Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chất bảo quản độc hại trong mỹ phẩm

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều loại mỹ phẩm thường được chị em phụ nữ ưa dùng để “nâng cấp” sắc đẹp. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Cục Quản lý dược thì hiện nay, có nhiều loại mỹ phẩm chứa chất bảo quản độc hại gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.

Thủ phạm gây bệnh tật

PGS.TS Trương Văn Tuấn – Bộ môn bào chế (Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho biết, chất bảo quản là hóa chất tự nhiên hay tổng hợp được thêm vào sản phẩm như thực phẩm, dược phẩm, các mẫu phẩm sinh học… để ngăn ngừa hoặc làm chậm lại sự thối rữa, hư hỏng gây ra bởi sự phát triển của các vi sinh vật hay do các thay đổi không mong muốn về mặt hóa học. Cũng giống như các phụ gia thực phẩm, chất bảo quản trong mỹ phẩm có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn thường được chia ra 3 loại chính: Nhóm bị cấm, nhóm được cho phép và nhóm có nguy cơ. Bên cạnh các nhóm được cho phép, hiện nay một số chất bảo quản thuộc nhóm bị cấm và nhóm có nguy cơ độc hại đối với sức khỏe con người đang được lạm dụng trong các loại mỹ phẩm nhất là mỹ phẩm giả, nhái không rõ nguồn gốc.

Một số sản phẩm làm đẹp được quảng cáo trên các trang mạng

Nhiều người quan niệm rằng tất cả các loại mỹ phẩm tự nhiên đều không có thành phần hóa học nhưng theo các nhà nghiên cứu về da liễu thì điều này thực tế không hoàn toàn như vậy. PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho rằng, hầu hết các sản phẩm này dù ít hay nhiều đều có chất bảo quản nếu không nói là 100%. Cũng do thể trạng từng người mà có người dễ dàng dị ứng với chất bảo quản dù đó là chất bảo quản thuộc nhóm được cho phép. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 70% son môi có chứa sáp paraffin – một chất có thể gây tổn thương da. Đầu năm 2015, sau đợt tổng kiểm tra về mặt hàng mỹ phẩm, Cục Quản lý dược đã đưa ra quy định cấm 5 dẫn xuất Paraben cùng với Methyliso-thiazolinone bởi những chất này có nguy cơ đến sức khỏe và tác động không mong muốn đến hệ nội tiết như gây mất cân bằng nội tiết tố, viêm biểu bì da… Được biết đây là 2 chất có mặt hầu hết trong các sản phẩm mỹ phẩm đang lưu hành trên thị trường.

Người tiêu dùng thông minh

Người ta đã phát hiện chất Paraben trong các loại sữa rửa mặt, lăn nách, kem triệt lông và các loại mỹ phẩm thông dụng khác. Một số chất tạo bọt như dầu gội đầu nếu lạm dụng sẽ gây khô và bào mòn da, tóc có khi ảnh hưởng đến mắt nếu không biết cách sử dụng. Đó cũng là tác hại nguy hiểm của chất có tác dụng duy trì độ ẩm trong mỹ phẩm. Vì thế theo công văn khẩn của cục thì các sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước có chứa 5 dẫn xuất Paraben chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30-7-2015. Còn các sản phẩm chứa Methylisothiazolinone chỉ được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30-4-2016.

ThS.BS Cao Thị Thu Hồng – Khoa Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) khuyên: “Hãy là người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn mỹ phẩm để sử dụng”. Theo đó, nên ưu tiên dùng các loại mỹ phẩm tự nhiên có nguồn gốc, không xài mỹ phẩm tùy thích thiếu chọn lọc kỹ. Xem kỹ nhãn mác trước khi mua, tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi do người bán tự chế. Nếu có bao bì cũng phải chọn sản phẩm có ghi đủ thành phần. Nếu có nghi vấn về xuất xứ thì người mua nên đề nghị được xem giấy kiểm định của nhà sản xuất để tránh hàng nhái, hàng giả. Trước khi dùng hãy bôi thử ở cánh tay để kiểm tra phản ứng của da trước khi bôi lên phần mặt, chân, tay và những vùng nhạy cảm. Chị Hồng Nhung, chung cư Hà Đô, Q.Gò Vấp – chủ kinh doanh bán hàng mỹ phẩm qua mạng xác nhận, nhiều loại mỹ phẩm được giới thiệu là sản phẩm của Pháp nhất là nước hoa, nhưng thực ra được sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng và giá cả cũng không đồng đều.

Bài, ảnh: Quang Phan

Theo BS. Cao Thị Thu Hồng, hiện nay mỹ phẩm bán trôi nổi nhiều trên mạng, bán dưới dạng hàng xách tay nên người tiêu dùng phải có kiến thức cơ bản, đừng quá tin vào lời quảng cáo thiếu cơ sở thực tế và ham rẻ quá mức. 

 

Bình luận (0)