Thời gian qua, bên cạnh hỗ trợ cho người lao động tham gia thị trường trong nước, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động trẻ được xem là giải pháp quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Đổi thay sau xuất khẩu lao động
Sau 3 năm xuất khẩu lao động trở về, đời sống kinh tế của đôi vợ chồng trẻ Lê Thị Hằng và Bùi Ngọc Thiện ở thôn Kế Xuyên 2, xã Bình Trung (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã đổi thay hẳn so với trước. Hai vợ chồng mở một cơ sở kinh doanh mặt hàng điện thoại di động, tranh thủ thời gian vắng khách, Thiện thường mày mò tìm hiểu thêm về nghề điện tử. Thiện kể, hai vợ chồng sinh ra trong gia đình thuần nông, nghèo khó. Sau khi tốt nghiệp, cả hai từng trải qua những ngày tháng loay hoay tìm việc làm, mãi cho đến khi lập gia đình, về chung một nhà thì cả hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định. “Vợ chồng em bảo nhau, muốn phát triển kinh tế thì trước hết cũng phải có vốn. Rồi hai vợ chồng quyết định đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Sau 3 năm thì có được số vốn kha khá, vợ chồng em về quê lập nghiệp. Cũng nhờ thời gian đi làm xa mới có được chút vốn làm nền tảng để kinh doanh, phát triển kinh tế như bây giờ”, Thiện chia sẻ.
Ngược lên huyện miền núi Nam Giang, vài năm trở lại đây, cùng với những nỗ lực trong việc chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm cho bà con các dân tộc trên địa bàn, chính quyền địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Coor Kinh, thôn Công Tơ Rơ, xã La Dêê cho biết: “Chồng tôi đi xuất khẩu lao động ở Lào. Nhờ thu nhập ổn nên đời sống kinh tế đỡ hơn trước, hai vợ chồng còn dựng được mái nhà che nắng, che mưa. Khi chưa có việc làm, đến việc làm sao ngày có đủ hai bữa cơm no bụng đã là một điều rất xa xôi”.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2022-2024, tỉnh Quảng Nam có 4.266 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 1.848 lao động nữ; đạt 85,32% kế hoạch giai đoạn 2022-2025. Các thị trường người lao động đến làm việc đều đáp ứng được các tiêu chí thu nhập ổn định, điều kiện làm việc được đảm bảo. Đa số lao động có tích lũy vốn sau khi trở về nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Nỗ lực làm cầu nối cho người lao động có việc làm
Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 12-12-2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình số 30-CTr/TU ngày 21-4-2023 triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu phấn đấu đưa 5.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều cơ chế, chính sách mới đã được ban hành.
Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thẩm định, lựa chọn các đơn vị có uy tín trong việc tư vấn, đào tạo các ngành, nghề phù hợp với nhu cầu lao động của thị trường các nước bạn. Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tuyển dụng, các trường nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, tư vấn việc làm theo huyện, xã…
Thời gian qua, chương trình thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước được UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả bước đầu. Đơn cử như huyện Nam Trà My có 59 lao động sang làm việc thời vụ tại quận Hamyang.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai nhiều hoạt động liên kết với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2022, Trường Cao đẳng Công nghệ – Kinh tế và Thủy lợi miền Trung đã ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Takara Nhật Bản. Sự hợp tác này đã mở ra hướng đi mới cho sinh viên khi đăng ký theo học chương trình thực tập sinh đi Nhật Bản. Trên tinh thần “tuyển sinh là tuyển dụng”, những sinh viên tham gia chương trình có cơ hội trở thành nhân viên của tập đoàn, được hỗ trợ các chi phí như đào tạo ngoại ngữ, đi lại, làm thủ tục visa… Đây là xu thế mới của hợp tác đào tạo trong nước gắn với nhu cầu sử dụng lao động làm việc tại nước ngoài.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ người lao động tỉnh Quảng Nam đi làm việc ở nước ngoài trở về sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt biên bản ghi nhớ về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với các đối tác: Sở Công nghiệp và Lao động tỉnh Nagasaki, Nhật Bản, Tập đoàn Công ích và Quản lý lao động quốc tế (IPM) Nhật Bản; Chương trình thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước…”, ông Quý nói. |
Ông Nguyễn Quí Quý nhìn nhận, thị trường lao động ở nước ngoài ngày càng rộng mở, nhu cầu tuyển dụng ngày càng đa dạng về ngành nghề. Đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng đã và đang mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động Quảng Nam, nhất là lao động ở những vùng khó khăn. Đó không chỉ là câu chuyện về xóa đói giảm nghèo mà còn là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi để làm việc, đi để học tập và trở về xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thiên Phúc
Bình luận (0)