Vượt qua nỗi mặc cảm lồ lộ trên gương mặt, chàng trai nghèo quê Quảng Trị muốn làm điều gì đó cho những nạn nhân như mình. Nó có thể vượt quá sức của cậu nhưng cậu vẫn tin vào điều mình đang làm.
Huynh gặp gỡ và giới thiệu về công việc của mình với các cựu chiến binh Mỹ – Ảnh: H.Giang |
“Tôi là Nguyễn Đức Huynh. Năm nay tôi 21 tuổi. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của tôi với các bạn, câu chuyện của một nạn nhân bom mìn sau chiến tranh Việt Nam”. Huynh mở đầu câu chuyện đời mình một cách giản dị.
Chuyện về Huynh đã lan đi nhiều nơi và trở thành nguồn động viên không chỉ với các nạn nhân bom mìn khác, mà còn kêu gọi những tấm lòng hảo tâm từ chính những người lính Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam. Có người không thốt nên lời khi nhìn thấy gương mặt méo mó của chàng thanh niên trẻ – một trong những con người vô tội không liên quan gì tới chiến tranh, nhưng vẫn tiếp tục gánh chịu nỗi đau từ hàng trăm tấn bom mìn quân đội Mỹ rải xuống đất nước hình chữ S này.
Tìm lại gương mặt
Mùa hè 1994, hai anh em sinh đôi Huynh và Hòa tò mò dừng lại xưởng gia công phế liệu chiến tranh trên đường đi học. Một tiếng nổ to phát ra, kèm theo đó là khói và mùi thuốc nổ. “Tôi không còn biết chuyện gì đang xảy ra xung quanh mình, chỉ mang máng nghe tiếng la hét của mọi người, rồi tiếng bước chân mọi người chạy…” – Huynh nhớ lại.
Cả hai anh em được đưa vào một bệnh viện quân đội gần đó và các bác sĩ đã dập tắt được luồng khói còn bốc trên cơ thể hai anh em. Hòa may mắn bị nhẹ hơn. Huynh nằm mê man, không ăn uống được gì suốt một tuần.
Vượt qua lưỡi hái thần chết, cậu bé Huynh bắt đầu phải làm quen với khuôn mặt dị dạng cùng vô số vết sẹo khắp cơ thể. “Mỗi lần ăn cơm là mỗi lần tôi gặp khó khăn vì cơm luôn bị rơi ra ngoài. Còn mỗi lúc nằm ngủ, tôi không thể nhắm khít mắt lại và nước mắt thường xuyên chảy” – Huynh kể về những ngày đầu tiên phải làm quen với thương tật.
Giờ đây Huynh vẫn mang gương mặt xấu xí, nhưng ít nhất không khiến người đối diện phải quay mặt đi khi trò chuyện. Để có được hình hài như bây giờ, cậu bé Huynh đã phải trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật đau đớn ở cả Hà Nội lẫn Mỹ.
Năm 1996, nhà làm phim người Thụy Điển Fokle Rydén đến Hà Nội, tình cờ đọc được mẩu tin tai nạn thương tâm này trên báo Việt Nam. Ông thu xếp vào quê của Huynh và Hòa ở Quảng Trị. Những thước phim của Rydén được phát trong một chương trình thời sự của Đài truyền hình Stockholm.
Nó làm lay động không ít người Thụy Điển. Doanh nhân Goran Avinius đã quyết định sang Việt Nam tìm cách giúp Huynh. Khi trở về nước, ông gửi tiền phẫu thuật cho Huynh thông qua Đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội.
“Đau đớn ngoài sức chịu đựng” – Huynh kể về những lần lên bàn mổ. Nhưng dù vậy những cuộc phẫu thuật đầu tiên ở Việt Nam không mấy thành công. Xem ảnh Huynh gửi sang, ông Goran vẫn thất vọng. Ông quyết định kêu gọi thêm các nhà hảo tâm quyên góp tiền bạc và liên lạc với phía Mỹ để tìm các dịch vụ y tế miễn phí cho Huynh. Cuối năm 1999, cha con Huynh sang Mỹ và bảy lần phẫu thuật mới lại bắt đầu ở Bệnh viện nhi Shriners (Boston). Khuôn mặt giờ đây đã dễ nhìn hơn nhưng vẫn chằng chịt sẹo.
Nửa mặt trái lành lặn hơn cho thấy khuôn mặt “gốc” của Huynh
Ảnh: H.Giang
|
Những cái lắc đầu
Huynh trở lại trường học. Bạn bè không gọi tên mà gọi cậu là thằng Sẹo. Tuổi học trò hồn nhiên vô tư, cậu không để ý tới sự khác biệt hình hài với các bạn học khác. Từ năm lớp 4 tới lớp 7 Huynh học giỏi, được thầy cô tạo mọi điều kiện để bù đắp kiến thức sau những ngày tháng xa trường.
Đến tuổi dậy thì, bước vào năm học lớp 8, Huynh bắt đầu cảm nhận được những phản ứng không mấy dễ chịu của những người vô tình gặp trên đường bởi khuôn mặt méo mó của mình. Huynh bắt đầu học hành sa sút đến mức nghĩ quẩn. Cậu xin bố mẹ cho nghỉ học để đi học nghề.
“Trường hợp này không được rồi em ạ” – Huynh nghe loáng thoáng người phụ trách một cơ sở dạy nghề nói chuyện với nhân viên về mình. Huynh tủi thân vô cùng và bỏ về. Cái lắc đầu từ chối ấy khiến Huynh nhận ra một điều dành cho cuộc đời mình sau này: học là con đường duy nhất. Cậu lao vào lấy lại kiến thức đã bị hổng trong hai năm đầu cấp III và đứng dậy được vào năm cuối cấp. Vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, hiện Huynh là sinh viên cao đẳng ở Hà Nội.
Ba của Huynh hiện làm bảo vệ, mẹ nghỉ ở nhà. Huynh là con út nhưng lại thiệt thòi nhất nên ba mẹ cố hết sức nuôi Huynh ăn học ở Hà Nội. Cậu xin làm thêm ở không biết bao nơi, đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, kể cả việc rửa ly bát trong bếp. Thậm chí có lần nộp đơn làm gia sư, hồ sơ của Huynh được duyệt, nhưng khi gặp mặt người ta từ chối ngay. “Tiếng Anh tốt không bù được ngoại hình” – Huynh cay đắng.
Những sự cố như vậy không phải là hiếm. Có lần Huynh bị người bán cơm đuổi vì nghĩ cậu vào… xin ăn! Muốn tạt vào uống cà phê cũng bị người ta xua tay. Huynh thú nhận ban đầu cậu hơi tức và bực mình, nhưng sau vài lần thì quen dần và không bận tâm nữa.
Hãy kể câu chuyện của tôi
Huynh bắt đầu nghĩ tới những người khác cùng cảnh ngộ, cùng một số bạn bè lập ra trang web www.nannhanbommin.com. Trang web này vẫn đang trong quá trình hình thành, nhưng Huynh đã tranh thủ những đợt được nghỉ học vài ngày để về quê Quảng Trị gặp những nạn nhân bom mìn khác, nghe những câu chuyện của họ và chia sẻ những trải nghiệm đó với những người bình thường và các nạn nhân khác. “Về nhà ba ngày, ăn cơm nhà một bữa” là chuyện thường tình. Nhiều lúc Huynh gặp gỡ các cựu chiến binh Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam để họ hiểu hơn về hậu quả chiến tranh.
Vừa học vừa làm dự án nên thời gian của chàng trai trẻ không còn nhiều. Tài chính cũng khá eo hẹp khi cậu không xin được việc làm thêm. “Thi thoảng mình nhận được tiền hỗ trợ từ người quen bên Mỹ. Còn chủ yếu là dùng tiền túi, thu hẹp các nhu cầu khác. Nhưng cũng không biết kéo dài thế này được bao lâu” – Huynh giải thích về cách sống hiện nay của mình.
Huynh vẫn mong mỏi một công việc làm thêm để trang trải cuộc sống và tiếp tục dự án của mình. Thậm chí tết này Huynh còn dự tính trích từ số tiền được cho để giúp một em ít tuổi hơn bị tai nạn bom mìn. Chỉ 500.000 đồng thôi nhưng với Huynh đó cũng là một cố gắng lớn. “Thật ra với những nạn nhân bom mìn, cách giúp đỡ tốt nhất không phải là cho tiền – Huynh giải thích dựa trên kinh nghiệm đã trải qua – Tiền không định hướng cho họ”.
Đôi lần có tổ chức phi chính phủ cần huy động một số nạn nhân đến gặp các cựu chiến binh Mỹ, họ cho mỗi người một chút tiền gọi là bồi dưỡng việc đi lại và ăn trưa, nhưng mãi sau đó không thấy có hoạt động gì cụ thể, lâu dài để hỗ trợ cuộc sống của các nạn nhân. Qua kinh nghiệm, Huynh nhận thấy những trợ giúp nhân đạo hiện nay với nạn nhân bom mìn mới chỉ dừng lại ở khâu chăm sóc y tế, chữa trị, nâng cao nhận thức… nhưng chưa ai đi tiếp để đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm để các nạn nhân có thể độc lập kiếm sống về sau.
Gặp Huynh không thấy Huynh buồn mà chỉ thấy Huynh lo làm sao để giúp các nạn nhân khác, cũng như làm sao để không còn ai bị tai nạn như mình. “Tôi hi vọng sẽ có nhiều sự quan tâm đến các nạn nhân bom mìn. Xin vui lòng chia sẻ câu chuyện của tôi đến với những người bạn của các bạn ở bất cứ nơi đâu trên thế giới”. Đó là đề nghị của Huynh. Giản dị như cách Huynh bắt đầu câu chuyện này.
300 năm và 10 tỉ USD dọn bom mìn
Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, hiện cả nước còn gần 6,6 triệu ha đất (tương đương 20,12% diện tích của cả nước) đang bị vướng bom mìn, với lượng bom mìn còn sót lại trên 800.000 tấn. Với tốc độ hiện nay, Việt Nam cần ít nhất 300 năm nữa cùng 10 tỉ USD mới có thể làm sạch lượng bom mìn sót lại nói trên.
Theo Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) và Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bomicen), kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975, bom đạn, mìn sát thương đã lấy đi mạng sống của 10.529 người và làm bị thương hơn 12.000 người ở sáu tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Ngãi.
|
HƯƠNG GIANG /TTO
Bình luận (0)