Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chanchu một thập niên thảm họa: Suýt quỵ ngã nghề câu

Tạp Chí Giáo Dục

Sau cú sốc tâm lý cùng với mất mát lớn về nhân lực, một thời gian dài nghề câu mực khơi ở miền Trung đã bị cơn bão Chanchu “đánh gục”. Nhưng rồi, các ngư dân cũng tìm cách để lao ra biển…
 
Tàu câu mực ĐNa 90567 công suất lớn nhất nước trước khi bị bán.  /// Ảnh: Nguyễn Tú

Tàu câu mực ĐNa 90567 công suất lớn nhất nước trước khi bị bán.ẢNH: NGUYỄN TÚ

Đội tàu câu mực trứ danh một thời của TP.Đà Nẵng gần như “tan đàn xẻ nghé” kể từ khi hàng loạt tàu bị nhấn chìm bởi bão Chanchu. Trước năm 2006, tàu câu mực ở Q.Thanh Khê có lúc lên đến 187 chiếc, trở thành niềm hy vọng cho biết bao nhiêu làng chài ven biển. Hàng nghìn “bạn chài” đã theo các con tàu này ra khơi…
“Đội tiền phương” mắc cạn
Những số liệu thống kê từ Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng đã vẽ một đường cong về lịch sử nghề câu mực, mà “đỉnh” của đường cong nằm chính vào thời điểm 2006. Bởi chỉ 2 năm sau đó, đội tàu câu mực vốn được mệnh danh là “tiền phương trên biển” của Đà Nẵng chỉ còn lại vỏn vẹn 14 chiếc, giảm đến 90%. Con tàu ĐNa 90136 của gia đình lão ngư Trần Ban (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) từng “sống sót” thần kỳ qua cơn bão Chanchu (khi đó do Nguyễn Văn Sơn, con nuôi của ông Ban, cầm lái) chỉ tung hoành được thêm vài năm trước khi bị bán.
“Biển không bạc với người, sau Chanchu tàu ĐNa 90136 vẫn bám nghề câu mực, đến năm 2011 thì trúng đậm cả 3 chuyến, giá mực lên đến 150.000 đồng mỗi ký, gia đình tôi thu lãi 3 tỉ đồng”, ông Trần Văn Mười, con trai ông Ban, nhớ lại. Nhưng khi được cha chuyển giao tàu ĐNa 90136, một thời gian sau ông Mười quyết định bán để dồn tiền đóng tàu ĐNa 90567 công suất gần 1.000 CV. Nhưng đến lượt con tàu câu mực có công suất lớn nhất nước lại phải “sang tay” hồi tháng 8.2015. Giá mực rớt, ông Mười bỏ luôn nghề câu mực. “Đội tiền phương” cuối cùng bị mắc cạn bởi những nguyên do đến từ phía bờ.
Khi giá mực khô đạt kỷ lục hồi năm 2011, những tưởng nghề câu mực khơi truyền thống sẽ được vực dậy. Nhưng vẫn không có nhiều người chịu bỏ tiền đóng tàu mới. Số tàu câu mực khơi của Thanh Khê cũng chỉ nhích dần lên gần 20 chiếc. Ông Lương Hữu Trúc, nguyên Trưởng phòng Kinh tế UBND Q.Thanh Khê, nhận xét: “Với nghề lưới cản, lưới vây, người ta chỉ cần 12 – 15 lao động, còn mỗi tàu câu mực cần đến hơn 30 người. Ngay cả thời hưng thịnh trước năm 2006, lực lượng lao động ở Đà Nẵng cũng chỉ đáp ứng được 1/3, còn lại phụ thuộc bạn chài các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… Mỗi chuyến biển cũng quá dài, quá nhiều rủi ro đang chực chờ. Chưa kể, chỉ có đối tác Trung Quốc thu mua mực xà nên ép giá, cứ lặp lại điệp khúc thường xuyên được mùa mất giá”.
Ám ảnh
Ở Quảng Nam, bão dữ cướp mất của xã Bình Minh (H.Thăng Bình) đến 86 ngư dân câu mực khơi, trong khi toàn xã biển lúc đó chỉ có hơn 300 người theo nghề này. Gần 1/3 nhân lực bị mất, tang tóc bao trùm xóm làng, chả còn ai muốn leo lên tàu ra biển. Nhưng rồi họ cũng gượng dậy. “Vì ở nhà thì đói” – ông Trần Văn Tám, Phó chủ tịch UBND xã lý giải. Ngư dân Trần Văn Hiệp, anh ruột của ông Tám, nằm trong nhóm may mắn sống sót sau bão Chanchu khi tàu của họ bị bão quật văng lên mỏm đá. 20 người trở về sau bão đã dìu nhau vượt qua cú sốc lớn, và rồi chính những gã đàn ông quen cưỡi sóng nước tự tìm cách quay lại với nghề.
Chứng kiến thảm nạn xảy ra với 2 người anh trai, Võ Văn Kệnh (39 tuổi, thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh) phải mất nhiều năm mới dứt khỏi nỗi sợ biển. Anh vừa theo nghề câu trong vòng 3 năm trở lại đây, khi đã cưới vợ sinh con. Đứa em của anh Kệnh thậm chí mới theo nghề từ 1 năm trước, lâu nay chỉ quanh quẩn đánh bắt gần bờ. Khi chúng tôi đến, anh Kệnh đang lênh đênh theo chuyến câu mực ngoài khơi. Chỉ có cô vợ Nguyễn Thị Hà ở nhà. Cô gái theo nghề may gia công ở trên cạn nhưng lại hiểu rất rõ nghề biển. Mỗi chuyến đi ròng rã hơn 2 tháng, “trúng” thì chia nhau mỗi thuyền viên 15 triệu đồng, “trật” còn 3 – 5 triệu đồng, cũng có khi lỗ trắng. “Nghề này bấp bênh và lệ thuộc quá anh à. Sắm sửa nhiều mà thu chẳng bao nhiêu, hết dòm ngó thời tiết ngoài khơi lại dò xem giá thương lái thu mua ở trong bờ có ép giá”, chị thở ra.
Không bỏ biển
Ngư dân Trần Văn Mười những ngày còn đeo đuổi nghiệp câu mực khơi. Ảnh: Nguyễn Tú

Ngư dân Trần Văn Mười những ngày còn đeo đuổi nghiệp câu mực khơi.ẢNH: NGUYỄN TÚ

 
Kể từ năm 2013, giá mực xà ngày càng rớt thê thảm, cả đội tàu câu mực lừng lẫy của TP.Đà Nẵng giờ chỉ còn… 2 chiếc: tàu ĐNa 90499 của ông Trương Công Chơi và tàu ĐNa 90136 của bà Ngô Thị Lành (mua lại từ ông Trần Văn Mười).
“Con mực xà tụi tui đánh về chỉ cần sơ chế, tẩm gia vị, đóng gói chứ đâu có đòi hỏi công nghệ phức tạp gì, mà sao lâu nay doanh nghiệp nước ta không ai làm, ngư dân không có thị trường tiêu thụ đa dạng để rồi cứ mãi phụ thuộc đầu ra bởi đối tác Trung Quốc”, ông Mười đau đáu.
Bị ép giá từ 150.000 đồng xuống còn 60.000 đồng/kg, chỉ cần 2 – 3 chuyến biển lỗ liên tiếp là chủ tàu phải bán phương tiện hoặc đổi nghề. Trên thực tế, ngư dân Trần Văn Mười đã chuyển sang nghề chụp mực với tàu vỏ thép ĐNa 90777 và tàu vỏ gỗ ĐNa 90541. Các chủ tàu Đà Nẵng từng chịu thiệt hại nặng nề sau bão Chanchu như Lê Thị Huệ, Phạm Văn Xinh, Trương Văn Minh… cũng đã chuyển sang câu cá ngừ đại dương, lưới vây, lưới rê. Họ chấp nhận bỏ nghề, nhưng không bỏ biển.
Hứa Xuyên Huỳnh – Nguyễn Tú/ TNO

 

Bình luận (0)