Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chàng sinh viên với giải đặc biệt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lê Khắc Anh Kỳ đang miệt mài tại phòng thí nghiệm
Năm nay, cuộc thi Eureka có 7 đề tài xuất sắc được hội đồng giám khảo xét trao giải, gồm 6 giải nhất và 1 giải đặc biệt. Giải đặc biệt thuộc về một sinh viên khoa hóa của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM – Lê Khắc Anh Kỳ – với đề tài khoa học đã được đăng trên một tạp chí quốc tế.
Hành trình đến với khoa học
Khi tôi đến gặp, Kỳ vẫn đang miệt mài nghiên cứu sâu hơn về đề tài vừa đoạt giải đặc biệt cuộc thi Eureka 2010 tại phòng thí nghiệm MANA của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Nói về “giải đặc biệt” mà mình vừa “rinh”, Kỳ chia sẻ: “Tôi rất vui, nhưng thú thật lúc được các thầy đưa hồ sơ dự thi, tôi không nghĩ là mình đoạt giải vì đây là công trình khoa học nghiên cứu về một vấn đề còn rất mới ở Việt Nam. Hầu như chưa có ai nghiên cứu đề tài này, đó là “Nghiên cứu tổng hợp và khảo sát hoạt tính xúc tác của vật liệu hữu cơ – kim loại MOF 5”.
Kỳ kể tiếp: “Những tháng cuối của năm học thứ 3, tôi được một người trong nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phan Thanh Sơn Nam giới thiệu vào nhóm để tìm hiểu về lĩnh vực vật liệu khung cơ kim (MOFs) của Trường ĐH Bách khoa do PGS.TS Phan Thanh Sơn Nam làm trưởng nhóm. Lúc đầu, tôi rất bỡ ngỡ và chưa biết gì, nhưng được sự hướng dẫn của thầy Nam, dần dần tôi đã thành “con mọt sách” trong phòng thí nghiệm lúc nào không hay”. Chẳng bao lâu sau, tên của Anh Kỳ với đề tài nghiên cứu của mình đã xuất hiện trên một tạp chí chuyên ngành được xếp hạng ISI của thế giới. Và đây cũng là công trình hiếm hoi của ĐHQG TP.HCM trong nhiều năm qua được thực hiện 100% ở Việt Nam được công nhận bởi một tạp chí chuyên ngành có uy tín trong lĩnh vực này. Anh Kỳ nhớ lại: “Ban đầu thầy Nam chỉ chọn những sinh viên xuất sắc vào nhóm nghiên cứu MOFs. Lúc đó MOFs là đề tài rất mới và rất khó ở Việt Nam, tôi còn chưa rõ MOFs là gì. Trong nhóm chỉ có tôi là sinh viên năm 3 với học lực ở mức khá trong khi bốn người còn lại đều là sinh viên năm cuối và học xuất sắc nhất khoa. Cho đến cuối năm 2009, thì chỉ còn mình tôi tiếp tục theo đuổi đề tài này và đến tháng 1-2010 đề tài hoàn thiện và gửi đăng ở một tạp chí quốc tế, đến tháng 4-2010 mới đăng trên tạp chí chuyên ngành ISI ScienceDirect”. Đề tài của Kỳ đã góp phần nâng cao thứ hạng của ĐHQG TP.HCM nói chung cũng như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nói riêng trong khu vực châu Á. Nói về đề tài, Kỳ cho biết thêm: “Đề tài được thầy Nam yêu cầu tổng hợp cho ra được bốn loại vật liệu MOFs là MOF-5, MOF-199, ZIF-8 và ZiF-7. Và phải mất 4 tháng tôi mới tổng hợp được vật liệu MOF-5 và MOF-199. Kết quả công trình sẽ là tiền đề cho việc mở rộng ứng dụng của vật liệu MOFs vào nhiều lĩnh vực liên quan trong điều kiện thực tiễn ở nước ta”.
Cậu học trò nghèo và ước mơ làm bác sĩ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề chài lưới ở Phan Thiết (Bình Thuận). Nhà quá nghèo nên Kỳ được người dì “tài trợ” cho việc ăn học từ khi học lớp 1. Đáp lại tấm lòng của dì, Kỳ học rất giỏi, nhất là hai môn hóa và sinh – điểm số luôn cao nhất lớp. Và do thường xuyên thấy bác sĩ đến khám bệnh cho những người nghèo trong xóm nên Kỳ đã sớm có ước mơ một ngày nào đó cũng được khoác trên mình chiếc áo bloues. Tốt nghiệp THPT, Kỳ nộp đơn dự thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM. Nhưng thi hai năm liền Kỳ vẫn không đậu trường này, cuối cùng gia đình góp ý “học dược lâu, lại tốn kém, gia đình kham không nổi” đã phần nào làm nản lòng chàng trai nhỏ mơ làm bác sĩ. Nghe lời gia đình, Kỳ đăng ký học ngành CNTT Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, nhưng học được nửa học kỳ thì quyết định nghỉ ngang sau khi nhận ra mình không phù hợp với ngành này. Kỳ về nhà tự ôn thi với quyết tâm thi vào khoa hóa của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và cuối cùng cũng thành công với số điểm 26.
Vừa đi học, vừa đi làm nhưng kết quả học tập của Kỳ khá ấn tượng, luôn đứng đầu lớp nên sang năm 2, bạn được chuyển qua lớp sinh viên cử nhân tài năng. Cho đến khi được mời tham gia nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phan Thanh Sơn Nam, Kỳ như “bắt” được cơ hội, luôn say mê và làm việc hết mình. Và rồi Kỳ đã không phụ lòng người thầy của mình khi hoàn thành đề tài một cách xuất sắc. Đề tài không chỉ giúp bạn có được một số tiền (giải thưởng) để trả nợ, mà quan trọng hơn đó còn mở ra hướng đi mới chàng sinh viên vừa ra trường này.
Tốt nghiệp với số điểm cao, Kỳ được tuyển vào học chương trình thạc sĩ của trường và được trường giữ lại làm cán bộ nghiên cứu ở phòng thí nghiệm MANAR. Hiện Kỳ đang phụ trách hướng dẫn cho 8 luận văn tốt nghiệp của sinh viên.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

“Bây giờ ước mơ lớn nhất của tôi là được tiếp tục nghiên cứu đến cùng về lĩnh vực vật liệu mới này – vật liệu MANAR (cấu trúc nano và phân tử). Đồng thời học nâng cao để sau này có tiền giúp gia đình và các em còn đi học”, Kỳ chia sẻ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)