Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chất lượng của hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản còn nhiều hạn chế

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong những năm gần đây, mạng lưới chăm sóc sức khoẻ bà mẹ – trẻ em đã được hình thành và phát triển ở tất cả các tuyến. Tuy mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) đang ngày càng được củng cố và phát triển nhưng kết quả khảo sát thực trạng cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại cả về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, thuốc thiết yếu và khả năng cung ứng dịch vụ.
Hiện nay, toàn quốc có 64 trung tâm CSSKSS tỉnh, 697 trung tâm y tế huyện, 10.926 trạm y tế xã, 11 bệnh viện chuyên khoa sản, 12 bệnh viện chuyên khoa nhi, 3 bệnh viện sản nhi tuyến tỉnh, 7 bệnh viện đa khoa trung ương, 125 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 615 bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa sản, khoa nhi. Tỷ lệ thôn/bản có nhân viên y tế cộng đồng, hệ thống các bệnh viện chuyên khoa sản, nhi cũng được củng cố, nâng cao chất lượng, nhiều trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, chất lượng y tế ở nhiều nơi vẫn chưa tương xứng với “danh hiệu” đang có.
Theo tiêu chuẩn, trung bình mỗi trạm y tế (TYT) ở nước ta có gần 9 phòng, trong đó có khoảng 3 phòng dành cho CSSKSS. Tuy nhiên, tỷ lệ TYT có đủ 6 phòng mới đạt 7,4%, tỷ lệ trạm có tối thiểu 4 phòng dành cho CSSKSS cũng mới chỉ đạt 12,6%. Đặc biệt, trong tổng số 9185 TYT có cung cấp dịch vụ  đỡ đẻ thường, chỉ có 3579 TYT có phòng đẻ riêng, đạt 39,3% và 3,1% TYT hoàn toàn không có phòng nào dành cho CSSKSS. Những con số này cho thấy thách thức lớn nhất vẫn là đầu tư ngân sách vào cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Mặc dù đã có dự án mục tiêu quốc gia nhưng mới chỉ đáp ứng một phần và cũng mới chỉ có để đầu tư chủ yếu cho các tỉnh miền núi, tỉnh khó khăn.
Thiếu thốn nhân lực
Ngành y tế đang đứng trước khó khăn về vấn đề nhân lực: việc đào tạo sao cho đủ số lượng, sử dụng sao cho hợp lý, có sự điều tiết trong ngành để bảo đảm phát triển đồng bộ và toàn diện tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực về trình độ chuyên môn là rất khó.
Hiện nay, tỷ lệ TYT có bác sĩ toàn quốc đạt xấp xỉ 63%, tuy nhiên tỷ lệ này còn thấp ở các vùng khó khăn như Tây Bắc (37,4%), Tây Nguyên (46,3%). Đặc biệt, tại 61 huyện nghèo nhất nước, tỷ lệ TYT có bác sĩ mới đạt 34,5%.

 
Đầu tư nhân lực cho ngành y tế là nhu cầu cấp thiết

 
 
Tại tuyến huyện, tỷ lệ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) có thạc sĩ/bác sĩ chuyên khoa sản hoặc tương đương mới đạt 54,8%, trung bình mỗi bệnh viện mới có 0,81 bác sĩ sản. Bên cạnh đó, tình hình nhân lực về nhi khoa còn thiếu thốn hơn, tỷ lệ BVĐK huyện có bác sĩ chuyên khoa Nhi mới đạt 31,9%. Vẫn còn 46,2% đội trưởng/trưởng khoa có trình độ là y sĩ hoặc nữ hộ sinh, đặc biệt tại các huyện nghèo nhất, tỷ lệ này là 66%.
Tại tuyến tỉnh, nhân lực về chuyên khoa sản khá đầy đủ, tỷ lệ trung tâm CSSKSS tỉnh và BVĐK tỉnh có bác sĩ chuyên khoa cấp I sản đạt hơn 90%. Tuy nhiên, tình hình nhân lực về nhi khoa vẫn rất thiếu thốn: Chỉ có 75,5% BVĐK tỉnh và 37,5% trung tâm CSSKSS tỉnh có bác sĩ chuyên khoa cấp I nhi.
Toàn quốc, chỉ có 61% trung tâm CSSKSS tỉnh có cán bộ được đào tạo về nội dung siêu âm sàng lọc dị tật thai nhi, 55% trung tâm có cán bộ được đào tạo về soi cổ tử cung, 50% trung tâm có cán bộ được đào tạo về khám sàng lọc và điều trị ung thư sinh sản, 34% trung tâm có cán bộ được đào tạo về hỗ trợ sinh sản và 26,6% Trung tâm có cán bộ được đào tạo về sàng lọc sơ sinh.
GS. Nguyễn Duy Khê – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho biết ông rất băn khoăn trước thực trạng nguồn nhân lực y tế được đào tạo nhưng không thực hành đúng nghề, dẫn đến mai một và lãng phí như dược sĩ, bác sĩ tốt nghiệp ra trường làm trình dược viên thay vì làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc, phòng kiểm nghiệm… Chính vì thế, cần phải điều chỉnh cơ chế chính sách để thực sự thu hút và trọng dụng nhân tài, tôn trọng trí thức, phát huy tính năng động sáng tạo, chú trọng đánh giá cán bộ theo hiệu quả công việc và nhiệt tình công tác.
Bên cạnh đó, cần bổ sung, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ y tế cho các điểm cung cấp dịch vụ dân số và SKSS, đảm bảo các yêu cầu về quy trình, ưu tiên tuyến cơ sở và khu vực khó khăn. Chú trọng đảm bảo các phương tiện vận chuyển, trang thiết bị và dụng cụ y tế để đưa dịch vụ đến tận người dân và chuyển tuyến ở những địa bàn khó khăn về giao thông. Củng cố, nâng cấp hệ thống dự trữ, bảo quản, cung cấp thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm thiết yếu phục vụ các dịch vụ SKSS và KHHGĐ trong mạng lưới cung cấp thuốc, trang thiết bị y tế.
T.L (Tổng hợp)
(ĐCSVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)