Học đến cuối năm 3 ngành Quản trị Kinh doanh, Phan Thanh Duy (sinh viên Trường ĐH Hoa Sen) nghĩ đến việc kinh doanh và quyết định tạm ngưng việc học. Phải bắt tay làm ngay, anh chia sẻ: “Điều bạn mong muốn ngay tại thời điểm đó chính là điều bạn làm tốt nhất”.
Cái sợ ám ảnh
Ngay tại thời điểm đó, ý muốn kinh doanh của Duy vấp phải sự phản đối của gia đình, đặc biệt là từ mẹ. “Mẹ muốn mình phải có tấm bằng đại học để có thể đảm bảo tương lai. Nhưng bản thân mình lại có suy nghĩ khác. Đứng trước lựa chọn đó, mình rất ấn tượng với câu nói: Hai mươi năm nữa, bạn sẽ hối tiếc về những điều bạn chưa làm hơn là những điều bạn đã làm. Với số vốn dành dụm được, mình mở một quán cà phê nhỏ ở quận 1, TP.HCM để quen với việc kinh doanh. Dù khá chật vật nhưng mình vẫn đưa quán hoạt động ổn định”, Duy chia sẻ.
Bước ngoặt đến với Duy khi một người bạn khoe chiếc nón mới mua từ nước ngoài về. Duy và người bạn mở hộp, tìm hiểu về sản phẩm thì cả hai mới vỡ lẽ vì dòng chữ “Made in Vietnam”. Vì dù được sản xuất trong nước nhưng sau khi “đi vòng”, sản phẩm này lại ngẫu nhiên được bán với giá cao ngất và gắn mác hàng ngoại.
“Với cá nhân mình, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng rất tốt nhưng vẫn không thể chinh phục được thị trường nội địa. Từ đó, mình nảy ra ý tưởng xây dựng một sản phẩm có thể xuất bán ra nước ngoài, để mọi người nhìn nhận đúng chất lượng của dòng chữ “Made in Vietnam””, Duy kể.
Khi tìm hiểu nhu cầu của khách hàng nước ngoài, đặc biệt là các nước Anh, Úc, Mỹ… Duy thấy rằng họ thích mua, sưu tầm các sản phẩm độc đáo, ít người làm và phải thể hiện được cá tính bản thân. Ngay lập tức, anh chàng nghĩ đến chiếc nón snapback mà những người bạn thuộc cộng đồng underground hay dùng. Để làm khác biệt hơn các sản phẩm đang có trên thị trường, Duy mày mò, thử nhiều phương pháp.
Cuối cùng, anh tìm ra được ý tưởng thay thế logo trên chiếc nón. Mỗi logo sẽ là một biểu tượng khác nhau và người dùng có thể thay thế tùy cảm hứng. Logo sẽ được đính chặt bằng nam châm may ẩn bên dưới lớp vải trên nón. Duy còn thiết kế một bộ phận cản từ để làm giảm sự ảnh hưởng của nam châm đến đầu. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng, Duy còn mang nón đi kiểm nghiệm ở các chuyên gia sức khỏe để chắc chắn từ trường của nam châm không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Duy tâm sự: “Khi chia sẻ ý tưởng này với bạn bè, nhiều người bảo mình viển vông, bị khùng vì làm chuyện rảnh rỗi. Thậm chí, mình bị cái sợ ám ảnh: sợ thất bại, sợ mất trắng, sợ đi sai đường nhưng nghĩ về sự lựa chọn ban đầu, về việc muốn khẳng định với gia đình con đường của mình, Duy phải nỗ lực hơn. Một mình chạy đôn đáo khắp Sài Gòn để tìm nguyên, vật liệu làm sản phẩm, tìm nhóm mới hỗ trợ thiết kế, quay clip giới thiệu, cắt laser mẫu… Thật sự, mình rất may mắn khi tìm được nhóm bạn đồng ý chạy theo ý tưởng "khùng điên" của mình. Khi những chiếc nón đầu tiên ra mắt dưới cái tên Grimm DC, mình đã trả lời được hết những hoài nghi mà mọi người đặt lên mình”.
“Chuyên làm liều”
Vốn theo học về kinh tế, khi thiết kế các mẫu nón, Duy phải học lại từ đầu, đối mặt với vô vàn khó khăn như thuyết phục nhà đầu tư, tìm nơi gia công các sản phẩm mẫu ban đầu… Đổi lại, ngay khi ra mắt, Thanh Duy đã bán hết hơn 300 sản phẩm và nhận nhiều đơn đặt hàng cả trong và ngoài nước.
“Những khó khăn ban đầu khi thực hiện một điều gì đó sẽ mang đến những trải nghiệm, ở từng thời điểm cụ thể. Trong suốt quá trình thực hiện, mình khá buồn vì nhiều người vẫn chưa tin tưởng vào người trẻ khởi nghiệp. Họ từ chối hoặc đồng ý làm nhưng làm cho có lệ. Những gì được học ở giảng đường thật ra vẫn rất hàn lâm. Khi lăn vào thực tế, mọi việc lại khác hoàn toàn. Như việc thực hiện clip giới thiệu sản phẩm của mình, clip dài chỉ 3 phút nhưng mình mất gần 6 tháng thực hiện. Toàn bộ quá trình, mình phải tự học, tự làm và may mắn là nhận được nhiều phản hồi tốt”, Duy bộc bạch.
Nhiều khách hàng cầm sản phẩm của Duy nhưng vẫn không tin đó là hàng do người Việt sản xuất. Bản thân Duy vẫn chưa cho rằng mình thành công. Dù vậy, Duy lại cho rằng mình thành công với chính cái tôi của mình. Anh tươi cười kể: “Bản thân chỉ có cái “chuyên làm liều”. Mình từng đi dạy piano, đạo diễn các chương trình… mỗi thứ biết một chút, hỗ trợ cho nhau. Tuy vậy, Duy vẫn sẽ trở lại giảng đường để hoàn thành chương trình học còn dang dở. Lý do thứ nhất là để cho mẹ an tâm về mình. Thứ hai là để có kiến thức nền chắc hơn cho những dự định tương lai của bản thân”.
Thuận Tùng – Bình Nguyễn (TNO)
Bình luận (0)