Nếu như ở Malaysia, ông Obama thể hiện mình là vị tổng thống toàn cầu quan tâm đến các vấn đề vĩ mô, thì đến Việt Nam, ông 'địa phương hóa' mình theo cập nhật các xu hướng được giới trẻ quan tâm, Hoàng Mẫn nhận xét.
Là gương mặt trẻ xuất sắc, Phạm Hoàng Mẫn (sinh năm 1993, quê Bến Tre), cựu sinh viên Trường ĐH Tân Tạo (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã vinh dự được diện kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama đến 2 lần, chỉ trong vòng chưa đầy một năm.
Tháng 11.2015, Hoàng Mẫn cùng 34 thủ lĩnh trẻ của Việt Nam tham dự buổi đối thoại trực tiếp của Tổng thống Mỹ với 500 thủ lĩnh trẻ của khu vực Đông Nam Á tại Đại học Taylor, Kuala Lumpur, Malaysia. Ngày 25.5 vừa qua, Mẫn gặp lại người đàn ông quyền lực nhất thế giới khi ông có buổi trò chuyện với hơn 600 bạn trẻ YSEALI (Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á), ở GEM Center, TP.HCM.
“Về ngoại hình, ngài đã già đi ít nhiều song cách nói chuyện vẫn không đổi: thân mật, chân tình nhưng đầy ‘lửa’ như thế”, Mẫn cảm nhận về Tổng thống Mỹ trong lần thứ 2 gặp mặt.
Obama ‘địa phương hóa’ khi đến Việt Nam
Hai lần gặp gỡ Tổng thống Mỹ diễn ra trong thời gian khá gần nhau nên Hoàng Mẫn không khó để nhận ra những điểm tương đồng và khác biệt trong cách ứng xử, giao tiếp… của Tổng thống Obama với bạn trẻ Malaysia và Việt Nam.
Theo Mẫn, dù ở đâu, ông chủ Nhà Trắng cũng đều khiến bạn trẻ ấn tượng bởi sự am tường về văn hoá, nếp sống… của từng vùng miền ngài đặt chân đến để có cách ứng xử phù hợp nhất.
“Khi nói chuyện với những người trẻ Việt, tổng thống cho thấy mình rất hiểu biết về xu hướng âm nhạc, nghệ thuật khi nhắc đến các hit của Sơn Tùng M-TP hay Trần Lập… Ở một góc độ nào đó, tôi thấy Tổng thống Obama dành nhiều tình cảm cho bạn trẻ Việt bằng cách địa phương hóa cách tiếp cận của chính mình”, Hoàng Mẫn nhận xét.
Hoàng Mẫn kể: “Trong cuộc gặp ở Malaysia, khi tổng thống nghe một bạn trẻ người Campuchia đặt câu hỏi: Thế hệ người già như tổng thống trông chờ gì ở người trẻ như chúng tôi, ông đã tròn xoe mắt và nói: Tôi ghét ai kêu tôi già lắm nhé! Dù sợ già nhưng tôi không hề nhuộm tóc như các vị tổng thống tiền nhiệm, nhưng đừng có hỏi tôi tổng thống nào đã nhuộm tóc, tôi không nói đâu!”.
“Còn khi đến Việt Nam, vẫn phong thái thân thiện như thế, ông đi và bắt tay từng người một. Bên cạnh những chia sẻ chân thành về định hướng phát triển cho giới trẻ, ngài Obama còn hài hước khoe rằng mình cũng phải trầy trật lắm mới cập nhật được từ con gái những xu hướng giải trí mới”, chàng trai Bến Tre nói thêm.
Vươn mình ra thế giới nhưng không ảo tưởng
Năm 2015, Phạm Hoàng Mẫn giành học bổng toàn phần “Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” (YSEALI) và có cơ hội giao lưu, học tập tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Mỹ. Tại đây, chàng trai 9X đã được nghe nhiều “giai thoại’ về Tổng thống Obama trong quá trình làm việc cùng cấp dưới của ông như Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Đông Nam Á, Giám đốc hành chính YSEALI, Thư ký trợ lý vụ giáo dục…
“Tôi đặc biệt ấn tượng với giai đoạn tuổi trẻ cơ hàn của Obama. Ông đã bôn ba nhiều nơi, làm nhiều việc để kiếm sống, cuộc sống thiếu vắng tình thương của cha và nhiều thiệt thòi khác nữa… Tôi nghĩ, chính điều này là nhân tố hình thành nên tính cách của Obama và những việc ông làm ở hiện tại. Vì hiểu được những nỗi cơ cực của người nghèo nên ông mới chăm lo tốt cho họ, phấn đấu tìm một con đường mới giúp đỡ họ. Bằng chứng là chương trình Obamacare (bảo hiểm sức khỏe bắt buộc của Chính phủ Liên bang dành cho những gia đình, cá nhân có thu nhập thấp..)”, Hoàng Mẫn chia sẻ.
Cũng như bao bạn trẻ có xu hướng vươn mình ra thế giới, 9X đã hơn một lần chìm đắm trong “giấc mơ Mỹ”. Song, khi có cơ hội sang Mỹ để học tập và làm việc, Mẫn nhận ra: “Việc ra quốc tế học hỏi giao lưu là điều cần thiết với bạn trẻ trong thời đại kinh tế toàn cầu hoá này, nhưng chúng ta cũng đừng nên màu hồng hóa cuộc sống ở nước ngoài nói chung và của người Mỹ nói riêng. Họ cũng đang ngày ngày đối điện với thực trạng thất nghiệp, kinh tế bất ổn, nợ xấu ngân hàng…”.
Hoàng Mẫn khẳng định: “Sinh ra là người Việt, dẫu thế nào tôi vẫn muốn được lập nghiệp và phát triển trên mảnh đất quê hương xứ dừa của mình”. Với suy nghĩ ấy, nên dù có nền tảng kiến thức khá tốt nhưng Mẫn không chọn làm việc cho các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà quyết định gắn bó với Trường ĐH Tân Tạo, “cái nôi” để anh trưởng thành như hôm nay.
Thành tích của Phạm Hoàng Mẫn:
– Tốt nghiệp cử nhân thủ khoa ngành Kinh Tế Quốc tế của Trường ĐH Tân Tạo, năm 2015. Vinh dự được gặp gỡ Tổng Thống Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Malaysia, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ. |
Lê Ái (TNO)
Bình luận (0)