Giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của HS Trường TH Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM
|
TP.HCM đang cùng cả nước chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp; Đảng bộ ngành GD-ĐT TP đang tích cực chuẩn bị đại hội vào tháng 5-2015. Theo tôi, hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm của GD-ĐT TP.HCM hiện nay.
Hội nhập quốc tế là cơ hội để GD-ĐT nước nhà phát triển; thoát khỏi sự lúng túng, chậm chạp hiện nay của nhà trường; nhanh chóng cung cấp cho con em mình một nền giáo dục tiên tiến, văn minh và hiện đại. Đây đã là một định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong hơn 10 năm qua, từ đại hội lần thứ X của Đảng. Hội nhập quốc tế là một nhu cầu mang tính tất yếu của GD-ĐT nước nhà đang trong quá trình phát triển! Nhìn lại ngành GD-ĐT TP.HCM trong 40 năm qua và đặc biệt là hơn 10 năm thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, nhà trường của chúng ta đã chuẩn bị được những gì?
Về cơ sở vật chất, kỹ thuật
Từ quyết định 02/2003/QĐ – UBND của Chủ tịch UBND TP về quy hoạch và xây dựng mạng lưới trường học, mỗi năm TP đầu tư cả ngàn tỷ đồng để xây dựng hàng ngàn phòng học mới. Đến nay TP.HCM rất tự hào về mạng lưới trường lớp từ nội thành đến ngoại thành, đủ chỗ học đạt chuẩn cho mọi con em nhân dân, có thể sánh bằng với nhiều nước có nền giáo dục phát triển. Vấn đề còn phải tiếp tục phấn đấu là sự đồng đều về cơ sở vật chất, sắp xếp lại số lượng HS ít trong lớp, học 2 buổi/ngày và đặc biệt là trang thiết bị dạy và học.
Về thiết bị trường học, bàn ghế, bảng đen đầy đủ, đang trong quá trình thay thế, chuyển đổi từ loại bàn học tập thể sang cá thể, từ cố định sang cơ động phục vụ cho phương pháp dạy học mới. Về máy móc thiết bị hiện đại hóa nhà trường đang tích cực phấn đấu, TP.HCM đã có những điển hình tốt nhưng chưa nhân rộng được nhiều vì còn tùy thuộc vào trình độ sử dụng của GV, mua sắm nhiều mà sử dụng ít thì sẽ lãng phí.
Về xây dựng đội ngũ sư phạm và cán bộ quản lý
Lực lượng sư phạm TP.HCM kể cả các ngành học, bậc học và hệ trường hiện có gần 80 ngàn. Hầu hết đạt chuẩn đào tạo và có một bộ phận lớn vượt chuẩn, có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu do Sở GD-ĐT TP đã đề ra. Nhưng so với yêu cầu hội nhập quốc tế, anh chị em bị giới hạn nhiều về phương pháp dạy học, năng lực sử dụng công nghệ thông tin để dạy học và truy cập tư liệu chưa đồng đều. Đây là những vấn đề lực lượng sư phạm phải phấn đấu khắc phục. Thời gian khắc phục sẽ thu ngắn, GV sẽ nhanh chóng cung ứng cho HS TP phương pháp dạy học tiên tiến khi chọn nhiệm vụ hội nhập là nhiệm vụ trọng tâm.
Về nội dung chương trình và phương pháp dạy học
Một tiết học tiếng Anh của học sinh Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) với giáo viên bản ngữ. Ảnh: A.K
|
Luật Giáo dục quy định nội dung chương trình giáo dục do Bộ GD-ĐT ban hành, TP.HCM trong thời gian qua đã thực hiện nghiêm túc quy định này, đồng thời tổ chức Hội đồng chuyên môn của Sở GD-ĐT gồm những nhà giáo uy tín, tiêu biểu ở các cấp học và ngành học trên 200 người để giúp sở thẩm định bài soạn của GV theo hướng tích hợp giản lược từ chương, tăng lượng thực hành vận dụng vào thực tế cuộc sống, bước đầu hình thành được những giáo trình, tài liệu dạy và học tốt cho GV và HS. Với chủ trương nhiều bộ sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT sắp ban hành trong tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước là cơ hội tốt để GD-ĐT TP cải tiến phát triển nội dung chương trình theo hướng hội nhập quốc tế.
Về tổ chức thi cử và đánh giá
Đây là hoạt động chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất phương thức thi cử và đánh giá của Bộ GD-ĐT. Trong xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ có những chủ trương sát hợp, đặc biệt là đổi mới thi cử và đánh giá. Quan điểm thi cử đánh giá của các nước phát triển, họ tạo điều kiện, giáo dục và khuyến khích HS tự đánh giá kết hợp với đánh giá của GV trong suốt quá trình dạy học thay vì chỉ dựa vào một kỳ thi cuối khóa. Chương trình giáo dục tự đánh giá trong HS, họ đã đưa vào chương trình ngay từ lớp nhỏ với nhiều hình thức phong phú, sinh động và thông qua đó mà giáo dục lòng trung thực đi đôi với sự thống nhất hệ giá trị giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường từ GV đến HS và phụ huynh.
TP.HCM có thế mạnh về lĩnh vực này so với cả nước, tình trạng gian lận trong thi cử hầu như không còn! Chất lượng học tập và thi cử nhiều năm liền rất ổn định ở tốp đầu dù Bộ GD-ĐT tổ chức kiểm tra thi cử với bất kỳ hình thức nào.
Về xây dựng những mô hình tiên phong ở các ngành học, cấp học
Điều kiện tiếp cận với giáo dục các nước của TP.HCM tương đối thuận lợi so với các địa phương bạn. Ngay từ khi có chủ trương hội nhập quốc tế, TP đã có 3 lộ trình cơ bản để hội nhập là: Du học, đưa HS hay nghiên cứu sinh ra nước ngoài học tập; du nhập trường quốc tế vào Việt Nam; phổ biến và quan trọng nhất là xây dựng nhà trường Việt Nam theo chuẩn quốc tế. Ở đó, ngành đã xây dựng những điển hình tiên phong ở các ngành học bằng cách đổi mới thiết chế tổ chức nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tốt lực lượng cán bộ quản lý và GV nòng cốt đã được đào tạo hoặc bồi dưỡng từ các nước trở về.
Giáo dục tiên tiến ở các nước phát triển so với giáo dục Việt Nam có những đặc điểm ưu việt đó là: Thiết chế tổ chức nhà trường theo quan điểm cá thể hóa giáo dục, nhà giáo dục có điều kiện chăm sóc, tương tác đến từng HS trong quá trình dạy học. Sĩ số trong lớp ít, thiết bị học tập nhiều, tạo điều kiện cho HS hoạt động và tự học, tự nghiên cứu tốt; GV dạy học tích cực, thiết kế bài dạy theo quan điểm gợi mở, kích thích tính tò mò khoa học của HS. Nội dung thuộc lòng ít, kích thích tư duy nhiều đến từng HS, tạo không khí tích cực trong lớp, HS hoạt động suốt trong giờ học. GV đánh giá được từng HS trong quá trình dạy học, có khả năng tư vấn về phương pháp và định hướng học tập của HS; Về sâu xa họ cấu trúc chương trình, đào tạo sư phạm, tổ chức thi cử và đánh giá theo tư tưởng định hướng “học để biết, học để làm, học chung sống và học để tự hoàn thiện mình”, học để nâng cao năng lực; không phải học đối phó với thi cử, học vì mục tiêu khoa bảng.
Như vậy, so với yêu cầu hội nhập quốc tế, GD-ĐT TP.HCM đã có những tiền đề căn bản khá vững chắc và khả thi. Để hội nhập quốc tế nhanh chóng và chất lượng, hiệu quả thì việc xác định nhiệm vụ trọng tâm như đã nói trên là một sự cần thiết và mang tính cấp bách cao. Khi xác định là trọng tâm, nhà quản lý sẽ huy động nguồn lực để đầu tư cho nhiệm vụ quan trọng này, từ việc minh định chuẩn mực, tiêu chí đến việc xây dựng lực lượng, thiết kế lộ trình và tiến độ đạt đến mục tiêu một cách chủ động, tích cực và tập trung, không phân tâm, chờ đợi làm chậm bước phát triển của ngành và không kế thừa, phát huy tốt truyền thống của một địa phương giàu tính năng động và sáng tạo. Mặt khác với tầm quan trọng của nhiệm vụ trọng tâm, TP.HCM sẽ dễ dàng tham mưu với Bộ GD-ĐT cho phép và tạo điều kiện cho TP thực hiện công trình tiên phong nhiều ý nghĩa này.
Với nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, tôi xin đề xuất giải pháp đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ ngành GD-ĐT TP.HCM là xây dựng, phát triển lực lượng sư phạm nhà trường vì đây là nhân tố quyết định cho sự nghiệp tiên phong nói trên.
(Tháng 4-2015)
TS.Huỳnh Công Minh
Bình luận (0)