Chất lượng giáo dục đại học yếu kém đã được nhiều nhà giáo, nhà khoa học cảnh báo từ nhiều năm nay chứ không phải sau sự kiện Nam Định “chê” sinh viên dân lập mới được đưa ra bàn thảo.
Yếu kém kéo dài từ nhiều năm
Không phải sau sự kiện UBND tỉnh Nam Định thông báo không tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học (DDH) dân lập, tư thục hay tại chức thì các nhà giáo, chuyên gia giáo dục (GD), nhà khoa học… mới lên tiếng cảnh báo chất lượng GD ĐH mà họ đã lên tiếng từ nhiều năm nay.
GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho hay: “Tuy nước ta đã 25 năm xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, song quản lý GD vẫn rơi rớt nặng nề “chưa chịu” rời bỏ tính tập quyền, quan liêu, bao cấp. Quản lý GD vẫn mang nặng cơ chế cũ theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung; chưa phân cấp quản lý GD thực sự, triệt để. Kéo dài vấn nạn quản lý theo kiểu “xin – cho”. Các cơ sở GD tuy có được giao quyền tự chủ và tính trách nhiệm, song vẫn theo cách ban phát nhỏ giọt. Quản lý nhà nước về GD vẫn đang nặng nề trong quản lý theo kiểu kiểm soát phân tán, manh mún mà chưa chuyển sang thực hiện được quản lý nhà nước bằng giám sát mọi hoạt động GD”.
GS Hoàng Tụy cũng đã thẳng thắn nhận xét: “GD đại học đã đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới và đó chính là nguồn gốc của mọi thứ khó khăn vấp váp đã khiến chúng ta ngày càng chìm sâu trong lạc hậu từ nội dung, phương pháp giảng dạy, cho đến việc đào tạo tiến sĩ, tuyển chọn giáo sư, đánh giá công trình khoa học. Các nhà khoa học, các trường ĐH, đến nay chúng ta vẫn giữ tiêu chuẩn riêng lạc hậu và chẳng giống ai. Mặc dù đã trải qua mấy chục năm trời xây dựng, ĐH của ta vẫn còn ngổn ngang rất nhiều vấn đề đòi hỏi không chỉ phải đổi mới mà phải thay đổi tận gốc, từ chiến lược phát triển cho đến từng việc quản lý cụ thể. Đặc biệt là việc phân cấp quản lý và vấn đề tự trị ĐH, các loại trường công, tư, lợi nhuận và phi lợi nhuận”.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã từng thừa nhận thực tế gần 30 năm qua, Việt Nam chưa thực sự quản lý được chất lượng GD ĐH.
GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD, khẳng định: “ĐH là đào tạo ra những đội ngũ lao động tri thức chất lượng cao, nếu để tình trạng kém chất lượng kéo dài rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tiền đồ của xã hội”.
“Cụ thể nhất là vấn đề kiểm định chất lượng GD ĐH. Trước đó, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các chuyên gia nước ngoàiđể thực hiện kiểmđịnh thí điểm 20 trường ĐH thuộc“tốp trên”.Kết quả kiểm định cho thấy, không có một trường ĐH nào ở Việt Nam đạt chuẩn cơ sở vật chất như nhà học, phòng thí nghiệm, giáo trình… Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên thìvừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng” – GS Hạc dẫn dụ.
Để xoay chuyển được tình hình này, GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng: “Chỉ có Chính phủ mới quyết định được. Cần phải có biện pháp giải quyết triệt để, nếu để lâu thì “ung nhọt” vỡ ra, rất khó giải quyết”.
Nhiều doanh nghiệp phải mất thêm thời gian để đào tạo lại sinh viên mới tốt nghiệp.
Nhà tuyển dụng cũng buồn
Nhận xét về sinh viên (SV) hiện nay khi ra trường, nhiều nhà tuyển dụng đều khẳng định phải đào tạo lại mới làm được việc. Thậm chí nhiều SV tốt nghiệp “bằng đỏ” vẫn trượt trong thi tuyển.
Tại hội thảo mới đây tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, ông Trương Quang Luyến, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà, nhận xét về SV: “Kiến thức chuyên ngành không chắc chắn. Nhiều SV mới ra trường khi phỏng vấn tuyển dụng hoặc bắt đầu công việc thể hiện rõ kiến thức được đào tạo đọng lại trong đầu không còn nhiều hoặc không có hệ thống. Hầu hết các SV mới ra trường đều được đánh giá thấp trong khả năng lập kế hoạch hay xây dựng chiến lược”.
TS. Đoàn Hồng Lê, Cục Hải quan TP Đà Nẵng, cho biết: “Qua khảo sát 100 doanh nghiệp thì 85% cho biết, họ phải mất trung bình 3- 6 tháng để đào lại các SV tốt nghiệp mới có thể đáp ứng được yêu cầu tối thiểu công việc. Cá biệt, có công ty cho rằng phải mất tới 2 năm để đào tạo lại. Đặc biệt, rất nhiều tân SV tốt nghiệp “bằng đỏ” nộp đơn xin việc, nhưng đã bị trượt chỉ vì không qua được những bài tập tình huống đơn giản. Thậm chí có trường hợp đã được tuyển dụng đúng chuyên ngành đào tạo như QTKD quốc tế nhưng không thực hiện được những công việc đơn giản như chuẩn bị hợp đồng ngoại thương và làm thủ tục hải quan…”.
Về nguyên nhân, ông Lê cho rằng: “Nội dung đào tạo của đa số các trường thường mang nặng tính lý thuyết. Nhiều bài giảng dành quá nhiều thời gian giảng giải về định nghĩa, tầm quan trọng và các yêu cầu, nguyên tắc mà ít dành cho việc giải thích làm gì, làm như thế nào, trong điều kiện hoàn cảnh nào… Rất nhiều chương trình đào tạo chỉ chuẩn bị nội dung bài giảng là chính, ít chuẩn bị phần thực hành, phần kích thích suy nghĩ, sáng tạo và độc lập của học viên”.
Ông Trương Quang Luyến đề xuất với các đơn vị đào tạo là thường xuyên cập nhật lý thuyết mới. Đội ngũ giảng viên nên tiếp cận thực tiễn nhiều hơn, Có những hoạt động ngoại khóa gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp. Các đơn vị đào tạo nên mời những chuyên gia hoặc những cán bộ thực tế tại doanh nghiệp đào tạo bổ sung.
Hồng Hạnh
(Dân trí)
(Dân trí)
Bình luận (0)