Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Chàng trai tật nguyền làm ông chủ vườn ươm

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi tốt nghiệp đại học, Trần Kim Việt (24 tuổi) – một thanh niên tật nguyền – đã từ bỏ những lời mời hấp dẫn, mà về quê xin đất vườn của cha mẹ để xây dựng một vườn ươm cây chất lượng.

Việt chăm chút ươm từng cây giống – Ảnh: V.Định

Sau bốn năm, Việt đã trở thành ông chủ vườn ươm cây giống với diện tích trên 5.000m² đủ chủng loại, từ cây ăn quả đến cây lâm nghiệp, cây dược liệu…

Nghị lực không ngừng

Ðến xóm 5, xã Hương Long (Hương Khê, Hà Tĩnh) hỏi Việt vườn ươm ai cũng biết bởi từ nhỏ Việt là một cậu bé bị thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa khi bị teo cơ chân trái, đi lại rất khó khăn. Ngoài ra gia cảnh của Việt cũng ngặt nghèo khi bố nhiễm chất độc da cam, mẹ bị bệnh tim phải thường xuyên dùng thuốc.

“Hồi nhỏ nhìn một chân to, chân nhỏ mình cứ nghĩ sẽ bị bạn bè phân biệt, trêu chọc rồi sớm bỏ học. Vì thương bố mẹ bị bệnh, ba em nhỏ nheo nhóc, mình tự nhủ lòng phải vượt qua…” – Việt nhớ lại.

Thời gian đi học, Việt rất khốn khổ mỗi lần lớp chuyển lên tầng học, phải đi cầu thang. Không muốn làm phiền bạn bè, Việt quyết tâm về nhà học “trồng cây chuối” để leo cầu thang bằng hai tay. Việt kể nhiều lần tập “trồng cây chuối” bị ngã té đau nhừ cả người, có lần tưởng bị sái tay. Không lâu sau, Việt lên cầu thang được bằng đôi tay.

Anh Nguyễn Trọng Thương, bí thư Huyện đoàn Hương Khê, cho biết nhờ đam mê học tập và khát khao vượt qua cuộc sống, thành tích học tập của Việt được bạn bè khâm phục. Suốt 12 năm học phổ thông, Việt luôn đạt học sinh giỏi và thực hiện được giấc mơ vào giảng đường ÐH.

Vì hoàn cảnh, năm đầu học ÐH Vinh, Việt phải tranh thủ ban đêm đi làm gia sư để có tiền trang trải chi phí phòng trọ, cơm nước hằng ngày. Nhờ những nỗ lực học tập, Việt tốt nghiệp một lúc hai bằng đại học (nông – lâm ngư và công nghệ thông tin). Vừa qua, Việt tiếp tục bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về khoa học cây trồng.

Viết giấc mơ ở quê

Sau khi tốt nghiệp đại học, Việt từ bỏ lời mời lương hấp dẫn vào Ðồng Nai làm việc để về nhà viết giấc mơ trên mảnh vườn hoang hóa của bố mẹ.

Khi ở giảng đường, Việt từng tham gia đề tài nghiên cứu kỹ thuật tạo trầm cho cây trầm hương và được thầy cô đánh giá rất cao. Nhưng khi về quê để thực hiện “giấc mơ” Việt gặp rất nhiều khó khăn.

Bố Việt, ông Trần Kim Minh, kể: “Ngày biết con tốt nghiệp đại học không chịu vào Nam làm mà nằng nặc đòi về quê lập nghiệp, biến mảnh vườn hoang của nhà thành vườn ươm cây giống thì tôi không tin vì nó chỉ có hai bàn tay trắng. Ai ngờ bốn năm sau nó lại làm được”.

Ðể trở thành ông chủ vườn ươm cây, ngày đầu Việt đi sửa máy tính, làm thuê dành dụm tiền mua hạt giống cây về ươm. Hay để đưa được những giống cây về bán cho bà con trồng hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, Việt phải nhờ người vay mượn tiền để vào Nam hay ra Bắc ăn ngủ hàng tháng trời để nắm được đặc tính và phương pháp ghép cây.

Theo Việt, dó trầm là loại cây khó ươm vì sâu bệnh, nấm nhiều. Ðể khắc phục nhược điểm này, Việt lấy cát phơi qua nắng làm sạch mầm bệnh, rồi phun dung dịch khử mới gieo hạt. Trồng cây dó trầm là để lấy trầm, nhưng không phải cây nào cũng cho trầm.

Nhờ tham gia nghiên cứu phương thức dùng chế phẩm sinh học và tạo vết thương trên thân cây, rễ cây để tạo ra trầm, Việt đã hướng dẫn cho rất nhiều người dân tạo trầm. Ðể mọi người yên tâm, ngày đầu gầy dựng vườn ươm, Việt đã vay mượn mua 200 cây trầm hương hơn tám năm tuổi, áp dụng kiến thức vào khoan tạo trầm gửi cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện chăm sóc, bảo vệ.

Nay nhìn vườn ươm của Việt thật đa dạng, có nhiều giống cây quý như: dừa xiêm lùn, mít siêu sớm, sưa đỏ, vàng tâm, lát hoa, đinh lăng, ba kích, sinh địa. Ngoài vườn ươm tại quê nhà, Việt còn hợp tác trồng cây ở một số tỉnh, thành phố khác như: 3ha cây đinh lăng ở Ðắk Nông, 6.500 cây trầm hương (tạo trầm hơn hai năm) ở TP.HCM, 500 cây trầm ở Nghĩa Ðàn (Nghệ An)…

“Nhờ kiến thức đã học, mình muốn về quê áp dụng nghiên cứu khoa học xây dựng một vườn ươm giống cây chất lượng với đủ loại cây. Tất cả chỉ mong muốn giúp đỡ bố mẹ, giúp bà con nông dân nâng cao đời sống” – Việt chia sẻ.

VĂN ÐỊNH

(TTO)
 

Bình luận (0)