Sự kiện giáo dụcTin tức

Chất lượng Giáo dục đại học Việt Nam: Cần kiểm định nghiêm túc

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM trong giờ tự học

Nhiều đại biểu tham gia hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với giáo dục ĐH ở Việt Nam” do Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 22 và 23-12 đã cùng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, thách thức của nền giáo dục ĐH nước nhà.
Còn rối rắm…
Dự báo đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 8,5- 9 triệu thanh niên trong độ tuổi học đại học (18-22 tuổi). Theo quan điểm của các chiến lược gia về giáo dục đại học (ĐH) trên thế giới thì cần ít nhất trên 15% thanh niên trong số đó mới thích hợp với nền kinh tế công nghiệp và nền kinh tế tri thức.
PGS.TS Lê Quang Minh (Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) nhận định, tốc độ cải cách giáo dục nước ta đã bị bỏ xa so với tốc độ cải cách kinh tế. Các ĐH hiện vẫn cung cấp nguồn nhân lực rất cũ trong khi nhu cầu của nền kinh tế thì ngược lại. Điều này không thể quy trách nhiệm hết cho các ĐH mà còn do sự chậm cải cách trong các cơ chế chính sách mang tính vĩ mô. Ông Minh cho rằng, hệ thống giáo dục cũ bộc lộ không ít bất cập. SV tốt nghiệp thiếu kỹ năng mềm trong khi đây là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng nhất hiện nay; chương trình đào tạo cứng, khó liên thông nên kém thích ứng cơ chế thị trường hiện thời. Phần đông SV “chuộng” thị trường việc làm nhà nước mà bỏ qua thị trường tư nhân đang rất phát triển…
Việc gia tăng hàng loạt trường ĐH mới trong thời gian qua cũng khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi về chất lượng. Chỉ từ năm 1998-2009, đã có 30 trường ngoài công lập và 1 ĐH công lập chào đời. Thực tế, các trường ĐH mới cũng đối mặt với không ít khó khăn. TS. Trần Thị Hà (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) nêu: “Nhà đầu tư (nhất là nhà đầu tư tư nhân) thường không tuyển dụng và trả lương cho giảng viên, cán bộ quản lý cũng như không đầu tư cơ sở vật chất khi chưa có quyết định thành lập trường”. Các trường tư thục mới, đóng tại địa phương trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ giảng viên cơ hữu do cán bộ, giảng viên ngại đầu quân về khi chưa có trường. Trình độ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ, thạc sĩ còn thấp so với mặt bằng chung. Đa số các trường chưa thực hiện đúng cam kết trong đề án khả thi thành lập trường, nhằm vào các việc: xây dựng cơ sở vật chất mới, đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, công tác hậu kiểm…
Trong khi đó, chất lượng tuyển sinh ĐH vẫn còn trong tình trạng đáng lo ngại. Cho biết của GS. Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh): “Đề thi tuyển sinh vào ĐH mấy năm gần đây không khó nhưng vẫn có nhiều điểm 0 cho các môn tự luận. Điểm sàn vẫn dừng ở mức 13, có nhiều trường vẫn lấy dưới mức sàn. Đầu vào thấp vậy khiến công tác đào tạo gặp nhiều khó khăn”. Ông Cương nhấn mạnh việc phân luồng theo định hướng nghề nghiệp đối với học sinh THPT. Nên thiết kế hệ thống giáo dục sao cho sau khi tốt nghiệp THCS, có khoảng 30% học sinh chuyển sang học nghề; khoảng 30-40% học sinh tốt nghiệp THPT học cao đẳng nghề; quy định điều kiện hợp lý đối với học sinh dự thi ĐH.
Cần “đo” chất lượng ĐH

SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong ngày lễ nhận bằng tốt nghiệp

Vấn đề kiểm định chất lượng các trường ĐH và chương trình đào tạo được nhiều đại biểu đặt ra nhằm hướng đến mục tiêu cải tiến nền giáo dục ĐH. PGS.TS Nguyễn Phương Nga (ĐHQG Hà Nội) đề nghị nên có những thay đổi căn bản về cơ chế quản lý giáo dục ĐH. Cần bổ sung và điều chỉnh quy định về chu trình, chu kỳ kiểm định chất lượng các ĐH. Việc kiểm định chất lượng nên giao cho một tổ chức kiểm định độc lập, có tư cách pháp nhân và chuyên môn sâu về đo lường đánh giá và kiểm định chất lượng thực hiện. Các kết quả kiểm định cần được công khai kịp thời. Theo bà Nga, hiện chúng ta chưa có quy định mức thưởng/phạt cho các trường tham gia kiểm định. Sau khi kiểm định, trường đạt chất lượng thì lại tiếp tục được dõi sát, nếu phát hiện có sai phạm sẽ bị “thu hồi”. Còn trường chưa đạt chất lượng thì… không sao cả.
Trong phương hướng cải tiến chất lượng giáo dục ĐH, nhiều nhà giáo dục tiếp tục trở lại vấn đề từng tạo ra nhiều hướng dư luận trước đây là xếp hạng các ĐH. Việc xếp hạng các ĐH theo nhiều lĩnh vực nhất định sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng đầu ra. TS. Cao Đắc Hiển (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng tự động hóa CommanD – HUI) đưa quan điểm lấy người học làm trung tâm. Theo đó, trường ĐH như chủ thương hiệu, người học như khách hàng. Mục tiêu của việc xếp hạng là để khách hàng biết được trường nào kinh doanh tốt mà lựa chọn. Việc đánh giá không ngoài mục đích bảo vệ quyền lợi khách hàng.
“Giấc mơ” ĐH đỉnh cao?
TS. Phạm Thị Ly (Dự án ĐH Tân Tạo) mở ra hình dung về mô hình ĐH hiệu quả. Đó được xem là một hệ sinh thái đại học đa dạng hình tháp. Trong đó, có những trường cao đẳng cộng đồng đáp ứng nhu cầu đào tạo kỹ năng nghề nghiệp để SV tốt nghiệp có thể đi làm ngay những công việc bình thường. Có những trường ĐH tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lớp kỹ sư, cử nhân với khả năng tổ chức công việc theo hệ thống quy mô nhỏ. Chóp nhọn của hệ thống dành cho những ĐH đỉnh cao, tập trung nghiên cứu, đào tạo tinh hoa. Theo bà Ly, ĐH đẳng cấp quốc tế không phải là mục tiêu trước mắt của Việt Nam, hiện chúng ta cần là một trường ĐH đỉnh cao theo những chuẩn mực của quốc tế. Để hướng đến mục tiêu này, bên cạnh hai nguồn lực con người và tài chính, còn phụ thuộc vấn đề cơ chế. Nhà nước nên có cơ chế quản trị thuận lợi cho các trường có không gian thực hiện sáng kiến. “Làm sao tạo được các trường ĐH đỉnh cao theo những chuẩn mực quốc tế nếu nhất cử nhất động các trường đều phải xin phép, từ nội dung đào tạo đến chỉ tiêu tuyển sinh? Vai trò của Nhà nước không phải kiểm soát mà xác lập các nguyên tắc đúng đắn và giám sát việc thực hiện các nguyên tắc ấy. Không có mức độ tự chủ cần thiết, các trường sẽ hết sức khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là để tạo ra sự ưu tú” – Bà Ly nói.
Nhưng cũng có ý kiến không đồng tình việc xây dựng rầm rộ các ĐH có đẳng cấp quốc tế, chỉ nên dừng lại một số trường thôi. Bởi không chắc chắn những SV sau khi bỏ rất nhiều kinh phí học tập (trong khi các trường cũng đổ nhiều kinh phí đầu tư giảng dạy) có cống hiến cho đất nước hay lại ra nước ngoài tìm môi trường làm việc lương cao để bù lại kinh phí đã học.
MÊ TÂM
Hiện cả nước có 226 trường cao đẳng, 150 trường ĐH và 71 viện nghiên cứu có đào tạo sau ĐH. Số cơ sở đào tạo sau ĐH trên cả nước là 159, trong đó 121 cơ sở đào tạo tiến sĩ, 100 cơ sở đào tạo thạc sĩ. 4 ĐH ngoài công lập cũng đã được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)