Đứng trước thực trạng các bệnh về mắt (cận, viễn, loạn) ngày càng tăng trong giới học sinh, sinh viên, một vấn đề cấp thiết được giới chuyên môn đặt ra là phải xem lại chất lượng chiếu sáng học đường.
Cận thị học đường không ngừng gia tăng
Đó là một thực tế được các nhà chuyên môn, nghiên cứu, cùng những người thuộc ngành Y tế (bác sĩ bệnh viện Mắt) khẳng định. Theo báo cáo mới nhất của Cục Y tế dự phòng xung quanh những khảo sát liên quan đến các bệnh về mắt cho thấy tỷ lệ khúc xạ học đường nước ta nói chung hiện nay là 49,16%, trong đó tật cận thị là 48,1% (cận nhẹ: 56%, cận vừa: 27,7%, cận nặng là 15,5%). Một trong những nguyên nhân chính được các chuyên gia nghiên cứu khẳng định đó chính là do cách bố trí nguồn sáng không phù hợp. Riêng kết quả nghiên cứu tỉ lệ các bệnh về mắt trong giới học sinh ở TP.HCM do bệnh viện Mắt TP.HCM thực hiện cho thấy tỷ lệ học sinh cận thị trong các trường học của TP.HCM ở mọi cấp học cũng gia tăng một cách hết sức nhanh chóng, với các số liệu hết sức chi tiết.
Theo báo cáo mà bệnh viện Mắt cung cấp cho Sở GD&ĐT TP.HCM thì năm 1994 tỉ lệ cận thị ở học sinh chỉ là 8,65%, nhưng năm 2002 tỉ lệ cận ở học sinh đã tăng lên là 25,3% và năm 2006 là 39,53%. Ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhận định: Việc tỉ lệ học sinh TP ngày càng bị cận nhiều là do công tác xác định tầm quan trọng của ánh sáng học đường chưa được các trường thật sự quan tâm. Bên cạnh những bất cập về quy chuẩn quy định trong chiếu sáng học đường của Bộ Y tế, thiết kế các phòng học một số nơi chưa theo quy chuẩn ( 28 bóng/ lớp) làm hạn chế việc triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng ánh sáng học đường. Một số trường do lo ngại sử dụng mức điện năng quá lớn cũng là nguyên nhân làm tỉ lệ cận ở học sinh TP.HCM không ngừng gia tăng. Theo các chuyên gia Y tế việc học tập và làm việc lâu dài trong môi trường thiếu ánh sáng, chiếu sáng mất tiện nghi là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm thị lực.
Tiến sĩ Trần Đình Bắc, trưởng ban Khoa học Công nghệ, VULA sau nhiều năm nghiên cứu cũng khẳng định: Các phương thức chiếu sáng, sử dụng các nguồn sáng và các thiết bị chiếu sáng, cũng như giải pháp thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hiện nay tại phần lớn các trường học là chưa hợp lý và không đủ. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh về mắt của học sinh ngày càng tăng, ông cho rằng việc chăm lo điều kiện ánh sáng học tập trong lớp học hiện nay cho các em học sinh quan trọng nhất. Bởi nó không chỉ giúp cho các em tiếp cận bài vở tốt, có tầm nhìn và độ chuẩn ánh sáng tốt hơn mà còn làm giảm tỉ lệ cận thị đáng báo động hiện nay.
Tăng cường nguồn sáng, để giảm cận thị
Cải thiện độ chiếu sáng trong trường học, nâng độ chiếu sáng trong các lớp học theo đúng chuẩn quy định, đúng với các tiêu chí, nghiên cứu khoa học về ánh sáng, độ chói loá, tan loãng ánh sáng của ánh sáng trong lớp học…là lời khuyên mà các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về ánh sáng học đường khuyên các Sở GD&ĐT, Sở Khoa học Công nghệ, hiệu trưởng các trường, Sở Y tế các địa phương nên thực hiện, nhằm kéo giảm hiện tượng gia tăng đột biến tỉ lệ cận thị ở học sinh hiện nay. Tuy việc giảm tỉ lệ cận thị học đường không phải là chuyện làm trong một sớm một chiều nhưng việc các trường tại các địa phương của cả nước cần đồng bộ triển khai làm ngay là việc các nhà khoa học khuyến cáo. Song song việc tăng cường độ sáng đúng chuẩn quy định thì việc các cơ quan thiết kế xây dựng trường học cần phải có thiết kế chiếu sáng theo đúng chuẩn ánh sáng quy định- ánh sáng học đường, sở GD&ĐT các địa phương cũng cần yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện hệ thống chiếu sáng lớp học theo đúng chuẩn quy định. Theo tiến sĩ Trần Đình Bắc, việc để đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chiếu sáng lớp học các trường cần phải thực hiện đúng hai nguyên tắc: Một là lựa chọn nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng chất lượng cao, hiệu suất cao, tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường. Hai là: xây dựng mô hình thiết kế, lắp đặt chuẩn thông qua đội ngũ lắp đặt hệ thống chiếu sáng học đường của Hội chiếu sáng đô thị Việt Nam, của công ty bóng đèn Rạng Đông. Về tiêu chuẩn đèn lắp đặt và ánh sáng lý tưởng để học tập thì theo tiến sĩ Bắc việc sử dụng bộ đèn huỳnh quang 1x 36W- 220V, hoặc đèn huỳnh quang 3 phổ T8- 36W, chao đèn có thiết kế hợp lý, có tính khuếch tán ánh sáng, có nan chia quang nhằm hạn chế chống chói loá cho học sinh, nên lựa chọn nguồn sáng có nhiệt độ màu tích hợp với khí hậu Việt Nam. Bên cạnh đó nguồn sáng nên được phân chia và bố trí dọc theo lớp học, khắc phục hiện tượng sấp bóng do đèn quá thấp… Còn theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, tổng giám đốc Công ty RALACO thì việc để tăng độ sáng giảm tỉ lệ cận thị học sinh, tốt nhất các trường không nên sử dụng loại bóng đèn dây tóc mà thay vào đó bằng việc sử dụng hai bộ đèn huỳnh quang nói trên. Song song đó, các địa phương cần đẩy mạnh chính sách khuyến khích người dân, phụ huynh, các tổ chức kinh tế xã hội tham gia vào công tác xã hội hoá giáo dục, đóng góp kinh phí xây dựng trường lớp, cải tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em (ánh sáng đúng chuẩn, môi trường thoáng đãng). Nếu các địa phương và các trường thực hiện tốt công tác chiếu sáng học đường đúng chuẩn quy định trong lớp học, cùng phương pháp ngồi học, viết đúng quy tắc, quy chuẩn bàn ghế hợp lý với thể trạng từng em, chúng ta sẽ kéo giảm được tỉ lệ cận thị học đường cao như hiện nay xuống thấp trong thời gian sớm nhất.
Anh Tú
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)