Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Chàng trai “bạc” Olympic Vật lý thích nuôi lợn

Tạp Chí Giáo Dục

Đã có một vài thay đổi nhỏ với Phạm Văn Quyền, học sinh 11 chuyên Lý Lê Hồng Phong (Nam Định) sau ngày em đạt huy chương bạc Olympic Vật lý quốc tế tại Mexico vừa qua.
Bỗng dưng… nổi tiếng
Quyền được mọi người biết đến nhiều hơn. Những người dân sống xung quanh cũng nhận ra cậu bé “bạc”.
“Thằng bé ngoan và thông minh lắm, mỗi tội có nhiều bạn gái hâm mộ quá. Từ ngày nó được giải quốc gia rồi quốc tế ngày nào cũng có mấy em đòi vào xem mặt anh Quyền” – bác Quang chủ nhà trọ của Quyền đùa hóm hỉnh.
Phạm Văn Quyền bên bàn học.
Ngày mới đặt chân sang đất nước xa xôi cách Việt Nam đúng nửa vòng trái đất khiến Quyền không khỏi lo lắng. Những ngày trước khi thi, các bạn trong đoàn luôn phải tự động viên lẫn nhau để tránh căng thẳng, hồi hộp. Những bỡ ngỡ ban đầu ảnh hưởng không nhỏ đến điểm thành tích bài làm lý thuyết của em.
“Ngay bài đầu tiên em đã làm sai, mất hết sạch điểm. Nếu bình tĩnh thì chắc em đã được điểm cao hơn. Lúc đó em rất buồn và thất vọng về bản thân mình với ý nghĩ sẽ không còn cơ hội để cho em có được huy chương”. Sau đó, Quyền đã tự tìm cách trấn tĩnh và quyết tâm hơn trong bài thi thực hành ngày hôm sau.
Quyền đạt giải khuyến khích vật lý tỉnh Nam Định năm lớp 9. Lớp 11, cậu ẵm một lúc 3 giải: giải nhì tỉnh, giải nhì quốc gia và huy chương bạc Olympic quốc tế.
Trong năm học sinh Việt Nam giành huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế 2009, Quyền lại là học sinh có điểm số cao thứ hai trong đoàn.
Số điểm 14.5/20 của bài thi thực hành đã đem đến cho Quyền tấm huy chương bạc trong mơ. "Đến khi công bố điểm và nhận giải, em rất bất ngờ vì mình đã giành được huy chương bạc trong một kì thi vật lý quốc tế. Và điểm lý thuyết cũng không thấp như em tưởng” – Quyền bộc bạch.
Đối với Quyền, quãng thời gian 9 ngày ngắn ngủi bên đất nước Mexico xinh đẹp đã để lại trong em những ấn tượng khó quên.
Đó là những kim tự tháp mặt trời với kiến trúc độc đáo, tráng lệ mà trước đây em chỉ được xem qua sách báo. Quyền không thể quên được những buổi chiều được đi dạo quanh thành phố bằng xe ngựa.
Thích nuôi lợn, nấu rượu
Ngày Quyền trở về, cả nhà quyết định thuê xe lên tận sân bay Nội Bài đón Quyền. Niềm vui vỡ oà sau bao ngày xa gia đình khiến em xúc động một hồi lâu không nói lên thành lời: “Em không biết được nữa, một cảm giác rất khó tả. Em rất vui vì được mọi người ra tận sân bay đón” – Quyền nhớ lại.
Quyền sinh ra ở một vùng quê nghèo xã Yên Ninh, huyện Ý Yên (Nam Định). Em là con út trong một gia đình có 5 chị em. Bốn người chị Quyền giờ đều đã trưởng thành, giờ nhà chỉ có mình em cùng bố mẹ.
Bố em là kĩ sư thuỷ lợi, mẹ em là giáo viên mầm non trong làng. “ Bố mẹ em rất quan tâm lo lắng và thường xuyên gọi điện lên hỏi thăm tình hình. Đặc biệt em ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ. Mẹ đã luôn bên em động viên, gợi ý cho em những việc nên làm”, Quyền chia sẻ về gia đình của mình.
“Thằng bé được cái chăm chỉ. Biết bố mẹ già yếu, em nó vẫn thường đòi về giúp gia đình mỗi khi tới vụ mùa. Nhà tôi có 8 sào lúa, không có em nó phụ giúp thì hai vợ chồng tôi cũng mệt” – bố của Quyền kể. “Em nó trọ học trên thành phố, cách nhà mấy chục cây số nhưng cứ vài tuần lại nằng nặc đòi về giúp bố mẹ việc nhà”.
Nói về những dự định tương lai của mình, Quyền chia sẻ: “Năm sau em sẽ cố gắng để được tham dự kì thi này một lần nữa. Nếu giành được giải cao hơn, em sẽ có nhiều cơ hội kiếm được học bổng đi Mỹ để theo đuổi ngành kĩ thuật hàng không của mình”.
 Phạm Thịnh (Vietnamnet)

Bình luận (0)