Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Chất lượng giáo dục đang thụt lùi?

Tạp Chí Giáo Dục

Đọc bài viết Đầu vào tuyển sinh sư phạm: “tuột dốc” không phanh, tôi rất tâm đắc nhưng cảm giác rất buồn vì thực trạng giáo dục trong hiện tại cũng như tương lai của nền giáo dục nước ta thật sự đáng báo động!
Thí sinh tìm hiểu thông tin trước ngày thi tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong kỳ tuyển sinh năm 2011 – Ảnh: Như Hùng
Một thực tế đáng quan tâm hiện nay là hầu hết học sinh (trong đó thật sự có cháu của tôi) sau khi tốt nghiệp THPT đều ngó lơ và không chọn ngành sư phạm để học, dù hàng chục năm nay Nhà nước có nhiều chủ trương cũng như chính sách hỗ trợ sinh viên ngành sư phạm như miễn giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ gia đình khó khăn… Đa số chỉ có những học sinh trong gia đình nghèo lựa chọn ngành sư phạm để không phải đóng học phí, bố mẹ đỡ vất vả gánh nặng nuôi con ăn học.
Chính sách của Nhà nước cho sinh viên ngành sư phạm vẫn chưa đủ, thực tế có nhiều trường “kêu” thiếu giáo viên các bộ môn nhưng nhiều sinh viên ngành sư phạm ra trường thất nghiệp không kiếm được việc làm? 
Tôi biết có em thất nghiệp đến năm năm trời ở nhà phụ giúp cha mẹ. Nếu tìm được việc giảng dạy thì chỉ là hợp đồng ngắn hạn, kết thúc hợp đồng ở trường này phải lo chạy để kiếm hợp đồng giảng dạy ở trường khác.
Như trường hợp của đứa cháu bạn tôi, tốt nghiệp ĐH Sư phạm ngành toán ra trường từ năm 2005 đến giờ vẫn chưa vào biên chế một trường nào mà vẫn phải dạy hợp đồng, hết trường này đến trường khác. Một tiết giảng dạy vài chục ngàn đồng, mức lương không đủ sống phải dạy thêm đến khuya mới về nhà là chuyện thường ngày. Nhiều lúc học trò muốn đến thăm thầy giáo nhân ngày nhà giáo Việt Nam nhưng thầy thuê ở phòng trọ thì lấy đâu chỗ tiếp đón học trò?
Một thực trạng đáng lo ngại hơn cho nền giáo dục là nhiều ngành sư phạm, trong đó có sư phạm lịch sử, nhiều bài thi chỉ đạt điểm 0,25, cận điểm liệt nhưng vẫn đậu vào ngành sư phạm lịch sử và điều đó đồng nghĩa sau hơn bốn năm học và tốt nghiệp ra trường họ sẽ là những cử nhân sư phạm lịch sử, là những thầy giáo giảng dạy lịch sử trong tương lai truyền đạt lại kiến thức cho thế hệ tiếp theo?
Năm 1997 em trai tôi thi ba trường đậu hai trường, không đỗ vào trường đại học sư phạm khoa lịch sử dù tổng điểm cả ba môn thi đạt 15,5 điểm, trong đó môn lịch sử đạt 5,5 điểm.
Tôi chợt nghĩ không lẽ nền giáo dục của mình đang “tụt hậu”, thụt lùi so với cách đây gần 15 năm trước mà đáng lẽ ra theo thời gian phải phát triển và nâng tầm giáo dục của nước nhà lên mới phải. 
Vì chất lượng của nền giáo dục nước nhà, tôi cho rằng nếu không đủ chỉ tiêu tuyển sinh vào một số trường, một số ngành thì việc “đóng cửa” là điều tất yếu, cần thiết và dễ dàng thông cảm chứ không có chuyện cố hạ thấp điểm sàn để tuyển sinh cho được chỉ tiêu. Hạ điểm sàn đến mức không thể chấp nhận được cũng đồng nghĩa với việc hạ thấp chất lượng giáo dục và nền giáo dục nước nhà đang ngày càng đi xuống.
Bên cạnh đó, để ngành sư phạm thu hút nhiều người lựa chọn, ngành giáo dục cũng như nhà trường phải quan tâm nhiều hơn đến chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, hỗ trợ nhà ở… cho giáo viên. Chỉ khi nào Nhà nước, nhà trường làm được những điều đó, tôi tin ngành sư phạm sẽ nâng cao được chất lượng cũng như thu hút nhiều nhân tài quan tâm đến ngành sư phạm hơn!        
Theo NGUYỄN ĐƯỚC
(TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)