Không ngại khó khăn gian khổ, luôn phấn đấu cao vì sự nghiệp của mình, chàng sinh viên con nhà nghèo ở rẻo cao làm mọi người phải kính nể vì tinh thần và nghị lực phi thường.
Đó là Nhang Văn Ma, chàng trai dân tộc Khơ Mú, hiện học lớp K2C – Khoa giáo dục tiểu học Trường cao đẳng sư phạm Vinh (Nghệ An).
Nhang Văn Ma là chàng trai duy nhất học hết lớp 12 và cũng là chàng sinh viên duy nhất của bản Pà Cà, xã Nậm Cắn (huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An). Ma là con thứ 7 trong một gia đình nghèo có 10 anh chị em. Bố mẹ Ma quanh năm làm nương rẫy vất vả, khổ cực mà vẫn không đủ ăn. Anh trai đầu của Ma sau lần tai nạn đã bị tâm thần. Cứ mỗi lần anh lên cơn bệnh lại đập phá hết đồ đạc trong nhà khiến gia cảnh đã nghèo lại thêm túng quẫn. Mặc dù thế, Ma vẫn cố gắng tới trường để học cái chữ.
Sinh viên Nhang Văn Ma đang đi thực tập.
Ma kể những năm học cấp 2, nhà cách trường hơn 30 km. Mỗi ngày, em phải dậy lúc 5 giờ sáng để đi bộ tới trường. Do trời còn tối nên phải lấy cây nứa đập nát ra đốt lấy ánh sáng soi đường đi. Có những buổi sáng mùa đông rét mướt, tê tái chân tay nhưng em vẫn không bỏ học buổi nào.
Tốt nghiệp cấp 2, Ma định bỏ học vì nhà nghèo quá nhưng được sự động viên của bố và thầy cô, Ma tiếp tục tới trường. Do Ma làm thủ tục nhập học muộn nên không được ở nội trú phải thuê trọ ở ngoài. Từ đó lại thêm vất vả, khó khăn cho cậu học trò nghèo ham học.
Nhà nghèo, khi đi học bố mẹ chỉ gửi được ít cân gạo còn tiền sinh hoạt và các khoản chi phí khác, Ma phải tự lo. Hàng ngày ngoài những giờ lên lớp Ma tranh thủ thời gian đi bắt con giam, con cua để bán cho bộ đội lấy tiền ăn học, hay đi kiếm củi bán và làm một số việc nặng nhọc như bốc vác… Ma tâm sự: “Em không được giỏi lắm nhưng sẽ cố gắng để học cái chữ. Chứ cứ nghĩ mình dốt mà ngại học thì khi nào mới sáng cái dạ được”.
Nhà nghèo, khi đi học bố mẹ chỉ gửi được ít cân gạo còn tiền sinh hoạt và các khoản chi phí khác, Ma phải tự lo. Hàng ngày ngoài những giờ lên lớp Ma tranh thủ thời gian đi bắt con giam, con cua để bán cho bộ đội lấy tiền ăn học, hay đi kiếm củi bán và làm một số việc nặng nhọc như bốc vác… Ma tâm sự: “Em không được giỏi lắm nhưng sẽ cố gắng để học cái chữ. Chứ cứ nghĩ mình dốt mà ngại học thì khi nào mới sáng cái dạ được”.
Ở bản Pà Cà chỉ mỗi mình Ma học hết lớp 12. Khi tốt nghiệp cấp 3, Ma cũng muốn thi vào đại học lắm nhưng nghĩ tới cảnh gia đình mình nên Ma đã quyết định đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Nhưng Ma sang đó làm được 8 tháng thì công ty bị phá sản.
Ma trở về quê với hai bàn tay trắng, sau đó bố làm hồ sơ cho Ma đi học sửa chữa ở thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn). Đi học được ba tháng, Ma định vào miền Nam tìm việc nhưng bố không cho đi. Ma bảo muốn đi ra ngoài cho nó sáng cái dạ chứ cứ ở mãi trong bản thì chỉ có đói nghèo thôi. Bố em thấy con trai có chí nên nhờ một thầy giáo trong bản làm hồ sơ cho Ma thi Trường cao đẳng sư phạm Nghệ An.
Ngày nhận được giấy báo đỗ, Ma vừa mừng vừa lo. Ma sợ nhà nghèo không biết lấy đâu ra tiền để học dưới thành phố. Tiếng Kinh phát âm còn chưa rõ không biết học có theo kịp các bạn ở dưới xuôi không… nhưng bằng quyết tâm, nghi lực của mình em đã vượt qua tất cả.
Chân ướt chân ráo xuống thành phố đi học, Ma gặp rất nhiều khó khăn. Bạn bè lại hay trêu chọc vì Ma trông quê mùa… Nhưng không vì thế mà Ma tự ti hay nản lòng mà luôn cố gắng học hỏi mọi người xung quanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ma đã thông thạo tiếng Kinh và bước đầu quen dần với cuộc sống sinh viên.
Gia đình khó khăn nên cuộc sống của Ma rất chật vật và thiếu thốn. Mỗi tháng gia đình chỉ chu cấp cho Ma 400.000 đồng. Ma bảo: “Để có tiền đi học, bố đã phải bán hết đàn dê và vay mượn rất nhiều. Rồi gửi tiền xuống trường cho em bố lại phải mất 250.000 đồng tiền đi xe từ bản ra nơi gửi tiền”.
Do Ma học hệ trung cấp nên không được hưởng chế độ của học sinh vùng sâu đi học. Ma thở dài: “Em sợ nhất là mỗi lần lớp nhắc đóng học phí, em không biết lấy đâu ra tiền cả”.
Ma trong một giờ thực tập.
Mặc dù cuộc sống khó khăn thiếu thốn nhưng chưa bao giờ thấy sự nản chí trên khuôn mặt khắc khổ của Ma với mong muốn sau này là học xong sẽ đem kiến thức về phục vụ bản làng. Ma bảo: "Bản Pà Cà em còn nghèo lắm, cơm chưa đủ ăn, mùa đông không có áo ấm để mặc, người không biết chữ còn nhiều lắm… Ma sẽ đem cái chữ về tận bản làng để không có ai phải bỏ học giữa chừng…".
Để thực hiện ước mơ đó, những năm học ở trường ngoài kiến thức chuyên môn, Ma còn tìm hiểu thêm nhiều kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau như lâm nghiệp, chăn nuôi, y tế… để về hướng dẫn và truyền đạt cho bà con trong bản.
Hiện Ma đang đi thực tập và sắp ra trường, nhưng khó khăn với em lại thêm chồng chất, khi dịp Tết vừa rồi bố và anh trai lại bị tai nạn. Hiện bố Ma vẫn phải nằm một chỗ. Ma nghẹn ngào: “Em sẽ cố gắng thật nhiều để được học, chỉ mong sẽ giúp ích được những khó khăn cho gia đình và cho bản làng khi em học xong dù còn nhiều khăn phía trước”.
Luôn chịu khó học tập để rèn luyện bản thân, sinh viên Nhang Văn Ma không ngừng vươn lên để khẳng định mình, trở thành tấm gương sáng cho mọi người học tập và noi theo.
Đức Chung – Trần Hải / Dan tri
Bình luận (0)