Anh là một chàng trai tật nguyền, lưng gù, nhưng nghị lực của anh đã khiến nhiều người cảm phục. Chẳng những khắc phục khó khăn cho bản thân mà còn quyết đi học nghề, mang nghề về thôn, xã và giúp hàng trăm người dân có việc làm. Anh là Đặng Tuyến, ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, Thái Bình.
Người tật nguyền có chí
Tuyến giờ bận bịu với công việc, được coi là "linh hồn” của gia đình và biết bao bà con lối xóm. Nghề làm tăm và hương của anh, tuy chưa mang lại sự giàu có cho ai, nhưng hàng trăm người cũng nhờ đó mà được sống và làm việc ở quê nhà, đỡ cảnh đói khát, đỡ cảnh phải ra thành phố làm thuê làm mướn như hàng chục, hàng trăm người ở Thái Bình đã đi khắp nơi mưu sinh.
Năm 13 tuổi (1986), tuyến đang là một cậu học sinh giỏi thì mắc bệnh viêm đa khớp. Dù gia đình đã đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình chẳng những không khỏi mà ngày một nặng hơn, cơ chân Tuyến bị teo dần, cột sống bị co rút lại. Cuối cùng cậu bị liệt toàn thân, lưng bị gù, chỉ có đôi tay còn cử động. Bệnh tật quái ác ghì chặt Tuyến ở một chỗ, vẩn vơ buồn tủi. Một ngày nghe trên đài, được biết một người đàn ông đã vượt lên nỗi đau tật nguyền để làm người có ích. Lúc đó, nỗi khát sống đã thúc đẩy Tuyến quyết tâm khắc phục khó khăn để vận động được cơ thể. Cậu lấy dây cao su lồng vào hai chân rồi buộc vào thành giường, sau đó, từ từ đẩy chân về hai phía, giúp chân lấy lại cảm giác. Động tác đơn giản ấy, với Tuyến cũng thật vất vả và khó khăn. Đôi chân đã cứng và trơ ra như đá. Nhưng rồi, cậu đã có thể làm cho đôi chân có cảm giác, cựa quậy được. Tuyến lại tập đi bằng hai tay, tập bò và di chuyển bằng hai chiếc ghế gỗ thấp.
Năm 2000, khi đã là một chàng trai, Tuyến đến Trung tâm người khuyết tật tỉnh Thái Bình học sửa chữa điện dân dụng. Hình ảnh chàng trai đi bằng hai tay, lưng gù rạp xuống đất, bò từng bước lên tầng hai để học nghề khiến nhiều người vừa cảm động vừa khâm phục. Trải qua hơn một năm học hành cực khổ với cơ thể tàn tạ, anh Tuyến mang nghề sửa chữa điện dân dụng về quê. Sau 6 năm làm nghề sửa chữa điện dân dụng, anh tích cóp được ít vốn, định mở rộng nghề cho cuộc sống khá hơn. Nhưng đất đai ở quê bị thu hẹp, anh lại phải chứng kiến nhiều người ở quê mất ruộng, lũ lượt léo nhau ra phố làm thuê làm mướn, cực khổ trăm đường. Cuối cùng, Tuyến đem quyết tâm đi tìm nghề cho dân.
Tuyến "gù” vươn lên làm ông chủ |
Vượt khó học nghề
Biết Hà Tây (cũ) là đất trăm nghề, anh đã chọn đây là "điểm đến” của mình. Hàng chục ngày hỏi han, đến các làng nghề để "tìm thầy”. Anh gặp nhiều nghệ nhân ở các làng nghề khác nhau, được họ phân tích lợi hại của mỗi nghề để khảo sát, nghề nào hợp với những người nông dân ở Đông Xuân – Thái Bình. Giờ nghĩ lại, anh Tuyến vẫn thấy mình bạo gan: "Ngày thì đi cùng bạn để tìm hiểu, tối lại tìm chỗ trọ nghỉ ngơi. Bao nhiêu làng nghề, không thiếu. Nào thêu thùa, đan lát, sơn mài, tăm hương… Hà Tây là đất có nhiều nghề tôi muốn học, cuối cùng tôi đã chọn tăm hương để học. Tôi đã tìm vào một gia đình sản xuất tăm hương lớn ở huyện Ứng Hòa. Bà chủ đồng ý, nhưng khi tôi trình bày hoàn cảnh, nói sẽ mang nghề về quê, bà ấy ngạc nhiên kinh khủng.
Khi học xong, Tuyến lại làm gia đình mình kinh ngạc. Tuyến đề nghị với bố mẹ cho được mở xưởng sản xuất. Đến nỗi, hai ông bà thân sinh ra Tuyến nghĩ con mình dở chứng cuồng ngộ. Bởi chân liệt, người yếu, làm sao gánh vác được công việc. Sau, thấy con phân tích hợp lý, có chí khí, hai ông bà gật đầu. Bà chủ Nguyễn Thị Là ở Ứng Hòa, thấy Tuyến là người có nghị lực, quyết tâm cao nên cảm thương, giúp đỡ anh thêm về kỹ thuật. Lại hứa sẽ cử người về tận Thái Bình để dạy nghề cho dân theo đề nghị của anh.
Với số tiền hơn 20 triệu đồng tích cóp được từ 6 năm làm nghề sửa chữa điện dân dụng, cộng với gần 50 triệu đồng gia đình được đền bù đất, Đặng Tuyến đã đứng ra đầu tư. Anh thuyết phục được cán bộ xã Đông Xuân cho mượn sân trụ sở Ủy ban nhân dân để mở lớp dạy nghề cho bà con. Rồi từ đó, vay thêm tiền bạn bè mua nguyên liệu, lại được UBND xã cho mượn nhà kho cũ để chứa nguyên liệu. Ngày khai giảng lớp dạy làm tăm hương, hơn 200 người dân đã háo hức theo học. Những ngày đầu, anh lo mất ăn mất ngủ. Đầu tư vào cả đống tre pheo, bương vầu… chẳng may phá sản thì chỉ có nước đi ăn mày.
|
Đầu tư giúp dân
Cuối năm 2007, dù khó khăn, cơ sở của chàng trai lưng gù đã đi vào hoạt động. Tạo việc làm cho 400 người dân trong xã, thu nhập trung bình khoảng 500.000 đồng/người/tháng. Hiện nay, cơ sở của Tuyến xuất sang thị trường Trung Quốc 6 tấn tăm hương mỗi tháng. Khi tôi hỏi, tại sao anh lại chọn nghề tăm hương mà không phải nghề nào khác. Anh nói: "Nghề này không cần học hành cao siêu, kỹ năng kỹ xảo mất thời gian như thêu thùa, sơn mài. Rất dễ học mà nhanh làm được việc. Ở khu vực này lại chưa có ai làm”.
Với Tuyến, công việc này cứ duy trì được là tốt. Nghề chẻ tăm hương là nghề lấy công làm lãi. Chỉ dùng tay chân và dao để chẻ những khúc tre được pha nhỏ ra để làm tăm cho những cây hương. Ngoài ra, anh Tuyến cũng làm hương thơm có thương hiệu của riêng mình để phát triển cơ sở. Nhiều bà con cứ nhận tre về, tự chẻ rồi đem đến anh Tuyến cân, bán trong nước và xuất khẩu. Trong làm ăn, anh luôn sòng phẳng nên người dân tin tưởng. Trước đây, nhiều người đã từng nghi ngờ ở khả năng của một người tàn tật như anh. Giờ họ tin anh làm được việc, tin ở đức tính lương thiện và lòng thương người của anh. Cho đến nay, cái khó khăn là có một người vợ thì Tuyến cũng thực hiện được rồi. Một tình yêu chất phác và mộc mạc. Đám cưới diễn ra trong niềm vui và sự xúc động. Đặng Tuyến đã vượt qua bản thân, sự trì trệ của bệnh tật và lấy được lòng tin của bà con trong xã. Tình yêu đến với anh cũng bất ngờ và cảm động. Đó là phần thưởng vô cùng quý giá đối với anh. Ước mơ mở rộng sản xuất, xuất khẩu tăm hương sang nhiều nước là nỗi trăn trở khôn nguôi của Tuyến. Anh bảo mình sẽ từ từ tính toán để làm việc đó. Đơn giản, anh còn đôi tay, khối óc và nghị lực không chịu khuất phục trước khó khăn. Bao nhiêu trắc trở, bao nhiêu khó khăn ở cuộc đời này anh đã trải qua rồi, đã chiến thắng vẻ vang. Anh còn nhiều trăn trở, làm làm sao mở rộng sản xuất, xuất khẩu để tăng thu nhập cho bà con. Tôi tin, anh cũng sẽ làm được nhiều việc hơn thế nữa. Những tấm giấy khen đỏ chót của các cấp tỉnh Thái Bình đủ để làm nguồn động viên và ghi nhận những công lao Tuyến đã đạt được. Tôi hy vọng, anh còn làm được nhiều điều có ý nghĩa hơn nữa không chỉ cho riêng gia đình, họ mạc mà cho nhiều người ở xã Đông Xuân và các xã lân cận.
Theo Diên Khánh
(daidoanket)
Bình luận (0)