Y tế - Văn hóaThư giãn

Chạnh lòng phim hoạt hình Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Phim hoạt hình Việt Nam rất hay, không chỉ ngang ngửa với phim hoạt hình Hàn Quốc mà có phim còn hay hơn. 
Khán giả nhí ở Hà Nội thích thú khi chụp hình với “chú bò vàng” trưng bày ở phía ngoài sảnh Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ – Ảnh: Đ.Triết
Những khán giả nhí Hà Nội náo nức đi xem những buổi chiếu miễn phí phim hoạt hình Việt – Hàn tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (ngày 10 và 11-10) đã khen phim hoạt hình của VN rất hay, không chỉ ngang ngửa với phim hoạt hình Hàn Quốc mà có phim còn hay hơn. 
Nhưng, “đây là lần đầu tiên chúng con được xem…” – bé Nguyễn Vũ Tường Quyên, học sinh lớp 4 Trường Thực nghiệm Hà Nội, nói.
Một câu chuyện khác cũng được bàn đến ở đây là việc tận dụng tối đa sự sáng tạo của tập thể ngay trong quá trình sản xuất phim. Khi nghe giáo sư Park Hong Su – viện trưởng Viện Phát triển văn hóa thông tin Gangwon – nhấn mạnh đến việc phim hoạt hình dài tập Hàn Quốc thành công là nhờ nhà sản xuất biết huy động các nhà biên kịch cùng sáng tạo, họa sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Tuấn – giảng viên Đại học Sân khấu – điện ảnh Hà Nội – buồn bã lắc đầu nói: “Ở VN, thật khó có thể tập hợp ý tưởng sáng tạo của các nhà biên kịch như thế. Một phần vì biên kịch ở VN rất thiếu. Nhưng quan trọng hơn là ai cũng chỉ muốn sáng tạo một mình”.
Đây cũng là câu chuyện được các đạo diễn, nhà làm phim hoạt hình VN kể lại tại các buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm của Lễ hội phim hoạt hình VN – Hàn Quốc, diễn ra trong hai ngày 9 và 10-10 tại Hà Nội.
Gần 200 chuyên gia, nhà sản xuất, họa sĩ, doanh nghiệp và cả sinh viên điện ảnh của hai nước đã đến tham dự sự kiện này.
Ngay trong lời mở đầu buổi tọa đàm đầu tiên, đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn – phó giám đốc Hãng phim hoạt hình VN – đã nói: “Dân số VN có tới hơn 40% là trẻ em, trong khi thời lượng chương trình dành cho thiếu nhi chỉ chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn. Đài phát thanh – truyền hình có thời lượng phát sóng cao nhất chỉ chiếm tỉ lệ 10,3%, các đài còn lại chỉ đạt khoảng 2%, thậm chí 1%… Vậy nên, làm thế nào để các em thiếu nhi được xem phim hoạt hình VN? Đây không chỉ là ước mong của các khán giả nhỏ tuổi mà là trăn trở của cả những người làm phim hoạt hình”.
Câu chuyện ấy đã không có ở Hàn Quốc.
“Chúng tôi được xã hội rất quan tâm. Các kênh truyền hình lớn ở Hàn Quốc luôn sẵn sàng mua bản quyền để chiếu những bộ phim mới của chúng tôi. Các nhà đầu tư cũng luôn săn đón các dự án. Điển hình như bộ phim Hello Jadoo đã được các tập đoàn đầu tư cho cả hai mùa, đặc biệt trong mùa thứ hai tổng số tiền đầu tư lên đến 200.000 USD” – giám đốc Lee Jin Hui, doanh nghiệp sản xuất phim Atronz của Hàn Quốc, chia sẻ.
Nhưng bà Lee Jin Hui cũng mở ngoặc rằng để được truyền thông hay các đối tác ủng hộ thì doanh nghiệp này phải luôn nỗ lực tìm ra sự khác biệt trong những gì rất thân thuộc của nhân vật và cốt truyện để sản xuất những bộ phim đảm bảo hấp dẫn khán giả, không chỉ cho thiếu nhi mà cho cả người lớn.
“Và một điều nữa rất quan trọng là ngay khi bắt tay xây dựng kế hoạch làm phim, chúng tôi xây dựng luôn kế hoạch phát hành. Nghĩa là đã sản xuất là phải thu hồi được vốn và cần một chiến dịch truyền thông lớn” – bà Lee Jin Hui nhấn mạnh.
Cũng tại các buổi tọa đàm, trong khi các nhà sản xuất của Hàn Quốc rất vui mừng khoe những Pororo, Hello Jadoo, Cloud Bread, Tayo the Little Bus… không chỉ chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc mà còn xuất ngoại sang Thái Lan, Trung Quốc, Hong Kong, VN, Malaysia… thì các nhà sản xuất VN chỉ có thể kể những giải vàng, giải bạc của Sự tích đảo Bà, Bò vàng, Những chú cá lạc đàn… mà không thể chia sẻ rõ hơn về đời sống thực của những bộ phim đình đám ấy.
“Phim hoạt hình VN có xuất phát điểm chậm nhưng có nhiều cơ hội tiềm tàng. Và các bạn chỉ có thể bước chân ra thế giới khi bộ phim của các bạn thật sự độc đáo. Yếu tố độc đáo nằm ở ngay chính trong văn hóa truyền thống của các bạn” – ông Lee Jung Gi, đạo diễn của Công ty Iconix, cha đẻ của Pororo, gợi mở.
Theo TTO


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)