Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chắt lọc cơ hội vào thị trường Á – Âu

Tạp Chí Giáo Dục

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Á – Âu được cho là mở cửa thị trường lớn với 187 triệu dân. Thế nhưng, tại hội nghị thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường liên minh Á – Âu do Bộ Công thương chủ trì diễn ra tại TPHCM ngày 12-10, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết phải chật vật chắt lọc cơ hội mới đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường này.
Ưu đãi ít và khó khăn nhiều
Một trong những quan ngại nhất là những ưu đãi của các nước Liên minh Á – Âu sẽ không tạo được đột phá trong xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam, nhất là những sản phẩm vốn được xem là thế mạnh như nông sản, thực phẩm, thủy hải sản. Cụ thể, với sản phẩm gạo – nông sản chủ lực của Việt Nam – nhưng thị trường Á – Âu chỉ cấp mức hạn ngạch được hưởng thuế ưu đãi 0% là 10.000 tấn/năm, còn lại vẫn phải chịu mức thuế 15%. Đại diện Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết, các DN Việt Nam đang có xu hướng giảm xuất cà phê thô, tăng xuất sản phẩm đã qua chế biến để tăng giá trị gia tăng sản phẩm. Thế nhưng, những ưu đãi thuế tại thị trường trên chỉ ưu tiên cho sản phẩm cà phê xuất khẩu thô. Mặt hàng rau quả và thủy sản được đánh giá là hai mặt hàng hưởng nhiều thuận lợi ngay khi hiệp định có hiệu lực, với 95% – 100% dòng thuế hàng hóa trở về 0%, thay vì 10% như trước đây. Tuy nhiên, đi kèm với thuận lợi này, Liên minh Á – Âu lại quy định và thống nhất áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khá cao để bảo hộ hàng hóa trong nước.

Doanh nghiệp cho biết phải chật vật xuất khẩu vào thị trường liên minh Á – Âu

Riêng với ngành dệt may, sản phẩm gỗ và da giày là ngành công nghiệp thế mạnh nhất Việt Nam, được nhận định là có nhiều lợi thế nhất cũng vấp phải những khó khăn nhất định, khi cơ chế phòng vệ đặc biệt được liên minh này áp dụng rất chặt chẽ. Riêng với DN da giày, để hưởng mức ưu đãi thuế thì phải là lô hàng lớn và không được phép chia nhỏ lô hàng. Trên thực tế, các DN da giày nước ngoài lớn thường tập trung hàng tại một điểm trung chuyển của châu Âu, từ đó mới xuất khẩu vào Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, DN Việt Nam thì chưa thể làm như vậy.
Dỡ rào cản cho doanh nghiệp
Trước những phân tích về rào cản khó khăn khi vào thị trường các nước Á – Âu trên, đại diện tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho biết, trước hết DN Việt Nam cần tận dụng tối đa những hạn ngạch thuế quan ưu đãi cho các sản phẩm vốn là lợi thế của Việt Nam. Về phía đại diện Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, các DN phải chủ động sang thị trường tìm kiếm và giới thiệu sản phẩm với các đối tác. Bộ Công thương sẽ tổ chức những đợt xúc tiến thương mại với thị trường này để hỗ trợ DN tiếp cận thị trường Nga. Hiện Nga cũng đã dành riêng một khu công nghiệp tại thành phố Mátxcơva để thu hút đầu tư DN Việt Nam tham gia đầu tư, nhằm giảm thiểu hạn chế hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm vào Nga.
Đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh, hiệp định mở ra một cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam với gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu (trong đó, 59,3% xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực). Tuy nhiên, các DN Việt Nam cho rằng, bên cạnh những chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện giao thương xuất nhập khẩu, các nước Liên minh châu Âu cần đẩy nhanh lộ trình giảm thuế đối với những mặt hàng chế biến nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Với những sản phẩm công nghiệp nói chung, nên tháo bỏ quy định hạn ngạch. Có như vậy thì thị trường Liên minh Á – Âu mới thực sự là thị trường hấp dẫn và DN Việt Nam mới tạo được những đột phá trong hoạt động xuất khẩu tại thị trường này.

ÁI VÂN (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)