Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Chấp nhận sống chung

Tạp Chí Giáo Dục

 Gần đây, dân mê câu cá ở TPHCM có thêm điểm câu mới, ngay trong lòng thành phố: kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Con kênh từng nổi tiếng ô nhiễm xứng danh “kênh nước đen” ngày nào giờ đã trong xanh trở lại và người ta đã câu lên đủ loại cá, nào tra, nào chép, nào trê…

Tuy nhiên, bác Hai, 58 tuổi, nhà ở đường Trường Sa dù vui mừng khi vừa giật lên con cá trê gần 1kg nhưng vẫn bảo: “Câu về cũng mang cho thôi, không dám ăn. Cá này chắc chắn nhiễm sắt, nhiễm chì cả”.
Nhưng không rõ bác Hai có ăn cá người ta bán ở chợ không, bởi tình trạng nhiễm kim loại nặng, chất độc hại, theo nhiều nghiên cứu, là rất phổ biến tại các kênh rạch của Thành phố.
Một kênh Nhiêu Lộc xanh trở lại không thể khỏa lấp hình ảnh hàng ngàn kênh rạch của TPHCM đang ngày ngày chịu đựng đủ loại chất thải nguy hại, ước tính lên đến vài trăm tấn/ngày.
Ngay cả sông Sài Gòn, nguồn cung cấp nước chính cho hàng triệu người dân Thành phố cũng bị ô nhiễm nặng. Theo một báo cáo khoa học được công bố gần đây, có quá nhiều nguồn gây ô nhiễm sông Sài Gòn: nước chảy tràn đô thị (do nước mưa), nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, bãi chôn lấp rác, hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, giao thông (rò rỉ dầu).
Mọi thông số chất lượng nước của sông Sài Gòn (ngoại trừ độ pH) đều vượt quá mức cho phép. Các chỉ số cho thấy sông Sài Gòn không đạt quy chuẩn chất lượng nước mặt dùng làm nguồn nước sinh hoạt.
Dù vậy, thành phố đông dân nhất nước vẫn phải dựa vào nguồn nước sông Sài Gòn, cho dù chi phí xử lý nước ngày càng tăng, nguồn nước không ngừng ô nhiễm thêm.
Theo ý kiến của một số chuyên gia môi trường, về khía cạnh pháp luật, dường như chúng ta có đủ loại luật, quy định nhưng vấn đề là thực thi. Một vài vụ bắt quả tang hành vi xả thải trái phép của các doanh nghiệp vẫn là chưa đủ nếu so với mức độ ô nhiễm mà cộng đồng đang phải chịu đựng từ các hoạt động công nghiệp.
Và ngay cả khi TPHCM có làm triệt để, rốt ráo vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước thì vẫn còn đó câu hỏi được đặt ra từ nhiều năm: người dân TPHCM sẽ làm được gì nếu các địa phương đầu nguồn như Bình Dương, Tây Ninh tiếp tục xả xuống sông đủ loại chất thải nguy hại trong sinh hoạt và hoạt động sản xuất công nghiệp?
Những vấn đề về môi trường, đặc biệt là môi trường nước ở TPHCM nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung đã được đặt ra, nhưng việc xử lý, cải thiện còn xa mới kịp với tốc độ và quy mô ô nhiễm.
Khi môi trường ô nhiễm, mọi người dân đều chịu ảnh hưởng. Nên dù bác Hai có cẩn thận đến mấy, việc phải tiếp tục sống chung và chịu đựng ô nhiễm là khó tránh.
Theo TPO

 

Bình luận (0)