Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chào hỏi học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Việc dạy lễ nghĩa rất quan trọng đối người làm trong môi trường giáo dục. “Tiên học lễ, hậu học văn” là câu nói ngắn gọn súc tích được các thế hệ trước nhắn nhủ trong việc dạy người của nghề giáo. Và, để việc giáo dục có tính thực tiễn làm gương cao hơn, tôi thử nêu một khía cạnh chào hỏi giữa thầy và trò hiện nay. Việc thầy và trò chào hỏi nhau, trước nay vẫn có quan niệm là trò gặp thầy phải chào trước, việc chào có thể khoanh tay cúi đầu hay bắt tay tùy trường hợp và bối cảnh, riêng việc chào hỏi bằng một câu chào là điều dễ thực hiện nhất. Tuy nhiên, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ mà tôi gặp cách đây mấy hôm như sau: Một nhóm học sinh lớp 7 trong trường gặp tôi và chào: “Em chào thầy”. Tôi vội vàng đáp lại: “Chào các em” thì thấy các em rất vui, cười nói lại: “Em chào nhiều thầy cô rồi mà lần này mới được chào lại”. Nghe vậy, tôi cảm thán: “Ồ, thế à! Chắc thầy cô không để ý nên không biết các em chào”.

Thế đấy, việc thầy cô mở lời chào học sinh trước đã khó thì nay học sinh còn phải chờ thầy cô mỉm cười “chào lại”. Việc rất ít thầy cô thăm hỏi học sinh trước, chào học sinh và vui chơi cùng học sinh một cách chan hòa thân thiện là thực tế tôi hay gặp ở các trường trung học tôi đến thăm, cũng như được nghe học sinh chia sẻ. Nhưng việc chào hỏi đó có khó gì đâu, chỉ là có đủ yêu thương và quan tâm hay không mà thôi. Xem học sinh là con, là câu nói cửa miệng để các giáo viên khuyên bảo nhau khi ai đó trách phạt nặng với học sinh mà bị kỷ luật. Còn thực tế nhiều giáo viên xem học sinh như kẻ bề dưới, là người cần dạy dỗ vì chưa đủ năng lực làm người cũng như cần được chỉ dạy theo cách của thầy cô. Mà đôi khi trong cuộc sống hiện nay, thầy cô đâu phải biết hết mọi thứ, thầy cô đâu còn là người cung cấp kiến thức hoàn toàn nữa. Thay vào đó, thầy cô chỉ là người hướng dẫn cách học tập, cách cảm nhận thế giới theo mức độ cá nhân, hướng dẫn học sinh gieo mầm làm người tử tế, hướng dẫn học sinh đánh giá và phản ảnh cuộc sống theo góc độ cá nhân. Nên tôi nghĩ, giáo viên đâu còn là bề trên, ăn nói như người có quyền ban phát nữa. Nhiều giáo viên còn nặng lời với vẻ quyền lực để áp đặt học sinh, đang dạy học sinh mà như làm việc cùng nhóm đối tượng cần ép phải nghe hoàn toàn theo phương pháp của mình vậy. Thầy cô có thể khiêm tốn cùng học sinh trao đổi, cùng học sinh vui chơi, và hãy để tâm hồn yêu thương nảy nở như nên chào hỏi, vẫy tay với học sinh trước cũng rất đẹp và lịch sự. Đâu cần học sinh chào hỏi, thưa bẩm mới đáp lời lại.

Nguyn Minh Thanh

 

Bình luận (0)