Mẫu tem có in hình Trần Nguyễn Trường Sinh
|
Chàng trai trẻ Trần Nguyễn Trường Sinh (vừa tốt nghiệp ngành quản lý kinh tế bằng công nghệ thông tin Trường ĐH Lahti – Phần Lan) đã có thể chuyển về nước những cánh thư mong nhớ bằng chính con tem có in hình mình. Ý tưởng này có cơ hội thực hiện khi Sinh được tham dự Hội nghị thanh niên 2011 của Liên Hợp Quốc.
Trước đó, luận văn tốt nghiệp của em cũng đã được Nhà xuất bản Lambert (Đức) in thành sách và bán khắp các nước châu Âu, châu Mỹ.
Con tem mang “màu cờ sắc áo”
Cầm những cánh bưu thiếp vừa được chuyển về bằng chính con tem in hình con trai mình, ThS. Trần Minh Thư (Hiệu trưởng Trường TH Điện Biên, Q.10) không giấu nổi niềm tự hào. ThS. Thư cho rằng, với những ai làm cha mẹ, không còn hạnh phúc nào hơn sự thành công và trưởng thành của con cái trên đường đời, sự nghiệp.
Năm 2008, vừa tốt nghiệp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cậu học trò Trần Nguyễn Trường Sinh xuất sắc đoạt được học bổng du học Phần Lan ở ĐH Lahti. Đây chính là ước nguyện từ nhỏ của em và cũng là kết quả của một quá trình khổ luyện. Sinh chia sẻ, không ít bạn nhầm tưởng cách giáo dục của Phần Lan giống như “chẳng dạy gì”. Thực tế, để đạt kết quả, bản thân sinh viên phải động não gấp nhiều lần, từ trang bị các kỹ năng tự học, nghiên cứu, so sánh, đối chiếu, phản biện đến việc thi cử nghiêm túc, đạo đức cao trong nghiên cứu. Yêu cầu của chương trình đào tạo khiến sinh viên không chỉ phải tích cực đọc sách củng cố kiến thức nền tảng mà còn tạo thói quen cập nhật tri thức mới liên tục.
“Vì lĩnh vực em học là kinh tế và kỹ thuật nên kiến thức thay đổi từng ngày đòi hỏi mình phải phấn đấu không ngừng. Có những điều vừa học năm nhất đến năm thứ ba đã… lỗi thời, phải cập nhật mới. Ngoài ra, nếu sinh viên năng động và tích cực, có thể mở rộng vốn hiểu biết lẫn mối quan hệ thông qua các hội thảo quốc gia và quốc tế, các cuộc thi” – Sinh chia sẻ kinh nghiệm. Cũng theo Sinh, không ít bạn trẻ vì còn… mơ mộng, nghĩ con đường du học “màu hồng” nên thường bị sốc khi vào thực tế học tập. Vì vậy, các bạn cần chuẩn bị tâm lý tốt, ngoại ngữ và kiến thức nền tảng trước khi muốn hội nhập nền giáo dục quốc tế.
Luận văn hái ra tiền
Con tem có in hình Sinh là chuyện của khoảng thời gian sau này. Trước đó, chàng sinh viên trẻ đã khẳng định năng lực không thua kém của giới trẻ Việt bằng việc chinh phục Nhà xuất bản Lambert (Đức) khi được họ chọn in luận văn tốt nghiệp phát hành ở các nước châu Âu, châu Mỹ.
Cuốn sách có tựa đề Information System Adoption within Vietnamese Small and medium enterprises (Hệ thống thông tin kinh tế trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam) được bán với giá trên 40 bảng Anh/cuốn ở thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ. Đồng thời, tại một website mua bán trực tuyến, sách này được bán khoảng 72 USD.
Sau đó, Sinh được chọn làm một trong 200 thanh niên tiêu biểu đại diện cho các nước thành viên Liên Hợp Quốc tham dự Hội nghị thanh niên 2011 bàn về 8 mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ. Cũng từ đây, chàng trai trẻ có dịp được in hình trên tem và lưu hành thông thường như những loại tem khác.
Trần Nguyễn Trường Sinh và gia đình trong thời khắc sum họp đầu xuân
|
Mùa xuân này ý nghĩa và trọn vẹn hơn với Sinh khi em được về quê hương cùng gia đình đón Tết. Mặc dù luôn xông xáo trước bao nhiêu hoạt động Đoàn hội, thế nhưng cái Tết luôn là “cực hình” đối với Sinh khi phải một mình nơi viễn xứ. Nhớ đợt Tết đầu tiên xa nhà, chàng trai 19 tuổi khi ấy không thể “vượt lên chính mình” vì cảm giác nhớ gia đình, nhớ quê hương khôn tả.
Mê hoạt động phong trào, Đoàn hội nên mùa xuân hễ được về Việt Nam là lại thấy Sinh có mặt trong nhiều chương trình ý nghĩa của trường cũ. “Đối với em, hoạt động Đoàn hội là sân chơi lành mạnh, được học hỏi những điều không có trong sách vở. Nhờ quá trình hoạt động như vậy mà em trưởng thành lên nhiều, biết vượt qua cái tôi để nghĩ xa hơn và vì mục đích chung” – Sinh cho biết. Cũng theo Sinh, hoạt động Đoàn cho em cơ hội thư giãn, vì vậy, việc học cũng trở nên hiệu quả hơn so với “công thức” ngày ngủ 5 tiếng, ăn 1 tiếng và học 18 tiếng… Quả vậy, việc học của em không vì thế mà bị ảnh hưởng, em liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt các năm học phổ thông.
Mẹ là giáo viên dạy nhạc của Trường THCS Lạc Hồng (Q.10), Sinh và cả em gái từ nhỏ cũng đã được thừa hưởng năng khiếu những ngón đàn mềm mại ấy. Bản thân Sinh năm 10 tuổi đã được cup YAMAHA đàn Organ với giải khuyến khích.
Tết này, khi Sinh trở về Việt Nam, “ban nhạc gia đình” nhỏ ấy sẽ dạo cùng nhau những khúc nhạc mừng xuân rộn ràng, ấm áp!
Mê Tâm
Trần Nguyễn Trường Sinh cho biết: “Em sẽ tiếp tục làm việc ở châu Âu một thời gian. Em cũng dự định sau này về Việt Nam sẽ cùng một người bạn mở công ty xuất khẩu hồ tiêu. Đối với tiêu, Việt Nam cung ứng hơn 50% sản lượng thế giới nhưng chủ yếu xuất khẩu thô nên không làm chủ được giá cả”. |
Bình luận (0)