài không thấy nhưng bên trong đã bị chảy máu và biến loạn vận mạch. Đây là nguyên do làm  bệnh nhân đi lại không được. Muốn biết mức độ chính xác bong gân hay gãy xương thì chỉ có chụp X quang mới cho BS câu trả lời cuối cùng.

Bong gân là tổn thương hay gặp nhưng lại ít được quan tâm vì hậu quả ban đầu chưa rõ rệt. Chính vì điều trị và xử trí không kịp thời nên về sau thường có những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Một số người tự điều trị như dùng dầu nóng rượu xoa bóp là một thói quen không tốt vì kích thích chảy máu nhiều hơn nên phản khoa học. Nếu lạm dụng dầu nóng có thể gây teo cơ, cứng khớp về sau.

Để hạn chế các chấn thương có thể xảy ra trong khi tập luyện hay thi đấu, chúng ta phải tuân thủ các yêu cầu về tập luyện của huấn luyện viên hoặc lời khuyên từ giới chuyên môn và những người có kinh nghiệm. Khi tập luyện cần kiểm tra các dụng cụ và thiết bị thể thao có đảm bảo kỹ thuật và yêu cầu hay không nhất là các môn xà đơn, xà kép, bóng rổ, cầu thăng bằng. Sân bãi tập hay đường đi bộ, chạy bộ  phải bằng phẳng không trơn trượt dễ gây nguy hiểm. Một nguyên tắc bất di bất dịch nhưng nhiều người lại quên là phải khởi động trước khi tập. Khởi động giúp làm nóng và kéo căng cơ thể trước giờ tập tránh bị trắc gân, trật khớp hay bị chuột rút. Khởi động không đúng kỹ thuật cũng dễ gây chấn thương ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể.

Theo BS Nam Anh, đối với người già lại càng cẩn thận hơn trong quá trình vận động vì tuổi tác càng  lớn thì nguy cơ bị chấn thương càng cao. Không còn sức bật và độ dẻo dai như thời trai tráng nên người lớn tuổi phải đối mặt nhiều với việc gãy xương, bong gân, trật khớp trong quá trình vận động. Và nếu bị chấn thương trong thể thao thì việc phục hồi cũng chậm hơn so với người trẻ tuổi. Một số người do “đốt cháy giai đoạn” từ lối sống thụ động, ngồi một chỗ sang lối sống tích cực, vận động quá sức cũng dễ gặp BS vì bị chấn thương liên tục. Bất kỳ chơi môn thể thao nào cũng phải điều chỉnh kỹ thuật phù hợp với khả năng chịu đựng của cơ thể tránh “già néo đứt dây”. Chia đều thời gian tập trong tuần không dồn sức quá tải trong những ngày cuối tuần làm cho cơ thể phải đầu hàng với sức ép quá lớn từ sự vận động. Các dụng cụ bảo hộ như giày, mũ thể thao cần được trang bị đầy đủ. Có thể mang bao tay, đeo băng cổ chân, đầu gối để giảm bớt những chấn thương nặng giống như vận động viên chuyên nghiệp. “Khi có chấn thương cần phải điều trị kịp thời, không chủ quan tốt nhất là gặp BS chuyên khoa để tư vấn và chữa trị đúng cách, càng sớm càng tốt vì để lâu sẽ có nhiều biến chứng khó phục hồi. Có như vậy chúng ta mới có sức khỏe tốt và đủ phong độ để quay trở lại gắn bó với môn thể thao yêu thích mà mình đã lựa chọn” – BS Phú dặn dò.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh   

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)