Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chàng trai đi bộ xuyên Việt, hiến tạng cứu người

Tạp Chí Giáo Dục

Kết thúc hành trình hơn hai tháng đi bộ xuyên Việt của mình, Trần Hữu Dương đã đến Trung tâm Điều phối về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tạng.

Sáng nay, 13-7, Trần Hữu Dương, chàng trai vừa kết thúc hành trình đi bộ xuyên Việt của mình đã đến Trung tâm Điều phối về ghép bộ phận cơ thể người (BV Việt Đức) để làm thủ tục đăng ký hiến tạng.

Dương sinh năm 1990, là người đã thực hiện hành trình đi bộ xuyên Việt từ Cà Mau đến Lạng sơn trong suốt hơn hai tháng ròng rã.

Ngoài việc trải nghiệm một hành trình đã ấp ủ, Dương còn thực hiện việc gây quỹ trên những hành trình mình đi qua.


ThS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đã trao thẻ hiến tạng cho Dương.

“Em biết đến việc hiến tạng nhờ anh Khương, cũng là người đã hiến tạng kể về câu chuyện của mình. (Khương chính là chàng trai nặng 37 kg đã rong ruổi đạp xe hơn 2.000 km để đăng ký hiến sống một phần cơ thể mình). Em có đọc một câu nói “Nếu chết đi có thể cứu được một số người thì em không suy nghĩ gì nữa và quyết định mình phải đi hiến tạng” – Dương chia sẻ.

Dương cũng cho biết thêm khi đề cập đến việc này với mẹ, anh đã không nhận được sự đồng tình của mẹ, nhưng điều đó không làm Dương thay đổi quyết định của mình.

Sau khi được các bác sĩ của trung tâm tư vấn về thủ tục cũng như những vấn đề liên quan, Dương đã đặt bút ký vào đơn xin hiến tạng.

Tại đây, ThS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đã trao thẻ hiến tạng cho Dương. “Đây là thẻ ghi nhận việc bạn việc đăng ký. Nếu một ngày nào đó chúng ta hết tuổi thọ thì thẻ này là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng trong lĩnh vực y tế và CSGT biết được để báo cho cơ sở y tế”, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Phúc nói.

Ông Phúc cũng nhấn mạnh việc đăng ký hiến tạng là xác nhận tâm nguyện của người hiến đã thành công, còn chuyện lúc nào hiến được, đó là câu chuyện của ngày mai, không thể nói trước được.

“Hiến tạng là quyền của bạn. Còn lấy được hay không, lấy như thế nào là chuyện của ngành y tế, câu chuyện của ngày mai. Cho nên chúng ta đừng lo lắng nếu chúng ta 100 tuổi tạng của tôi không dùng được thì sao, đó là chuyện của ngành y tế”, ThS Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh.

VIẾT THỊNH/ PLO

Bình luận (0)