Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chàng trai vàng Hóa học từng khóc khi không làm xong bài

Tạp Chí Giáo Dục

Xếp thứ 7 kỳ thi Olypic Hóa học quốc tế năm nay nhưng trước khi nhận huy chương vàng, Đinh Quang Hiếu từng rơi nước mắt buồn bã vì chưa hoàn thành một phần thi lý thuyết.

Trở về từ cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế ở Gruzia với huy chương vàng, Đinh Quang Hiếu lại tất bật với thời gian biểu của năm học cuối cấp ở trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cậu giành được 89,764 điểm, xếp thứ 7/280 thí sinh dự thi của 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. "Em thấy bất ngờ, không nghĩ mình được thứ hạng cao như vậy", Hiếu chia sẻ về thành tích cao nhất đoàn Việt Nam.

chang-trai-vang-hoa-hoc-tung-khoc-khi-khong-lam-xong-bai

Quang Hiếu luyện tập  thực hành thí nghiệm trước kỳ thi Olympic Hóa học. Ảnh: NVCC.

Năm nay, đội tuyển Hóa học gồm 4 thành viên đi thi thì có 2 học sinh lớp 12 là Nguyễn Khánh Duy (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hoá) và Nguyễn Thành Trung (lớp 12, THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định). Hai học sinh lớp 11 là Đinh Quang Hiếu và Phạm Đức Minh (THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam).

Trước đó, giải nhất môn Hóa học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia giúp Hiếu giành "tấm vé" vào đội tuyển thi Olympic quốc tế và có 3 tháng ôn luyện. Giai đoạn nước rút, mấy anh em ăn ngủ cùng đề thi, công thức và liên tục sang phòng thí nghiệm của khoa Hóa, Đại học Sư phạm để thực hành.

Trước khi lên đường, các thầy luôn động viên học trò nỗ lực và không đặt nặng áp lực huy chương bởi hiểu học sinh lớp 11 "căn cơ" chưa vững vàng, chủ yếu đi lấy kinh nghiệm thi đấu làm bước đệm cho năm sau. "Nhưng trong thâm tâm em luôn cổ vũ mình phải giành được huy chương", Hiếu nói.

Các thí sinh phải trải qua 2 phần thi: bài lý thuyết 8 câu và bài thực hành 3 câu. Lý thuyết Hiếu không làm được như ý vì chưa kịp hoàn thành. "Khi bước ra khỏi phòng thi em đã khóc, thấy mình chưa nỗ lực hết sức. Hóa vô cơ là phần kiến thức em nghĩ mình tốt nhất, nhưng lại làm chưa trọn vẹn", Hiếu kể.

Đội tuyển ở lại Gruzia khoảng 10 ngày để thi tài và chờ kết quả nên từ thầy đến trò, ai cũng mang theo… mì tôm để chống đói khi không quen đồ ăn nước bạn. Riêng Hiếu còn mang thêm gói xúc xích, túi bánh ngọt và cà phê lon. Cậu bảo mang theo đồ ăn là quyết định sáng suốt vì bên Gruzia không có cơm, cả đoàn được phục vụ toàn món luộc như bò luộc, gà luộc, cà rốt luộc.

Những gói mì tôm vừa chống đói, vừa làm tăng tình hữu nghị giữa các học sinh dự cuộc thi. Hiếu kể có bữa trưa, mấy thầy trò đang ăn mì tôm trong căng tin chung thì nhóm 3 học sinh người Mỹ đến… xin mì tôm vì cũng không quen với đồ ăn bản địa. Chia sẻ 3 gói mì tôm, đoàn học sinh Việt Nam nhận lại món quà lưu niệm từ những người bạn Mỹ. "Đó là một kỷ niệm cực kỳ thú vị", Hiếu kể và cho biết thích trò chuyện với các bạn Thái Lan vì sự thân thiện.

chang-trai-vang-hoa-hoc-tung-khoc-khi-khong-lam-xong-bai-1

4 thành viên đội tuyển Hóa học Việt Nam dự thi Olympic Hóa học quốc tế mang về 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc.

Đinh Quang Hiếu đam mê Hóa học từ những ngày còn là học sinh cấp 2 trường chuyên Hà Nội – Amsterdamkhi xem những thí nghiệm giản đơn như làm quỳ tím đổi màu. Có hơi hướng thích nghiên cứu hơn nên cậu chọn thi vào trường chuyên Khoa học Tự nhiên. Trong góc học tập của Hiếu dán đầy công thức được viết nắn nót, tủ sách chủ yếu là ấn phẩm như Hóa học & Ứng dụng, Vật lý & Tuổi trẻ.

Bố mẹ đều là công chức, hy vọng sau này con trai sẽ chọn ngành y, nhưng Hiếu thích nghiên cứu sâu về Hóa nên vẫn chưa quyết định. "Em hy vọng không dừng lại huy chương vàng Hóa học mà tiến xa hơn", Hiếu nói. Thần tượng để cậu phấn đấu là đàn chị Vũ Minh Châu, cựu học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên từng liên tiếp giành huy chương vàng Hóa học quốc tế các năm 2008 và 2009.

Có dự định du học nước ngoài nên ngoại ngữ giờ là mối bận tâm lớn nhất của Hiếu. Dù điểm tổng kết ở lớp khá cao, trên 9 nhưng cậu vẫn chưa hài lòng khi giao tiếp ở mức trung bình, chưa tự tin bộc lộ bản thân trước bạn bè quốc tế. Hiếu kể, hôm các bạn Mỹ sang xin mì tôm em đã phải rất cố gắng để nghe hiểu họ muốn gì. Mục tiêu ngắn của cậu là hoàn thành chương trình lớp 12, tiếp tục ôn thi đội tuyển quốc gia Hóa học và đi học thêm tiếng Anh để tự tin giao tiếp.

Phương Hòa (PLO)

Bình luận (0)