Tùng bên ông Luật (bìa phải) và thầy giáo trong ngày vui hay tin mình đỗ thủ khoa |
Với tổng điểm ba môn thi đạt 27, cậu học trò trường huyện Trần Anh Tùng ở Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đã xuất sắc đoạt ngôi vị thủ khoa Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Tùng chia sẻ: “Muốn học giỏi, theo em cái chính là biết lắng nghe thầy cô giảng bài, chọn lọc và ghi nhớ. Bên cạnh đó cần biết cách áp dụng linh hoạt lý thuyết vào bài tập chứ không nhất thiết phải đi học thêm”…
Học vì ước nguyện của mẹ
Những ngày này, cái xóm nhỏ ở tổ 4, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình rộn ràng hơn bao giờ hết. Gương mặt những người nông dân cặm cụi với sương nắng dường như giãn ra khi nghe tin xóm mình có cháu thi đỗ thủ khoa một trường danh tiếng nhất miền Trung. Cụ Lê Văn Hấn (80 tuổi) cười mãn nguyện: “Thế hệ trẻ ở Hà Lam bây giờ hiếu học lắm. Mỗi năm có vài cháu đỗ ĐH là vui cái bụng nhưng năm ni làng xóm tự hào hơn bởi cháu Tùng lại làm rạng danh quê hương”.
Ông Trần Văn Luật – ba Tùng – một thầy giáo dạy môn vật lý THCS dẫu vẫn tin rằng con mình sẽ đỗ ĐH nhưng cái đích thủ khoa thì ông chưa hề nghĩ tới. Ông Luật hồ hởi: “Nghe tin con đỗ thủ khoa, cả đêm qua tôi vui quá không ngủ được”. Ngừng lại giây lát, ông Luật đổi giọng rưng rưng: “Vui lắm nhưng giá như giây phút này có mẹ cháu thì sẽ hạnh phúc biết bao”. Tùng là con cả trong gia đình có hai anh em. Năm em lên lớp 10, mẹ bị bệnh hiểm nghèo qua đời. Gia cảnh vốn không mấy khá giả lại càng trở nên túng thiếu vì món nợ vay chạy chữa cho mẹ trong những ngày nằm viện. Đồng lương giáo viên THCS ba cọc ba đồng của ông Luật phải trang trải cuộc sống cho ba cha con và bà nội già yếu. Người mẹ – chỗ dựa tinh thần của cả gia đình ra đi là cú sốc quá lớn khiến Tùng rơi vào trạng thái hụt hẫng. “Suốt một năm sau ngày mẹ mất, cháu cứ thẫn thờ, bê trễ học hành. Tôi cũng buồn, nhiều lúc muốn ngã gục nhưng thấy cháu như vậy nên cố gắng gượng để động viên cháu. Tôi biết, đạt được thành quả như hôm ni là nỗ lực rất lớn đối với cháu. Hai năm rồi, cả nhà mới có những phút giây vui vẻ như ri”, ông Luật tâm sự.
“Lúc đầu em tưởng mình không đủ sức đứng lên học tiếp được nữa nhưng đến năm lớp 12, nghe các bạn bàn về khối thi, em chợt nghĩ mình phải làm thế nào để mẹ hài lòng. Từ hôm đó mỗi lần ngồi vào bàn học là em đọc lại 10 điều mẹ ghi ra nhắc nhở tụi em trước lúc lâm chung để làm động lực học tập. Những ngày đó lúc nào em đi học về em đều có cảm giác mẹ gọi em vào xoa đầu và bảo, mẹ mong thấy được ngày em thành đạt. Nhờ đó em vượt qua được nỗi buồn để tiếp tục học”, Tùng tiếp lời ba.
Phải biết chọn lọc kiến thức
Bí quyết học tập của Tùng khá đơn giản. Tùng cho biết: “Kết quả học tập các môn tự nhiên của em luôn đạt trên 9,0 nhưng thú thật em rất ít khi đến lớp học thêm. Phần vì sợ ba vất vả, phần khác em nghĩ chỉ cần mình siêng năng học hỏi thì sẽ bù đắp được lượng kiến thức đôi khi bổ ích hơn chuyện đi học thêm rồi về bỏ xó sách vở để đi chơi. Các môn học xã hội em thường tranh thủ nghe thầy cô giảng bài trên lớp, về nhà chỉ đọc qua một lượt để hiểu thêm. Thời gian còn lại em tranh thủ ôn luyện bài tập nâng cao các môn tự nhiên. Ngoài môn lý em đã vững vì có ba giúp đỡ, còn toán và hóa em tự mua sách rồi mày mò học. Đầu tiên em ghi nhớ kiến thức về lý thuyết, sau đó áp dụng linh hoạt vào bài tập. Cái gì không hiểu em tranh thủ hỏi thầy cô giáo vào giờ nghỉ trên lớp. Như thế em nhớ được rất lâu và luôn đạt điểm tốt. Muốn học giỏi, theo em cái chính là biết lắng nghe thầy cô giảng bài, chọn lọc và ghi nhớ. Bên cạnh đó cần biết cách áp dụng linh hoạt lý thuyết vào bài tập chứ không nhất thiết phải đi học thêm”.
Được biết, không chỉ học giỏi văn hóa, Tùng còn rất giỏi việc nhà. “Nó đi học về là xếp sách vở lao vào bếp nấu nướng, giặt giũ giúp tui. Nhiều khi thương nó côi cút, tui bảo để bà làm từ từ rồi cũng xong thì nó gạt đi nói bà già rồi, cháu thanh niên khỏe mạnh để cháu làm”, bà nội Tùng cho biết.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Tùng chia sẻ, trước mắt em sẽ cố gắng học thật giỏi để giành học bổng và được ưu tiên ở kí túc xá miễn phí cho ba với nội bớt vất vả. Em ước mơ sẽ trở thành chuyên viên công nghệ thông tin giỏi, sáng tạo nhiều phần mềm có ích và kiếm thật nhiều tiền để sau này thay ba lo cho đứa em út học ĐH.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)