Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Chàng trai Việt từ chối Google, lương ngàn USD để không sơn tường cho người khác

Tạp Chí Giáo Dục

Thoạt nghe câu chuyện về chàng trai sẵn sàng từ chối mức lương 6.000 USD/tháng cùng một vị trí làm việc tại Google để về Việt Nam khởi nghiệp, có lẽ nhiều người cũng sẽ không khỏi ngạc nhiên.

Yên Thanh đang dồn hết tâm sức vào dự án khởi nghiệp của mình
Yên Thanh đang dồn hết tâm sức vào dự án khởi nghiệp của mình
“Nhân tài Đất Việt”, “Gương mặt trẻ tiêu biểu 2015”, “Giải Nhất cuộc thi Lập trình sinh viên Quốc Tế ACM/ICPC khu vực châu Á 2015” … là một số trong rất nhiều những giải thưởng lớn nhỏ trong bảng thành tích đồ sợ của chàng trai Lê Yên Thanh sinh ra và lớn lên ở An Giang, cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Anh chàng được mệnh danh là “chiến binh săn giải thưởng”, với gần 100 giải thưởng tin học trong nước và quốc tế. Thanh còn giành được một trong ba vị trí thực tập tại tập đoàn Google.
Tưởng chừng như tương lai của chàng trai trẻ sinh năm 1994 sẽ gắn liền với những ngày tháng tại thung lũng Silicon mà bao lập trình viên trên thế giới mơ ước, thì Thanh bất ngờ từ chối mức thu nhập 6.000 USD/ tháng để trở về Việt Nam thực hiện ước mơ start-up của mình với dự án “Umbala – Đấu trường ngôi sao”.
Chàng trai Việt từ chối Google, lương ngàn USD để không sơn tường cho người khác - ảnh 3

Chấp nhận khó khăn để thỏa mãn ước mơ
Đam mê từ nhỏ, nhưng phải lên lớp 10 khi vào học ở trường chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), Thanh mới được học tin học. Thấy cậu học trò mê môn học này, nhiều giáo viên đã tạo điều kiện giúp nâng cao kiến thức.
Với đam mê cộng thêm năng khiếu, Yên Thanh đã có những thành quả đầu tiên với phần mềm quản lý nề nếp học sinh được thiết kế hiệu quả với bảng xếp hạng hàng tuần các lớp, thống kê vi phạm và xếp hạnh kiểm cho từng học sinh.
Sau khi được tuyển thẳng vào khoa Công nghệ thông tin (ĐH KHTN – ĐHQG TP. HCM), Thanh còn phát triển phần mềm Busmap (bản đồ xe buýt online) là tiền đề cho những thành công sau này.
Chính vì lẽ đó, việc chàng trai từ chối ở lại làm việc tại Google sau thời gian vào thực tập tại đây đã khiến nhiều người rất bất ngờ. Nhưng Thanh tâm sự, quyết định rời Google để về Việt Nam là không hề đột ngột với bản thân. Bởi từ thời sinh viên, chàng trai này chỉ mong muốn được đi làm cho các công ty lớn để học hỏi thêm và sẽ theo đuổi con đường start-up khi có đủ khả năng và tìm được cơ hội thích hợp.
Khi cơ hội đến, anh chàng đã bắt tay ngay vào lĩnh vực start-up với một dự án mới mở ở Việt Nam. Thanh chia sẻ: “Lựa chọn làm khởi nghiệp sau thời gian thực tập ở Google cũng giống như quá trình nỗ lực trong học tập ấy. Mình tự đặt bản thân vào thế khó để tiến bộ hơn”.
Rời một nơi làm việc có hàng chục ngàn đồng nghiệp mà ai cũng là “thiên tài"” trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, Thanh chấp nhận những ngày tháng gầy dựng lại từ đầu với sự hỗ trợ của chỉ 3 kỹ sư phần mềm khác để hoàn thành khối công việc khổng lồ ở dự án startup.
Những ngày đầu bắt tay vào dự án, mọi khó khăn như bủa vây chàng trai trẻ đất An Giang và những người bạn của anh khi với lực lượng rất mỏng nhưng họ phải gồng gánh tất cả mọi thứ. Hiện tại, nhóm của Thanh có 9 thành viên, với 1 CEO, 3 developer, trong đó Thanh cùng 5 thành viên khác làm support và operation. Thanh tâm sự: “Cả team gần như không có ngày nghỉ, dù là cuối tuần. Khi đã làm start-up, bạn sẽ phải tự túc mọi thứ từ A đến Z”. Thực tế, dù rất sẵn lòng trò chuyện với chúng tôi nhưng Thanh vẫn tranh thủ mang theo laptop để làm việc.
Khi được hỏi vì sao không ở lại nước ngoài để có được điều kiện làm việc tốt trong lĩnh vực mình, Thanh chỉ mỉm cười: “Môi trường làm việc trong nước chắc chắn sẽ không thể nào bằng như ở Google hay Facebook nhưng bù lại mình sẽ có môi trường va chạm nhiều hơn để học hỏi được nhiều thứ và phát triển bản thân. Mình có thể học cách tự đối phó với những tình huống và từ đó hoàn thiện bản thân hơn”.
Chàng trai Việt từ chối Google, lương ngàn USD để không sơn tường cho người khác - ảnh 6

Tham gia start-up để tự làm chủ và phát triển bản thân
Khi chúng tôi hỏi liệu Thanh có cảm thấy hối hận khi từ chối mức lương cao của Google, Thanh trả lời rất bình thản: “Đối với Thanh thì 600 USD hay 6.000 USD không quá quan trong vì với mức thu nhập như vậy cũng không phải thấp”. Điều Thanh mong muốn khi làm start-up là có thể được làm chủ, là người xây dựng nền móng chứ không muốn trở thành người sơn tường cho thành công của người khác.
Hiện tại Thanh và những người bạn của mình đang tập trung phát triển dự án Start-up về một ứng dựng di động tên là Umbala – Đấu trường ngôi sao. Ứng dụng này để các bạn bạn trẻ quay video clip với những hiệu ứng đặc biệt, nó giống như một mạng xã hội về video để người trẻ có thể lên đăng các clip thể hiện trào lưu và bản thân mình. Và hiện tại ứng dụng đã có khoảng 100.000 người dùng trên toàn thế giới.
Để có được những bước đi như ngày hôm nay, nhóm dự án đã gặp rất nhiều thất bại dẫn đến phải thay đổi giao diện và concept, từ ứng dụng tạo video 12s cho tới ứng dụng tạo các clip trending… Sau đó, nhóm chủ trương phát triển thành một ứng dụng để người trẻ thể hiện những video cá nhân theo trào lưu hiện hành trên mạng xã hội. Nhưng với Thanh, chính những thất bại đó cùng với trải nghiệm từ dự án Busmap thời sinh viên đã giúp bạn rất nhiều.
“Chỉ là vì khi thất bại thì ít ai biết cho nên lúc nào mọi người cũng nghĩ Thanh vốn có năng khiếu thông minh nên mới đạt được nhiều thành tích như vậy. Nhưng thật sự điều làm Thanh có thể thành công là nhờ vào những thất bại. Mỗi lần thất bại sẽ là một lần mình tìm ra điểm yếu để hoàn thiện bản thân hơn”.
Khi dành lời khuyên cho những bạn có cùng chí hướng start-up như mình, Thanh tâm sự: “Nếu cảm thấy mình thật sự phù hợp với việc làm start-up thì các bạn hãy tham gia. Tuy nhiên, làm start-up có rất nhiều khó khăn và áp lực công việc, môi trường làm việc cũng vất vả hơn làm ở các công ty”.
Thanh chia sẻ thêm: “Phương châm sống của mình là làm hết sức, cố gắng để theo đuổi đam mê. Nếu trong tương lai vì một lý do gì đó mình không thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê thì phương châm sống của mình vẫn vậy”. Khi chúng ta còn trẻ, hãy sống và cống hiến hết mình, cuộc sống là không chờ đợi.

Hoài Vũ/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)