Từng là người câm điếc đầu tiên của Việt Nam đậu đại học chính quy với số điểm cao nhất (29,5 điểm) của khoa Hội họa, ĐH Mỹ thuật TP HCM, Đoàn Phạm Khiêm mê vẽ tranh từ nhỏ và luôn đạt kết quả cao ở môn học này.
Chia sẻ về sở thích của mình, chàng họa sĩ tương lai viết những dòng chữ mộc mạc: "Nét cọ là tiếng nói của Khiêm sau ngôn ngữ ký hiệu. Khiêm nghĩ đời sống bất cứ thứ gì cũng cần có cái đẹp. Khiêm muốn mình là người làm đẹp thêm cho đời. Đó cũng là những món quà dâng tặng mẹ, vì mẹ mong muốn Khiêm sau này có cuộc sống thiên về nét đẹp tâm hồn, không nặng nề về vật chất".
Vì chỉ có thể cảm nhận về cuộc sống qua hình ảnh, nên việc bày tỏ cảm xúc qua những bức tranh đối với Khiêm còn dễ hơn gấp nghìn lần một tiếng nói.
Phần lớn diện tích trong căn phòng chật chội, nơi mẹ con Khiêm ở đều dành để treo tranh do mình vẽ. Cậu cũng bày tỏ mong muốn những tác phẩm này sẽ bán được để hỗ trợ vào việc dạy học cho những người câm điếc và nuôi đam mê hội họa của mình.
Đối với Khiêm tranh là một phương tiện quan trọng để bày tỏ cảm nhận về cuộc sống. |
Sinh năm 1982 tại TP HCM, vốn là một cậu bé bụ bẫm, bình thường, khi một tuổi Khiêm đã bắt đầu bập bẹ những tiếng nói đầu tiên. Cũng thời điểm này cậu bé Khiêm đứng trước nguy cơ về tính mạng vì mắc phải bệnh dịch tả (là đại dịch lúc bấy giờ), một số trẻ em trong tình trạng giống Khiêm đều đã chết. Không còn sự lựa chọn nào khác, Khiêm được mẹ quyết định để bác sĩ tim thuốc kháng sinh liều cao để cứu sống.
Sau khi vượt qua cơn nguy kịch, Khiêm được mẹ đưa về nhà chăm sóc. Cũng từ đó cậu trở nên vô cảm với mọi âm thanh xung quanh mình.
"Tôi đập vỡ một tấm cửa kính, làm rớt một cái ly nước ngay ở gần mà thấy con không có phản ứng gì. Lúc đó tôi biết lời cảnh báo của bác sĩ là đúng. Kháng sinh liều cao đã cướp đi khả năng nghe của con và dần dần nó bị điếc luôn", bà Thảo mẹ Khiêm rưng rưng nước mắt.
Cuộc sống của Khiêm càng thêm khó khăn khi cha mẹ li hôn. Vì vật lộn với cuộc mưu sinh để có tiền chữa bệnh, nuôi con nên mẹ cũng lâm bệnh. Cuộc sống của hai mẹ con Khiêm càng điêu đứng, tài sản trong gia đình đội nón ra đi, cuối cùng hai mẹ con phải về ở trong một căn gác chưa đầy 10m2 ở khu nhà tập thể cũ trên đường Lê Thánh Tôn.
Năm 8 tuổi Khiêm được mẹ đưa vào trường Hy vọng TP HCM và theo học chương trình tiểu học dành cho người câm điếc. Chương trình dành cho học sinh ở đây phải kéo dài một năm rưỡi, nên phải mất 10 năm (năm 2000) Khiêm mới hoàn thành chương trình lớp 7. Với nỗ lực của mình, cậu học sinh đặc biệt này liên tục đạt thành tích xuất sắc trong nhiều năm. Không chỉ học giỏi, Khiêm còn có năng khiếu vẽ, nên năm nào cũng đảm nhận việc vẽ và trang trí báo tường cho trường, lớp. Cậu còn rất năng nổ trong các hoạt động văn nghệ, thể thao và là một trong những "diễn viên" kịch câm của trường.
Khiêm (hàng trên, thứ 2 từ trái qua phải) vinh dự được nhận học bổng "Hạt giống Việt" dành cho các bạn trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: Hải Duyên. |
Ở Việt Nam lúc bấy giờ chưa có trường cấp 3 dành cho người khiếm thính, nhưng Khiêm may mắn nhận được một suất học bổng của một trường ĐH của Mỹ (trường dành cho người câm điếc) dạy tại Đồng Nai. Sau 6 năm theo học tại đây, Khiêm đã lấy được bằng tú tài đồng thời theo học chương trình cao đẳng và lấy chứng chỉ giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam. Ngay sau đó cậu được mời làm giảng viên dạy môn học đặc biệt này cho trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Chàng trai trẻ còn tham gia vào việc biên soạn Bộ từ điển Ngôn ngữ kí hiệu dành cho người câm điếc Việt Nam.
Vì muốn ước mơ của mình được bay cao bay xa hơn nên, chàng trai câm điếc đầy nghị lực quyết tâm thi vào đại học. Sau một thời gian luyện thêm môn vẽ, năm 2009 Khiêm quyết định thi vào ngành Hội họa, khoa sơn mài ĐH Mỹ Thuật và đạt thủ khoa. Vì không có khả năng nghe thầy cô giảng bài, nên ở các môn học lý luận luôn đòi hỏi Khiêm phải tự nghiên cứu mày mò. Còn đối với môn vẽ cậu luôn là người đứng nhất nhì khoa.
Mỗi ngày của Khiêm đều rất bận rộn với việc học trên trường, học thêm Anh văn và đi dạy ngôn ngữ ký hiệu miễn phí cho các bạn trong CLB câm điếc ở các trường. Hiện cậu sinh viên đa tài này cũng đang lên kế hoạch xin thành lập Hội người điếc câm để những người cùng cảnh ngộ như mình có một tổ chức được hoạt động chính thức.
Nói về ước mơ của mình, Khiêm chia sẻ, mong muốn được nhận một học bổng du học về ngành Hội họa cho người câm điếc ở Mỹ, sau đó về mở trường cấp 3 dạy miễn phí cho người câm điếc ở Việt Nam.
Hải Duyên / VNE
Bình luận (0)