Hình ảnh anh Trung chở theo mấy nhóc 3 – 4 tuổi mỗi sáng đi chợ mua thức ăn đã trở nên quen thuộc với người dân Gia Nghĩa, Đắk Nông.
“Người cha” xăm mình
Theo lời của anh Trung, khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh từng là người quậy phá, trốn học, đánh nhau, hút thuốc, đua xe… Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Mỹ thuật, thay vì về quê dạy học, Trung lên Hà Nội để được sống với niềm đam mê cháy bỏng là xăm mỹ thuật trên cơ thể (còn được gọi là tattoo). Khi ấy ở miền quê lúa Thái Bình, xăm hình là một cái gì đó xa xôi mới mẻ và có vẻ “giang hồ”. Anh khoác ba lô lên và đi lang thang khắp miền Nam, Bắc. Rồi vòng quay của duyên số đã khiến anh dừng chân ở thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông). Giữa gió núi vùng Tây Nguyên đại ngàn, anh vô tình gặp một cậu bé đang lả đi vì đói, đôi mắt lạc lõng.
Ngô Quang Trung ( áo đen) bên những đứa con đầu lòng. |
Động lòng thương cảm, chàng thanh niên chưa lập gia đình này quyết định nhận cậu bé làm con.Bước chân phiêu bạt đưa anh Trung tới trung tâm từ thiện Bạch Tuyết (phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Nơi đây, anh gặp những mảnh đời bất hạnh, những số phận bơ vơ từ trong nôi, không hiểu vì sao khi ấy anh thấy trong lòng thật xót xa.
Một lần đến thăm Trung tâm từ thiện Bạch Tuyết, anh Trung đã ở lại chơi với các bé. Anh vẽ tranh lên tường tặng các bé. Khuôn mặt lấm lem và những ánh mắt háo hức của bọn trẻ khi nhìn các bức vẽ đã khiến anh hết sức cảm động.
Dạy các con học. |
Rồi sau những giây phút lâng lâng hạnh phúc ấy, anh Trung quyết định dành toàn bộ tâm huyết, thời gian để chăm sóc và dạy dỗ chúng như duyên phận. Thời gian thấm thoắt trôi qua, hình ảnh ông bố trẻ chăm sóc cho 23 đứa con đã quen thuộc trong mắt của người dân vùng Đắk Nông, với biệt danh ông bố “đông con nhất làng”.
Nấu cơm cho các con ăn. |
Làm cha của một đứa trẻ đã khó, chăm sóc một lúc cho hơn 20 đứa trẻ lại càng khó hơn. Rồi có những lần các con ốm đau phải vào nhập viện, anh luôn túc trực ở bệnh viện để chăm sóc các con đến khi khỏi bệnh. “Chăm con quả thực không đơn giản, đến cách thay tã cũng phải học. Nhưng rồi bản năng đã dẫn dắt tôi để tôi ôm ấp và nuôi nấng chúng. Và thành quả ấy đền đáp tôi đó là lần đầu tiên nghe con gọi “ba”. Cảm giác ngượng ngùng nhưng thật hạnh phúc” – anh Trung bộc bạch.
Gieo mầm yêu thương
Ngoài anh Trung còn có các dì, các nhân viên giáo dục, đặc biệt là bác giám đốc luôn tận tình theo dõi tình hình học tập và phát triển của các con nên mọi thứ dần đi vào nền nếp. Hiện nhiệm vụ chính của “ba” Trung là kiếm tiền về nuôi các con và chăm sóc chúng cùng ba cô bảo mẫu và ba tình nguyện viên. Anh xăm hình, vẽ tranh và viết chữ thư pháp để có thu nhập. Khách hàng trả tiền hay trả gạo, sữa, mì tôm… anh đều vui vẻ nhận. Trung cho rằng đây cũng là cách để khách hàng của anh có thể đóng góp một phần công sức vào những việc làm có ý nghĩa cho xã hội.
Những em bé trong tuổi đi học ở trung tâm đều được đến trường ngày hai buổi như các bạn bình thường khác. Bé lứa tuổi mầm non không đi học, ban ngày anh Trung đưa các con lên cửa hàng xăm để tiện trông nom và đặc biệt dạy chúng vẽ, hát khi không có khách. Chiều anh Trung chở bọn trẻ về lại trung tâm, nấu nướng, cho ăn. Sau bữa tối, Trung lại chở bọn trẻ lớn đến cửa hàng của mình để dạy học thêm cũng như hướng dẫn làm bài. Khoảng 21h30, anh đưa bọn trẻ về trung tâm ngủ.
Nói về những việc mình đã làm, anh Trung chia sẻ: “Sống ở trên đời không có gì quý hơn tình nghĩa con người. Mỗi đứa con nuôi đến với tôi có hoàn cảnh khác nhau. Đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứa thì vẫn còn bố hoặc mẹ, lại có đứa bố mẹ vẫn còn sống nhưng do hoàn cảnh gia đình quá nghèo khổ, không đủ khả năng nuôi. Dù thế nào, chúng cũng đáng được yêu thương, chăm sóc. Tôi sẽ cố gắng nuôi dưỡng để chúng nên người”.
Chia tay với anh Trung, tôi chợt nhận ra hạnh phúc chẳng ở đâu xa, đôi khi nó chỉ là những điều gần gũi, bình dị trong cuộc sống của chúng ta. Đó là khi bạn biết yêu thương, biết quan tâm, sẻ chia với mọi người, biết đặt niềm tin vào cuộc sống. Bởi trên tất cả, hạnh phúc là do cảm nhận của mỗi người và hạnh phúc sẽ đến với ai biết nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống và nhìn cuộc sống với trái tim đầy ắp yêu thương.
Theo PNO
Bình luận (0)