Cách nay hai năm, Đà Lạt xuất hiện hàng loạt loại củ quả mà muốn mô tả cho dễ hiểu thì tên gọi thường phải kèm chữ “baby” hoặc tên những loại trái cây nhỏ nhắn.
Cầm trên tay những loại nông sản vừa quen vừa lạ như cà chua cherry, dưa leo baby, cà rốt baby… ít ai ngờ đấy là sản phẩm từ trang trại của một “nông dân” trẻ măng: Nguyễn Thành Nguyên.
Củ cải đỏ ở trang trại của Thành Nguyên – Ảnh: Mai Vinh |
Cái gì chưa có?
Nguyên sinh ra tại Đà Lạt, hoàn thành chương trình phổ thông và đại học tại Mỹ. Năm 2011, Nguyên về lại Việt Nam làm ở mảng xuất khẩu trái cây cho một công ty tại TP.HCM.
Đầu năm 2012, Nguyên thấy mình cần về lại Đà Lạt làm việc vì không muốn mẹ phải sống một mình trong khi bố đang đi làm xa và cậu em trai cũng đang du học.
Nguyên bàn với bố mở trang trại ở tận Đạ Nghịt (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cách xa Đà Lạt khoảng 20km. Nguyên học kinh tế nên khi nhìn bãi đất mênh mông giữa những vườn cà phê cằn cỗi anh không biết bắt đầu từ đâu.
“Tôi muốn làm một nông dân theo kiểu tôi đã từng thấy ở Mỹ nhưng thật sự hoang mang không biết vạch xuất phát nằm ở đâu” – Nguyên nói.
Nguyên chạy xe vòng quanh các ruộng rau từ Đà Lạt đến các vùng lân cận và một ý nghĩ nảy lên trong Nguyên rằng cứ kiếm nông sản nào ở Đà Lạt chưa có hoặc ít có thì làm.
Nguyên lại nhớ đến những quầy nông sản trong siêu thị tại Mỹ. Quầy cà chua có khoảng vài chục loại được xếp từ nhỏ đến lớn và cách dùng khác nhau, rất đa dạng. Cà rốt, khoai tây, dưa leo cũng tương tự vậy.
Nguyễn Thành Nguyên với “đặc sản baby” vừa nhổ lên – Ảnh: Mai Vinh |
Chắp nối hai ý nghĩ, Nguyên phát hiện sản phẩm của xứ rau Đà Lạt còn đơn điệu. Cà chua, cà rốt, khoai tây, củ cải, dưa leo… trăm nơi một kiểu.
Phát hiện nho nhỏ đã mở ra cho Nguyên con đường khởi nghiệp. Anh lên phương án trồng những loại rau củ kích cỡ nhỏ đang được ưa chuộng ở các nước phát triển nhưng chưa được biết đến nhiều tại Việt Nam. Ý tưởng nảy ra, Nguyên lập tức liên lạc với các nông trại tại Mỹ mà lúc còn học đại học anh hay đến học việc để mua giống nhập về Đà Lạt.
Nguyên giải thích cho quyết định trồng những loại rau củ tí hon của mình: “Nếu trồng cà rốt, trồng bắp cải chắc chắn một thằng trẻ mới tập làm nông không thể nào bằng những nông dân đã có hàng chục năm kinh nghiệm. Các kênh phân phối như siêu thị, chợ đã chật kín, các doanh nghiệp sản xuất nông sản tại Lâm Đồng phải chen chân tìm chỗ đứng. Phải chọn cách làm khác, tôi chọn việc làm cho nông sản Đà Lạt trở nên đa dạng”.
Lúc gửi email mua giống, chủ các trang trại tại Mỹ đồng ý chia sẻ hạt giống nhưng tỏ ý đầy nghi ngờ về khả năng thành công của anh.
Nguyên tin rằng con đường mình chọn đi là riêng biệt. Độc, lạ là hai tiêu chí khởi nghiệp anh đặt ra. Tiếp theo Nguyên tiếp tục đi tìm những nông dân trẻ để cùng hợp tác.
Nguyên nói: “Giống mới hoàn toàn nên phải cần người trẻ để tiếp thu quy trình nhanh hơn và có sáng kiến để giống lạ mau thích ứng với thổ nhưỡng địa phương”.
Sau hai năm, Nguyên đang có trong tay hơn 5ha trồng khoảng 10 loại nông sản tí hon như dưa leo baby, cà chua cocktail, cà chua cherry, cà chua trắng, cà chua đen, củ cải đỏ, cà rốt baby…
Đến nay mỗi tháng nông trại của Nguyên cung ứng khoảng 5 tấn rau củ, có mặt ở các siêu thị, cửa hàng và những nhà hàng khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế trên cả nước.
Cà chua trắng tí hon vừa được trồng ở trang trại – Ảnh: Mai Vinh |
“Đặc sản baby” và ước mơ lớn
Có giống mới lạ là một chuyện nhưng để trồng được trên đất Đà Lạt là chuyện khác. Bắt tay vô làm, Nguyên chủ quan khi quá tin vào những cuốn thông tin hướng dẫn do nhà sản xuất giống ở nước ngoài cung cấp mà không lưu ý đến thổ nhưỡng Đà Lạt.
Mùa đầu tiên, Nguyên xuống giống ồ ạt và ôm “quả đắng”, đa số sản phẩm làm ra không đạt chất lượng: dưa leo baby ruột chua như chanh, cà chua cocktail chưa chín đã nứt vỏ, hay củ cải đỏ đến kỳ thu hoạch lột vỏ ăn thử thì không có vị, nhạt như nước. Như chiếc xe đang chạy sụp ổ gà chựng lại, anh vội bàn với các cộng sự của mình đi tìm hiểu nguyên nhân.
Hai vụ tiếp theo, thất bại vẫn đeo bám nhóm làm việc của Nguyên, nhưng đến cuối năm 2012 thì mọi chuyện đã khác. Và Nguyên có trong tay những quy trình chuẩn do chính mình và các cộng sự xây dựng. Mô tả những khó khăn ngày đầu, anh nói: “Mình đi con đường mới thì phải chấp nhận vất vả, mày mò do giống chưa được thử nghiệm ở Đà Lạt trước đó”.
Có được rau củ đạt chuẩn, nhưng để bán được là chuyện khó, nhất là khi ở Việt Nam chưa nhiều người biết đến xu hướng dùng những loại củ quả tí hon như một loại trái cây đang phổ biến ở nhiều nước. Có người còn đồn thổi những loại trái cây tí hon là do đột biến gen mà có.
Nguyên kể những ngày đầu mang loại nông sản vừa lạ vừa quen đi chào bán, khách hàng nhìn Nguyên với ánh mắt nghi ngại. Có ông chủ nhà hàng cầm củ cà rốt baby ngang mặt săm soi rồi cười. Nguyên lấy củ cà rốt nhỏ xíu nhai ngon lành, giải thích đó là loại nông sản dành để ăn sống. Cứ thế, Nguyên và cộng sự đi khắp nơi chào hàng.
Chào hàng xong, Nguyên lắng nghe doanh số tăng lên từng nhịp. Cứ mỗi ngày bán thêm dù chỉ 1kg Nguyên cũng mừng vì những món nông sản tí hon quen quen lạ lạ đang có thêm người biết đến.
Đi dọc những hàng cà chua baby thẳng tắp được trồng trên giá thể, Nguyên bảo: “Rau củ tí hon dùng để ăn sống, Nguyên muốn phải sạch ngay từ trên cây nên tiền lãi bán rau Nguyên đổ ra đầu tư nghiên cứu trồng trên giá thể”.
Ở nông trại của Nguyên, đa số rau củ được trồng trên những giá thể từ xơ dừa đã được làm sạch và chăm sóc bằng hệ thống phun sương, tưới nhỏ giọt. Trồng theo cách này cũng là để Nguyên tiết giảm tối đa lượng phân bón có thể tồn dư trong nông sản của mình.
Đứng từ đỉnh cao nhất của nông trại nhìn ra những khu vườn cách đó không xa, hàng chục nông dân kéo dây đi bơm thuốc. Thuốc theo những cơn gió khó tính, quật đi quật lại vào người bơm.
Nguyên quay lại nói: “Người tiêu dùng chưa bị ảnh hưởng thì nông dân đã bị trước rồi. Làm nông như vậy là bán sức kiếm sống chứ không phải bán rau đâu”. Dứt lời, Nguyên lại kể say sưa về những nông trại kiểu Mỹ. Đó là giấc mơ không dứt và Nguyên đang đi tìm nó, từng bước một.
Nguyên cho hay anh đang từng bước biến trang trại của mình thành “trung tâm” liên kết với nông dân. Nguyên sẽ tìm đến những hội chợ nông sản và tìm hiểu giống mới, những thành quả của nông nghiệp kỹ thuật cao các nước.
Nếu giống nào lạ, có thể phù hợp thì mang về Đà Lạt tìm hiểu, xây dựng quy trình theo quy chuẩn sản xuất nông sản sạch. Sau đó trang trại sẽ chuyển giao cho nông dân liên kết và hỗ trợ kỹ thuật.
Mục tiêu của anh là mỗi năm Đà Lạt sẽ xuất hiện hai giống mới có nguồn từ trang trại của mình. Năm 2014, Nguyên đã hoàn thành chỉ tiêu khi đón lứa cà chua trắng đầu tiên đưa ra thị trường và chuẩn bị đón những quả cà chua đen. Cà chua trắng và đen đều có kích cỡ nhỏ hơn cà chua bình thường trên thị trường từ năm đến mười lần.
|
MAI VINH
(TTO)
Bình luận (0)