Lê Khắc Bảo Long |
Với tổng số 3 môn thi đạt 26,5 điểm (văn 8,5; địa 9,25; sử 8,25), cậu học trò trường làng Lê Khắc Bảo Long ở xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) đã chinh phục ngôi vị thủ khoa khối C của ĐH Huế…
Tin cậu học trò Bảo Long (thi vào Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Huế) đỗ thủ khoa khối C ĐH Huế với số điểm cao không chỉ là niềm vui của gia đình mà làm xôn xao cả một vùng quê thuần nông. Cô Nguyễn Thị Hải Vân, giáo viên có thâm niên dạy văn hơn 20 năm của Trường THPT Trần Văn Kỷ – ngôi trường mà Bảo Long theo học 3 năm cuối cấp – phấn khởi nói: “Nhà trường đã hai lần vinh dự có thủ khoa các trường ĐH nhưng đây là lần đầu tiên có thủ khoa khối C. 20 năm miệt mài trên bục giảng, giây phút nghe tin Long đỗ thủ khoa tôi khá bất ngờ và vui sướng đến nghẹt thở”.
Bảo Long là con trai út trong gia đình có 4 chị em. Ba mẹ Long là nông dân cả đời cơ cực với ruộng đồng. Những ngày này, nghe tin con trai đỗ cao, gương mặt họ dường như giãn ra, mãn nguyện. “Cuộc sống dù vất vả thế nào tôi cũng luôn động viên vợ cố gắng để dành thời gian cho con cái học hành. Ba cháu trước học không xuất sắc nhưng ra trường công việc cũng tạm ổn, chỉ còn mình cháu Long. Thú thật bây giờ ra ngõ là gặp quán game, vợ chồng tôi lo lắng lắm, mình cũng không rảnh rang để theo con mãi. Cũng may là cháu Long không mê chơi, cháu ngoan và chăm học nay lại đỗ cao tôi vui lắm. Cả nhà chưa bao giờ được vui vẻ thoải mái như mấy hôm nay”, ông Lê Khắc Văn, bố Long, vui mừng cho biết.
Là con trai theo học xã hội nhưng không như quan niệm của nhiều người, ở cậu học trò ấy luôn toát lên vẻ thông thái, mạnh mẽ và quyết đoán. Đạt được điểm số cao, đối với Long quả là bất ngờ: “Nghe bạn bè báo tin đỗ thủ khoa, em vui quá mấy đêm rồi không ngủ được. 12 năm đến lớp em toàn đạt học sinh tiên tiến, khi làm bài em cũng chỉ đoán mình cỡ 21 điểm thôi”. Long tâm sự tiếp: “Hiện nay, đa phần các bạn thường theo khối A, B… ít người theo khối C; đặc biệt là các bạn nam. Có lẽ các bạn cho rằng học khối C là học thuộc lòng, mau chán, khô khan và mệt. Theo em, học khối C không “vất vả” như một số bạn vẫn nghĩ, cũng không quá khó. Khối C thiên về xã hội và nhân văn nên khi học cần có hiểu biết rộng, nhiều thông tin xã hội chứ không nhất thiết phải học thuộc lòng bởi vì chỉ học thuộc lòng không thôi thì khi vào phòng thi sẽ quên ngay. Chủ yếu là nên học hiểu, nắm kiến thức cơ bản, nắm ý chính”.
Khi được hỏi về bí quyết đạt điểm cao ở các môn thi vốn được xem là khó có điểm cao như lịch sử, Long cười hiền bảo: “Bí quyết thì em cũng chẳng có gì đặc biệt, điều quan trọng là em yêu thích, say mê các môn học này. Thứ nữa em luôn quan niệm, mình phải am hiểu được lịch sử của nơi mình sinh ra, có như thế khi lớn lên đi giao du bên ngoài mình tự hào với các bạn. Từ niềm đam mê đó đã tạo cho mình đà để học tốt. Em chỉ học thêm môn văn, còn địa với sử em mua thêm sách học, xem sách báo, tin tức để bổ sung thêm kiến thức”.
Trò chuyện với Bảo Long, điều dễ nhận thấy ở cậu học trò này là sự am hiểu khá sâu về các lĩnh vực xã hội. Giọng điệu hóm hỉnh và vốn kiến thức xã hội khá rộng dễ cuốn người đối diện vào câu chuyện. Nhận xét về cậu học trò của mình, cô Hải Vân nói: “Long rất chăm ngoan. Ngoài việc siêng ôn bài em còn có khả năng tư duy ngôn ngữ rất logic. Trong bài làm của mình, em luôn biết vận dụng những kiến thức xã hội một cách linh hoạt và thuyết phục. Long có kỹ năng mềm rất tốt”.
Không chỉ chăm học, ngoài thời gian lên lớp, Long thường phụ giúp ba mẹ việc nhà, làm đồng. Cũng chính từ những buổi trải nghiệm đầy khắc nghiệt trên đồng ruộng nắng như đổ lửa đó, Long càng quyết tâm hơn để bước chân vào ĐH: “Là con nông dân, em hiểu được nỗi vất vả của người nông dân mỗi vụ mùa bỏ hết công sức ra mong thu được hạt thóc nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Mỗi lúc đi làm đồng mệt, ba thường nhắc tụi em cố gắng học để thoát ra khỏi ruộng đồng. Thế là em có thêm động lực để cố gắng”. Long nói tiếp: “Thủ khoa chỉ là cái mốc đầu tiên trên con đường chinh phục tri thức. Sau này em sẽ cố gắng trở thành một giảng viên giỏi để truyền kiến thức cũng như kinh nghiệm mình có được cho thế hệ sau. Bởi vì, văn học là nhân học nên dẫu có thời điểm khối C không phải là sự lựa chọn cho nghề nghiệp tương lai của các bạn thì nó vẫn rất cần thiết đối với cuộc sống”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)