Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chất lượng công trình giảm vì đưa hối lộ?

Tạp Chí Giáo Dục

 

TS Phạm Sỹ Liêm.

Bên lề Hội thảo quy hoạch, đầu tư và vận hành kết cấu hạ tầng xây dựng diễn ra sáng 12/12, TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới một số vấn đề liên quan đến tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cũng như Dự án Đại lộ Đông Tây.

Vụ án hình sự liên quan đến Dự án Đại Lộ Đông Tây đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông nhận định thế nào về việc này?

Tôi cho rằng quyết định khởi tố vụ án là việc cần phải làm. Những thông tin liên quan, phía Nhật Bản đã có cách đây gần nửa năm đủ để chúng ta thẩm định kỹ càng. Tất nhiên khi Nhật cung cấp thông tin, phía Việt Nam cũng phải điều tra. Song việc đến giờ ta mới khởi tố là quá chậm. Vấn đề xử lý chậm cũng sẽ làm giảm hiệu quả của sức răn đe.

Liên quan đến nguồn vốn ODA, theo ông, liệu có sức ép nào của phía Nhật Bản không. Chẳng hạn như “phải” dùng nguồn vốn ODA cho đơn vị này, đơn vị kia của Nhật trúng thầu?

Chúng tôi có tìm hiểu luật xây dựng hải ngoại của Hàn Quốc, theo đó, những nhà thầu của Hàn Quốc đi nước ngoài tập trung thành một hội riêng. Họ có thể có sự phân công cho người này, người kia trúng thầu để đảm bảo các nhà thầu có việc làm thường xuyên. Ở Nhật, tôi không biết họ có làm thế không nhưng các nhà kinh doanh của Nhật ở Việt Nam có nhà tổ chức hội và chắc họ có sự phối hợp với nhau để các nhà thầu có việc làm ở các nước.

Vấn đề tham nhũng trong đầu tư xây dựng thường liên quan tới việc đấu thầu. Là một người có kinh nghiệm trong ngành xây dựng, ông có thể nói rõ hơn không?

Mặc dù chúng ta càng ngày càng hoàn thiện trong việc phát hiện sơ hở trong khâu đấu thầu, song vẫn còn sơ hở. Theo tôi, cái quan trọng là phải minh bạch. Minh bạch về thông tin sẽ cho phép nhiều đơn vị tham gia đấu thầu và họ sẽ tự giám sát lẫn nhau, giảm tiêu cực.

Thực tế hiện nay, có thể lúc đấu thầu anh đưa ra giá rất thấp nhưng chưa chắc giá thấp ấy đã phải là giá của hai bên thoả thuận, vì sau đó còn có thời gian để nghiên cứu ký kết hợp đồng. Giá đấu thầu chỉ là để chọn lựa còn sau khi ký kết hợp đồng, giá mới là thật. Giá ký kết hợp đồng thường cao hơn giá đấu thầu mà giá hợp đồng thường không công bố. Điều này không minh bạch.

Để thắng thầu trong sự “không minh bạch” ấy, có thể hiểu là có việc đưa hối lộ. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng công trình sẽ kém đi…?

Tôi chưa thể khẳng định điều này. Tuy nhiên, thông thường khi ai đó đưa hối lộ, số tiền đầu tư cho công việc sẽ giảm. Người ta có thể phải thuê nhà thầu phụ ở nước sở tại làm việc để tiết kiệm chi phí. Không ai cấm họ làm việc này, song nếu các nhà thầu phụ mà kém thì chất lượng công trình sẽ có vấn đề.

Rõ ràng tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng vẫn còn rất nhức nhối. Chúng ta nên làm gì để ngăn chặn, thưa ông?

Chống tham nhũng cần phải xem xét ở 3 khía cạnh. Một là nhà nước – người quản lý chính quyền, hai là khối thị trường phải giám sát nhau, ba là khối xã hội dân sự phải giám sát cả hai khối trên.

Tôi đoán là ở Nhật, sở dĩ thông tin liên quan đến dự án Đại lộ Đông Tây bại lộ là do thị trường giám sát nhau. Việt Nam cũng nên học Nhật trong việc các doanh nghiệp phải giám sát nhau tạo nên môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Chúng ta cần học tập kinh nghiệm thế giới, trong đó chính phủ phải chống tham những. Nhưng chúng ta không được ỷ lại vào chính phủ mà thị trường cũng phải giám sát nhau do đó các hiệp hội nghề nghiệp phải phát huy vai trò giám sát, khối xã hội dân sự như tổng hội xây dựng cũng phải có giám sát. Nói như vậy nhưng việc này không phải dễ thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương (ghi)- dantri.com.vn

 

Bình luận (0)