Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Chất lượng đào tạo: Không thể “vơ đũa cả nắm”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Đầu tuần qua, tại kỳ thi công chức tỉnh Nam Định năm 2011, các ứng viên tốt nghiệp từ các trường ĐH dân lập, tư thục đã không được chấp nhận hồ sơ dự tuyển. Cuối tuần, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã đề nghị Bộ GD-ĐT cho kéo dài thời gian tuyển sinh năm nay do không tuyển đủ thí sinh. Hai sự kiện riêng rẽ này phải chăng có mối quan hệ trong câu chuyện buồn về chất lượng đào tạo ngoài công lập hiện nay?

Thực hành chuyên ngành Dược tại Trường Đại học Y tế công cộng. Ảnh: Hữu Oai
Sinh viên bị tước cơ hội
Sau việc Đà Nẵng từ chối tuyển dụng người tốt nghiệp ĐH tại chức vào cơ quan hành chính năm 2010, tỉnh Nam Định lại đang khiến dư luận xôn xao vì từ chối ứng viên tốt nghiệp từ các trường ngoài công lập. Trong đợt tuyển dụng công chức năm 2011 vừa qua, ngay khi sàng lọc hồ sơ, Hội đồng tuyển dụng công chức tỉnh Nam Định đã loại những ứng viên tốt nghiệp tại các trường ĐH dân lập hoặc tư thục cùng với các ứng viên học ngành đào tạo không phù hợp. Trong đó có cả một số người đã tốt nghiệp Trường ĐH Lương Thế Vinh, một trường trên địa bàn tỉnh này. Trước đó, trong một thông báo, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã nêu rõ: "Người dự tuyển công chức phải có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn tại các trường công lập, có trình độ, ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm…".
Quyết định này của Nam Định đã gây nên nhiều ý kiến tranh luận. GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập khẳng định việc làm này là sai nguyên tắc và vi phạm luật, bởi Luật Giáo dục không cho phép phân biệt trường công lập và dân lập, tư thục, vì vậy sinh viên tốt nghiệp các trường đều có quyền lợi như nhau. GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, quy định của UBND tỉnh Nam Định là không đúng luật bởi cơ hội tham gia tìm kiếm việc làm là công bằng với tất cả mọi người. Sự phân biệt này là không thể chấp nhận được đối với các loại văn bằng nằm trong hệ thống văn bằng của Nhà nước. Theo ông, các doanh nghiệp có thể đặt ra những điều kiện riêng để tuyển dụng lao động, song cơ quan nhà nước mà đưa ra những hướng dẫn như vậy thì là trái với thẩm quyền, không đúng tinh thần quản lý nhà nước.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đặt vấn đề: Nếu sinh viên các trường ngoài công lập bị tước đi cơ hội thì Nhà nước đào tạo và công nhận họ làm gì? Ông cho rằng chính những quy định như vậy đang ngăn cản chủ trương khuyến khích xã hội hóa giáo dục của Nhà nước.
Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu quan điểm: Bằng tốt nghiệp của các trường công lập và ngoài công lập có giá trị pháp lý như nhau và cần được đối xử công bằng. Mặc dù người sử dụng lao động có quyền tuyển dụng song đối với cán bộ công chức nhà nước thì phải bảo đảm công bằng trên cơ sở thực hiện đúng các quy định hiện hành về giá trị bằng cấp.
Gắn chất lượng với sự tồn tại
Bên cạnh phần lớn ý kiến đồng tình rằng việc Nam Định "vơ đũa cả nắm" với các SV tốt nghiệp trường ngoài công lập là một thiệt thòi cho họ, nhiều chuyên gia giáo dục cũng như các nhà tuyển dụng đã phải thừa nhận: chất lượng đào tạo của các trường này nhìn chung thấp hơn các trường công lập. Tình trạng tuyển sinh ngày càng khó khăn trong những năm gần đây đã phần nào phản ánh điều đó. Mỗi năm Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại kiến nghị Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian tuyển sinh, chuyển chỉ tiêu từ ĐH sang CĐ hòng vớt vát thêm thí sinh. Những kiến nghị bỏ điểm sàn, hạ điểm sàn năm nào cũng được đề cập tới như một phương cách "cứu" các trường ngoài công lập. Trong khi đó, nhiều trường ĐH được thành lập một cách dễ dãi với điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, lực lượng giảng viên mỏng… Thực tế nói trên tạo cơ sở cho sự nghi ngờ chất lượng sinh viên – sản phẩm đầu ra có xuất phát điểm thấp, "ra lò" từ những cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.
Không phải bây giờ mới siết chặt tiêu chí tuyển dụng, từ năm 2007, Nam Định đã có chủ trương "chỉ tuyển dụng mới những người đã tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy vào làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể". Ngoài ra, không chỉ các cơ quan nhà nước mà nhiều doanh nghiệp cũng ngần ngại với tấm bằng ngoài công lập qua thực tế sử dụng lao động. Sự phân định về bằng cấp trường công – trường tư rõ ràng là một lời cảnh báo nữa liên quan đến chất lượng đào tạo.
Theo một chuyên gia giáo dục, câu chuyện của Nam Định, và trước đó của Đà Nẵng, là những hiện tượng thể hiện thái độ của xã hội trước đòi hỏi nâng cao chất lượng đào tạo. Việc một số trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu cũng là dấu hiệu cho thấy có sự phân hóa về chất lượng giữa các cơ sở đào tạo. Nhà tuyển dụng và người học đã ở thế được lựa chọn và đó chính là động lực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
Khi chất lượng gắn với sự tồn tại, việc một số trường phải giải thể là điều khó tránh khỏi. Trải qua được sự sàng lọc tự nhiên ấy, chất lượng các cơ sở đào tạo và sản phẩm đầu ra có thể được nâng lên, được xã hội thừa nhận. Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đang kêu gọi các thành viên nâng cao chất lượng đào tạo nhưng có lẽ đó là việc lâu dài. Còn trước mắt, họ vẫn phải dùng các phương cách "truyền thống" để duy trì sự tồn tại của mình: kiến nghị Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian tuyển sinh, hạ điểm sàn…
Theo Quỳnh Phạm
(HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)