Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Chàng thủ khoa… giăng câu

Tạp Chí Giáo Dục

Cậu học trò nghèo ở xã vùng sâu Trường Xuân, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thi đậu thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh này với 57,5 điểm là tin khiến thầy cô, bạn bè hết sức ấn tượng và tự hào.
Nhà Võ Thành Luân nghèo lắm. Cha mẹ bạn ngày ngày phải vật lộn với cái ăn, cái mặc nên chuyện học hành con  cái tự lo. Vậy mà kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi các môn Luân đạt là: toán 10, lý 10, sinh 10, sử 10, địa 9 và văn 8,5 điểm.
Những ngày này, gần kỳ thi đại học rồi mà Luân vẫn còn bơi xuồng giăng câu. Cô hiệu phó Trường THPT Trường Xuân Nguyễn Thị Đỗ Quyên nói Luân đi giăng câu để kiếm tiền, và vì không có tiền nên chỉ thi trường duy nhất là ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Thật ra trước đây Luân còn làm hồ sơ thi vào ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Đồng Tháp nữa, nhưng đến khi đóng tiền vét mãi trong túi chỉ có 120.000 đồng mà lệ phí đăng ký mỗi trường tới 86.000 đồng nên anh chàng… bó tay, đành chọn một.
Kỳ thi cận kề, Luân vẫn miệt mài giăng câu trên sông nước 
Các thầy cô ở trường cho biết ba năm THPT Luân luôn là học sinh giỏi. Riêng năm học lớp 12 Luân còn đoạt giải nhì thực hành môn sinh học cấp tỉnh. Điểm trung bình cả năm lớp 12 cũng thật đáng nể: 8,9. Hỏi có “bí kíp” gì không, anh chàng vừa đi giăng câu về với mấy con cá lơ thơ và người còn tím tái cười: “Chẳng có bí kíp gì hết anh ơi. Em cố gắng học, hiểu và ghi nhớ hầu hết bài giảng của thầy cô thôi”. Nhà nghèo, miếng ăn chật vật mỗi ngày nên Luân chưa bao giờ có buổi học thêm.
Luân tâm sự phần lớn thời gian ngoài giờ học ở trường phải cùng cha đi phụ hồ, làm mộc, làm thuê các việc đồng áng, đi giăng lưới, giăng câu kiếm sống. Thời gian “vàng” của Luân là từ tối cho đến sau 0g hằng ngày. Tất cả bài học, bài tập bạn đều cố gắng giải quyết trong quãng thời gian đó. Những bài nào khó thì ghi lại hôm sau sẽ gặp riêng thầy cô nhờ giảng lại.
Thầy Bùi Công Danh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 đồng thời là giáo viên dạy toán của Luân, cho biết thầy cô ở trường rất thương Luân vì bạn là một học sinh mẫu mực về đạo đức, tinh thần cầu tiến trong học tập. Nhà nghèo nhưng không vì thế mà bỏ bê việc học, ngược lại bạn càng cố gắng học giỏi hơn. “Tôi và nhiều thầy cô khác rất vui khi có một học trò như thế. Chúng tôi thường xuyên lên mạng tìm thêm tài liệu học nâng cao gửi cho Luân để em tự học. Chỉ tự học nhưng Luân tiến bộ rất nhanh, có nhiều phương pháp giải toán rất sáng tạo” – thầy Danh nói về học trò của mình.
Hỏi đã chuẩn bị gì cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới, nào là tiền xe, tiền nhà trọ, ăn uống mấy ngày đi thi ở TP.HCM, Luân im lặng nhìn ra bờ sông – nơi có chiếc xuồng và chiếc lưới bắt cá của gia đình. Lặng đi một lúc, Luân bảo: “Cha mẹ sẽ mượn tiền cho em đi thi, cố gắng tiêu xài tiết kiệm chắc không tốn nhiều. Kỳ thi này quan trọng với em và gia đình lắm, cha mẹ nói dù gì cũng phải cố gắng lo. Em nghe nói nếu thi đậu trường này thì sau khi tốt nghiệp cơ hội tìm việc cũng dễ. Em muốn có việc làm ổn định, có thu nhập khá để còn lo cho hai đứa em ăn học”.
THANH TÚ / TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)