Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chất lượng đào tạo nghề ở VN đứng gần chót ASEAN, vì sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của 141 nền kinh tế trên thế giới. Ở chỉ tiêu chất lượng đào tạo nghề, VN thăng 13 bậc so với năm 2018, nhưng vẫn đứng gần chót ASEAN.

Giáo dục nghề nghiệp VN phải thay đổi rất nhiều mới có được năng lực cạnh tranh ngay tại các quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: Văn Lý

Thăng cao nhất nhưng vẫn đứng thứ 8 trong ASEAN

Báo cáo này của WEF đánh giá dựa trên 12 trụ cột gồm thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe, kỹ năng, thị trường cho sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, sự năng động của doanh nghiệp (DN) và năng lực đổi mới sáng tạo. VN xếp thứ 67/141 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh nói chung, thăng 10 bậc so với năm 2018.
Cụ thể hơn, tại đánh giá về trụ cột kỹ năng, VN tăng 2,7 điểm và 4 bậc (từ thứ 97 lên thứ hạng 93), với sự ghi nhận cải thiện tích cực trên tất cả các chỉ số thành phần. Trong đó, đáng chú ý nhất là chất lượng đào tạo nghề đạt 44/100 điểm (tăng 3 điểm), xếp thứ 102/141, thăng 13 bậc so với năm 2018. So với các mục còn lại trong trụ cột kỹ năng (gồm kỹ năng của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, mức độ đào tạo nhân viên và mức độ dễ dàng tìm kiếm lao động lành nghề…), chỉ tiêu chất lượng đào tạo nghề nghiệp tăng mạnh nhất. Đồng thời, so với các nước trong khối ASEAN, chỉ số này của VN cũng có mức độ thăng hạng số 1. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề của VN hiện vẫn đứng thứ 8 (sau Lào, trên Campuchia và Myanmar).
Việc nâng xếp hạng 13 bậc, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của VN năm nay đã vượt chỉ tiêu trong nghị quyết của Chính phủ (ngày 1.1.2019). Thế nhưng, theo các chuyên gia, GDNN VN phải thay đổi rất nhiều mới có được năng lực cạnh tranh ngay tại các quốc gia Đông Nam Á.

Đầu tư quá dàn trải, chất lượng giáo viên chưa cao

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội GDNN VN, cho rằng có 3 yếu tố khiến GDNN VN hiện nay chưa có cơ hội bứt phá để nằm trong tốp cao của ASEAN.
“Thứ nhất, đội ngũ giáo viên đào tạo nghề nhìn chung đang rất yếu. Họ thiếu kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, thiếu trải nghiệm thực tế nên kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn chưa đủ để đào tạo ra nhiều người thợ giỏi. Thứ hai, quan hệ giữa nhà trường với DN rất kém nên những gì trường nghề đào tạo vẫn chưa sát với thực tế. Những DN vừa và nhỏ chưa nhận thức được vai trò trong việc cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo về nhân lực để thấy việc bắt tay với trường nghề là cần thiết. Trong khi đó, nhiều trường lại chưa tạo được niềm tin với DN về chất lượng, nên khi tiếp xúc với DN, không đủ tự tin để bắt tay”, tiến sĩ Vinh nhìn nhận.
Vấn đề cuối cùng, theo tiến sĩ Vinh là việc đầu tư vào chất lượng đào tạo hiện nay quá dàn trải, không có quy hoạch, không tận dụng được nguồn lực quốc gia, gây lãng phí và hiệu quả rất thấp.
Ông Lưu Đức Tiến, Phó chủ tịch Hội GDNN TP.HCM, cũng cho rằng việc đầu tư vào các trường nghề đang phân bổ theo kiểu “lộc bất khả hưởng tận”. Nghĩa là kinh phí thay vì chỉ nên mỗi trường một vài ngành và các ngành ở mỗi trường phải không trùng nhau, thì lại dàn ra rất nhiều trường và nhiều ngành.
“Nhất thiết phải quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường nghề và ngành nghề để đầu tư một cách tập trung. Về chương trình đào tạo thì hiện đã rất tốt vì chúng ta nhập khẩu rất nhiều từ nước ngoài. Tuy nhiên, chất lượng giáo viên phải được nâng cao, trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất đầy đủ thì mới đồng bộ”, ông Tiến cho hay.

Thiếu kết nối với doanh nghiệp

Là một nghiên cứu sinh chuyên ngành đào tạo nghề tại ĐH Chemnitz, CHLB Đức, ông Võ Xuân Tiến khẳng định chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại VN chính là tạo sự gắn kết bền vững giữa nhà trường và DN.
Ông Tiến cho biết: “Hợp tác đào tạo giữa DN và nhà trường hiện tại không phải là “ban ơn”, mà chính xác hơn là “miễn cưỡng”. Giám đốc của một công ty khuôn mẫu, nơi tôi đi thực tế, đã nói thẳng: máy móc của chúng tôi đầu tư vào là để sản xuất và chúng tôi thực sự chỉ muốn nhận sinh viên thực tập khi có nhu cầu mở rộng sản xuất hoặc vừa nhập thêm máy móc mới”.
Ông Tiến cũng từng hỏi sinh viên tốt nghiệp trường nghề về những khó khăn gặp phải khi bắt đầu làm việc tại công ty, hầu hết đều xác nhận mình bỡ ngỡ với máy móc, thiết bị tại nơi làm việc. “Do đó, nhất định nhà trường phải liên kết với DN để đào tạo mới có thể nâng cao chất lượng, vì nhà trường có đầu tư bao nhiêu cũng không thể bắt kịp với thực tế tại DN. Muốn như vậy, hai bên phải cùng xây dựng chương trình đào tạo. Trong đó, xác định rõ vai trò của từng bên trong việc thực hiện”, ông Tiến cho biết.
Tuy nhiên, để hợp tác được với DN, bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương, cho rằng hiện nay luật GDNN, các thông tư… cũng đã khuyến khích DN đào tạo nghề cùng nhà trường, nhưng lại chưa có chính sách cụ thể nào cho thấy DN có được quyền lợi gì từ việc này. Do đó, việc kết nối vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia dạy nghề

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân cho biết xếp hạng của WEF dựa trên kết quả khảo sát độc lập của họ với DN. Do đó, chất lượng đào tạo nghề của VN tăng lên, thể hiện mức độ hài lòng của DN với dạy nghề được cải thiện.
“Tuy nhiên, xếp hạng hiện nay vẫn rất thấp. GDNN cần tiếp tục cố gắng rất nhiều để nâng cao chất lượng đào tạo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ ưu tiên ban hành nghị định khuyến khích DN tham gia dạy nghề.Tiếp đó là đẩy mạnh cơ chế tự chủ. DN cũng phải thấy được trách nhiệm, thấy được việc không thể có lao động kỹ năng nếu không hợp tác với trường nghề, loại bỏ tư duy DN đứng ngoài cuộc và chỉ chờ để tuyển sinh viên tốt nghiệp”, ông Lê Quân khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký quyết định đầu tư các trường CĐ chất lượng cao. Đến 2025 sẽ có khoảng 100 trường, trong đó 70% công lập.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)