Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Chàng trai từ chối lương 700 USD để nhận 3 triệu đồng/tháng

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 8 năm ra trường, Lê Hồng Việt không chỉ tham gia nhiều dự án với các tập đoàn lớn, ngân hàng hàng đầu thế giới, mà còn đang nắm giữ vị trí giám đốc Giải pháp và Công nghệ (CTO) của Công ty Phần mềm FPT.

Lê Hồng Việt trình bày về định hướng công nghệ của FPT Software tại Ngày hội công nghệ FPT 28/5.

Từ chối lương 700 USD để nhận lương… 3 triệu đồng

Say mê tin học từ năm học cấp 2, cũng chính sự say mê này đã mang về cho cậu học sinh chuyên tin trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn, Hà Tây (nay là Hà Nội) tấm HCV và HCĐ trong kỳ thi Olympic quốc tế Tin học 1998 và 1999. Việt cũng là 1 trong 9 người Việt Nam giành được HCV của các kỳ thi Olympic Quốc tế về Tin học trong giai đoạn từ năm 1989 – 2012.
Tốt nghiệp PTTH, để tiếp tục theo đuổi đam mê công nghệ, năm 1999 Việt được tuyển thẳng vào ĐHQG Hà Nội ngành CNTT. Sau kỳ thứ nhất đại học, Việt xin được học bổng và theo học chuyên ngành phần mềm tại Đại học Sydney (Úc).
Ra trường với tấm bằng Kỹ sư chuyên ngành phần mềm được đào tạo bài bản ở nước ngoài, Việt nhận được không ít lời mời hấp dẫn từ các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt lại chọn đầu quân cho FPT chỉ vì cơ hội được tham gia trực tiếp vào Dự án NEXT G có trị giá trên 6,5 triệu USD với Tập đoàn Petronas.
“Năm 2005, khi về nước mình nhận được khá nhiều đề nghị từ các công ty nước ngoài với mức lương tối thiểu 700 USD/tháng, nhưng có lẽ do máu đam mê công nghệ và sự tò mò về một dự án phầm mềm cho nước ngoài lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ nên đã chọn FPT với mức lương khởi điểm chỉ nhỉnh hơn lương hưu của bố, tương đương khoảng 3 triệu đồng”, Việt tâm sự.
Vừa chân ướt chân ráo nhận việc, Việt được ban lãnh đạo FPT giao ngay vị trí phụ trách kỹ thuật của toàn bộ Dự án trên, đây cũng là dự án có giá trị lớn nhất trong lịch sử làm gia công phần mềm của FPT.
Việt như con thoi kết nối giữa đội làm giải pháp với khách hàng, điều này cũng giúp Việt được tiếp xúc với nhiều mảng công nghệ. Và kết quả là sau khi dự án kết thúc từ vị trí một lập trình viên mới ra trường Việt đã trở thành một chuyên gia về công nghệ Microsoft.
Anh khẳng định: “Việc tiếp thu và chia sẻ kiến thức với những người khác là tối quan trọng, vì khi không được nhận hoặc không tiếp nhận được những kiến thức chia sẻ của người khác thì mình sẽ ngay lập tức bị tụt hậu, mà trong thế giới công nghệ bị tụt hậu thì chẳng khác nào tự sát”.
Để không ngừng nâng cao năng lực công nghệ đồng thời nuôi dưỡng tình yêu với công việc, Việt quan niệm cần phải ra chiến trường, tham gia các trận đánh lớn hoặc đi "trinh sát".
“Hồi năm 2010, khi làm dự án cùng với Microsoft, khách hàng yêu cầu trong vòng 1 tháng phải làm xong khoảng 50 tài liệu phân tích, thiết kế cho 50 ứng dụng, nhưng lúc đó đội làm dự án lại bị hạn chế về nhân lực.
Vậy là cả đội phải tìm đủ mọi phương thức để thực hiện và kết quả là đã thoát hiểm ở phút cuối với 49 tài liệu được hoàn thành và được khách hàng chấp thuận”, Việt nhớ lại.

Đam mê công nghệ đã ăn sâu vào máu

Cũng có giai đoạn dòng máu công nghệ trong cậu kỹ sư phần mềm này có chút “nghẽn mạch”. Đầu năm 2011, Việt quyết định rời FPT Software để cân nhắc giữa việc tiếp tục theo đuổi nghiệp chuyên gia công nghệ hay theo con đường làm quản lý – kinh doanh.
Tuy nhiên, sau hơn một năm rưỡi làm giám đốc điều hành của hai công ty với kết quả không đến nỗi tồi, Việt lại quyết định quay lại với nghiệp làm chuyên gia công nghệ. Năm 2012, Việt lại quay về FPT Software vì lý do rất đơn giản đam mê công nghệ đã ăn sâu vào máu.
“Ban lãnh đạo FPT đã quyết định đầu tư nhiều hơn cho công nghệ và mình cũng mong muốn đóng góp một phần nào đấy cho sự thay đổi này của FPT”, Việt chia sẻ lý do quay lại làm việc tại FPT Software.
Và theo Việt, công việc chiếm ít nhất 1/3 thời gian trong ngày của một người nên không thể nào chỉ coi công việc là một công cụ để kiếm tiền mà trước hết phải thấy được niềm vui, nếu không coi như đã bỏ phí 1/3 thời gian của một ngày.
Đảm nhận vị trí Giám đốc Giải pháp Công nghệ FPT Software, Việt phải gánh trên vai khá nhiều thách thức với nhiệm vụ quan trọng định hướng phát triển công nghệ cho FPT Software; xác định những mảng đầu tư về công nghệ giúp công ty tận dụng được thế mạnh về nguồn nhân lực để mở rộng kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu và xây dựng các năng lực phục vụ bán hàng và triển khai dự án đồng thời góp phần vào các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ công nghệ của FPT Software.
Chàng CTO thế hệ 8X đời đầu chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới: “Ban Giải pháp Công nghệ sẽ tập trung vào 2 mảng chính là Mobility và Cloud, trong đó tập trung vào các công nghệ và dịch vụ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng ứng dụng và chuyển đổi lên các công nghệ này.
Dài hơi hơn một chút là về các mảng liên quan đến dữ liệu lớn (Big Data) bao gồm việc lưu trữ, khai thác và phân tích. Và các công nghệ liên quan đến các thiết bị kết nối thông minh”.
Theo L.A
Dân trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)